Để nâng tầm thương hiệu du lịch Bình Định lên một tầm cao mới, nơi đây rất cần sự đầu tư bài bản bằng các sản phẩm du lịch đặc sắc để níu giữ những bước chân chưa muốn tìm về Cù Lao Xanh.
Xã đảo Nhơn Châu đã có nhiều đổi thay.
Từ một nơi biệt lập…
Cù Lao Xanh hay còn có tên gọi khác là đảo Vân Phi, là một hải đảo gần với vịnh Xuân Đài, xã Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cù lao nằm cách bờ biển Quy Nhơn khoảng 24 km về phía tây bắc và khoảng 22 km về phía tây tỉnh Phú Yên. Với tổng diện tích gần 365 ha, cù lao được chia thành ba thôn là Thôn Tây, Thôn Đông và Thôn Trung. Buổi sáng, bình minh trên biển Nhơn Châu rạng ngời, lấp lánh như tấm gương khổng lồ phản chiếu những tia nắng rực rỡ đầu tiên báo hiệu ngày mới bắt đầu.
Mặt trời ló rạng qua rặng núi đưa nắng về xóm chài. Nắng lên, cũng là lúc ghe thuyền tấp nập đưa vào bờ những mẻ lưới đầy tôm cá của ngư dân sau một đêm cần mẫn đi biển. Chỉ có điều, đảo nằm biệt lập nên cơ sở hạ tầng nơi đây vẫn còn khiêm tốn, mọi sinh hoạt hằng ngày chủ yếu tự cung, tự cấp. Vài năm trước, Cù Lao Xanh còn được xem là “đảo người già” vì dân số cứ giảm dần theo từng năm, có lúc chỉ còn gần 500 hộ với hơn 1.000 dân. Thanh niên trai tráng lớn lên lần lượt bỏ đảo vào đất liền kiếm kế sinh nhai, chỉ còn người già bám trụ lại đây để giữ đất quê hương. Thực tế, điều ấy cũng chẳng có gì lạ, nhất là khi những tàu cá lớn đánh bắt xa bờ xuất hiện ở Nhơn Châu. Việc thu hoạch có phần tận diệt khiến đàn cá thu vốn được coi là “lộc biển” của đảo dần vắng bóng. Thuyền nhỏ, lưới mỏng, tôm cá cạn dần, dân đảo không kéo về đất liền mưu sinh thì biết dựa vào đâu!
Thiếu nguồn lực từ biển, những ngư dân quanh năm quen với sóng gió cũng đành xếp gọn thuyền lưới vào một góc cuối đảo. Bởi ngoài khai thác tài nguyên hải sản hữu hạn, trên đảo hầu như không có công việc gì khác. Nguồn kinh tế lúc này chủ yếu dựa vào số tiền con cái gửi về từ đất liền, hoặc mỗi sớm họ lại ra ven biển thả lưới, buông câu, cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại của biển. Do đó, tuy chỉ cách đất liền chừng 24 km đường biển, nhưng cuộc sống trên đảo cực kỳ khó khăn. Thiếu điện, thiếu nước, thiếu đủ bề nên không mấy ai còn mặn mà bám đảo. Cuộc sống trên Cù Lao Xanh đầy thơ mộng nhưng lại chẳng hề êm ả như những giấc mơ trưa.
Năm 2015, nhiều người hân hoan khi Nhơn Châu được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đảo. Từ đây, điện, đường, trường, trạm bắt đầu xuất hiện dần trên đảo.
Xã đảo cần sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp để khai thác tiềm năng du lịch.
…đến cù lao hôm nay
Kể từ ngày có điện, xã đảo Nhơn Châu bắt đầu tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là đầu tư cho du lịch. Vì thế, du khách thập phương đã bắt đầu biết đến nơi đây có nhiều điểm trải nghiệm, khám phá. Thí dụ như ngọn hải đăng Cù Lao Xanh có tuổi đời trên 100 năm với kiến trúc Đông-Tây kết hợp độc đáo. Cột cờ Tổ quốc luôn hiên ngang trong gió, là điểm tựa về tinh thần, giúp bà con ngư dân vững tâm vươn khơi, bám biển. Du khách cũng có thể trải nghiệm tắm nước suối Giếng Tiên hay check-in tại bãi đá Thảo Nguyên với muôn hình vạn trạng như những người lính bất tử, sừng sững hiên ngang nhưng cũng lắm tâm tư và khí phách. Đá có ở mọi nơi trên đảo như cánh tay vững chắc chở che cho bờ thêm vững chãi. Đá mang lại bình yên cho đảo trước sự dữ dội của sóng và gió. Đá thành ghềnh, thành lũy, ngày đêm trấn thủ bảo vệ quê hương.
