Giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại không chỉ đơn thuần là thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác như định hình nền nông nghiệp xanh, bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa của nông thôn.
Anh bạn học ở Thành phố Hồ Chí Minh email cho tôi một danh sách “đề nghị” được bố trí đi thăm khi đặt chân đến mảnh đất Kon Tum, trong đó có làng Phương Quý (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum).
Tôi ngạc nhiên hỏi “sao lại biết làng ấy”, anh ta cười (tôi nghĩ vậy) và viết: Bí mật. Tớ còn biết đó là ngôi làng được lập nên từ năm 1887, ban đầu là vài ba hộ dân lưu tán từ Quảng Nam lên, dần dần, người từ Bình Định lên đông hơn, trở thành cư dân chính của làng.
Vậy là 2 ngày cuối tuần, tôi đón khách phương xa!
Đó là quãng thời gian ngắn ngủi nhưng hết sức vui vẻ của những người đã mệt nhoài, rã rượi với công việc, đã ho khan với khói bụi thành phố, khi họ được cởi mở lòng mình ở ngôi làng 136 năm tuổi- tôi tin là vậy.
Họ chạy chân trần trên con đường len lỏi giữa những vườn cây trái, đạp xe qua những con dốc ngắn dưới bóng tre rợp mát từ bến sông lên làng; trải chiếu nằm dưới gốc mít.
Hoặc lang thang trong khu vườn không được quy hoạch bài bản, mà chật chội, pha tạp, ngẫu hứng, như ai đó vô tình cầm một nắm hạt nhiều loại, rồi vung ra khắp khu vườn.
Du khách trải nghiệm cuộc sống nông thôn. Ảnh: HL
Sau khi ra về, anh bạn tôi để lại một câu nuối tiếc: Có thể nói, mọi người đã “chết mê chết mệt” với không gian đẹp, môi trường trong lành, người dân thân thiện, cuộc sống gần gũi với thiên nhiên nơi đây. Nhưng sao không phát triển dịch vụ du lịch ở đây nhỉ?
Tôi biết, có những nhóm bạn, vào ngày nghỉ sẽ làm những chuyến “mini picnic”. Họ không chỉ thỏa thích dạo chơi trên những cánh đồng lúa ở Hòa Bình, Nguyễn Trãi, Đoàn Kết, hoặc ghé thăm các nhà vườn chuyên sản xuất rau, chiêm ngưỡng cảnh đẹp nông thôn, hòa mình với thiên nhiên, mà còn trải nghiệm cuộc sống nơi thôn dã và công việc của nhà nông.
Tuy nhiên đó mới chỉ là những hoạt động tự phát.
Hay như mới đây, cháu tôi, một dân “phượt” chính tông, từ Đà Nẵng chạy mô tô một mạch lên Kon Tum, chỉ kịp chào hỏi vài câu rồi lại chạy một mạch lên Kon Plông, không phải vì lời giới thiệu “Măng Đen như Đà Lạt”, mà chỉ vì những bức ảnh “rất chill” chụp ở một nông trại giới thiệu trên fanpage du lịch.
Thấy tôi tỏ vẻ khó hiểu, nó lắc đầu ra chiều thông cảm: Cậu không biết đâu. Du lịch nông thôn đang là trào lưu mới đấy.
Sau đó, tôi biết ở Kon Plông có một số trang trại nông nghiệp, chuyên trồng rau, hoa và các dược liệu kết hợp với tham quan du lịch đang hút khách bởi sự thoải mái và dễ chịu từ không khí trong lành, khí hậu mát mẻ và không gian xanh.
Nhưng tiếc thay, đó cũng chỉ là những hoạt động tự phát của từng nông trại, hoặc từng nhóm khách.
Kể lại những chuyện trên để thấy rằng, tỉnh ta có nguồn tài nguyên nông nghiệp, nông thôn phong phú để phát triển du lịch mà không cần phải đầu tư nhiều. Nhưng để khai thác hiệu quả lại còn nhiều chuyện cần bàn.
Du lịch nông nghiệp đang là hướng đi mới đầy triển vọng. Ảnh: TH
Điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng; phong cảnh đẹp; các giá trị ẩm thực, văn hóa đa dạng (bao gồm lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống); người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình… là những tiền đề rất quan trọng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã có sự quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành hình thành cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Trong đó đáng chú ý là xây dựng các điểm du lịch cộng đồng; khảo sát, lựa chọn các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù của địa phương và lựa chọn các chủ thể tham gia mỗi liên kết là người dân, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, nhằm phát triển du lịch cộng đồng, phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực hướng đến sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp nông thôn chưa được khai thác hiệu quả. Trong đó, đáng chú ý là cơ chế về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong khai thác và phục vụ loại hình du lịch này còn lúng túng, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.
Nguồn lực địa phương vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất, hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức. Mô hình trang trại nghỉ dưỡng hoạt động chủ yếu dựa vào thời tiết và mùa vụ; mô hình trang trại chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ, tự phát và chưa được đầu tư bài bản.
Vì vậy, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, bên cạnh những chính sách được Trung ương và tỉnh ban hành, các địa phương cần rà soát, nghiên cứu về quy hoạch, địa lý địa hình, văn hóa, con người, sản phẩm địa phương để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn và chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn.
Bố trí lồng ghép các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa để đa dạng kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho các mô