Đó là trên bờ, còn dưới biển, nhờ công tác quản lý, bảo vệ của chính quyền và người dân nên hệ sinh thái ở Nhơn Châu đang hồi phục và phát triển cực kỳ đa dạng với các loài cá như: cá bống hồng, cá chim xanh, cá sơn mắt trắng, cá đuối chấm xanh… Đây là những loài cá cảnh biển xinh đẹp và tinh nghịch. Chúng làm bạn với những rặng san hô quanh đảo, lúc thì ẩn mình dưới đại dương sâu thẳm, lúc thì thoải mái tung tăng bơi lội cùng người. Đây được xem là một trong những tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhất là trải nghiệm lặn ngắm san hô đang rất được yêu thích hiện nay.
Anh Nguyễn Văn Cường, du khách đến từ Lâm Đồng cảm nhận, đứng trên cao phóng tầm mắt ra hết chân trời, không khí biển cứ thế cuộn trào trong lồng ngực. Nhìn xuống dưới, từng lớp sóng cứ lăn tăn gợn vào bờ rồi để lại những lớp bọt trắng xóa, vừa ầm ào dữ dằn, vừa êm ả bình yên. Đặc biệt, khi lặn biển, được tận mắt chứng kiến những đàn cá uốn lượn quanh các rặng san hô lấp lánh đầy mầu sắc, tôi lại cảm thấy như lạc vào chốn thủy cung huyền bí. Nơi đây thật sự là điểm đến ưa thích cho những ai muốn tìm về cảm giác yên bình, song vẫn muốn khám phá trải nghiệm thiên nhiên.
Anh Mạnh, hiện đang kinh doanh dịch vụ du lịch ở đây cho biết, đảo ngọc Cù Lao Xanh được mệnh danh là hòn ngọc Biển Đông bởi có tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan. Tuy nhiên, nơi đây mới phát triển du lịch vài năm nay nên chưa có sự đầu tư bài bản, cũng như kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, lượng khách đến đây vẫn còn khiêm tốn. Thế nên, dù có cảnh đẹp hoang sơ, thuần khiết, nhưng lâu nay, ngoài những nhóm khách đi tự phát ra đảo chơi rồi nhanh chóng quay về đất liền, ít người biết tới đảo vì chưa có nhiều nhà nghỉ hay cơ sở dịch vụ du lịch. “Hy vọng trong những năm tới, chính quyền địa phương nơi đây sẽ ngày càng quan tâm hơn nữa trong việc phát triển du lịch cộng đồng để đời sống bà con được cải thiện”, anh nói.
Theo ông Nguyễn Đức Trận, hiện nay, một số người không có việc làm thì họ làm với nhà tour để có thêm chút thu nhập chứ quanh năm chỉ dựa vào đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản trên đảo thì cuộc sống không khá lên được.
Để đảo ngọc không còn xa
Hiện nay, do điều kiện phương tiện di chuyển từ Quy Nhơn ra đảo còn hạn chế nên lượng khách đến với đảo chưa nhiều. Trong sáu tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến Cù Lao Xanh ước đạt khoảng 6.550 lượt, hiện toàn xã có 72 hộ làm dịch vụ mua bán nhỏ tại gia đình, đáp ứng các nhu cầu giải khát, lương thực, tạp hóa, giải quyết việc làm ổn định cho trên 180 lao động tại địa phương. Điều đáng bàn là dù có nhiều tiềm năng khai thác du lịch nhưng đến nay trên đảo mới có 13 hộ phát triển và duy trì các dịch vụ du lịch, nhà nghỉ, homestay… Do đó, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền địa phương để làm sao mở rộng các dịch vụ trải nghiệm, tham quan, lưu trú tại địa phương để khách du lịch không chỉ đến một lần mà còn quay lại thêm nhiều lần nữa.
Ông Nguyễn Đức Trận, Bí thư xã đảo Nhơn Châu cho biết, hiện tại giao thông đường thủy nội địa chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và trao đổi mua bán nên lượng khách ra vào đảo chưa được như kỳ vọng. Lãnh đạo địa phương luôn tạo mọi điều kiện để người dân trên đảo phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm đảo. Du khách đến tham quan trên địa bàn xã đảo sẽ đóng góp rất nhiều về kinh tế, đồng thời tạo sinh kế và việc làm cho bà con.
Đến Nhơn Châu hôm nay, biển vẫn xanh và nắng vẫn trải vàng khắp các con đường trên đảo. Đâu đó dưới những rặng dừa vẫn ngân nga điệu bài chòi truyền thống làm xua tan bao mệt mỏi thường ngày. Những nghệ sĩ miệt vườn nơi xã đảo còn nghèo vẫn si mê trong từng câu hát, từng nhịp phách, từng thẻ bài. Thế nên dù xã đảo đã có nhiều đổi khác, nhưng cù lao vẫn như người đẹp ngủ quên chưa được đánh thức.
Bài và ảnh: Đạt Tùng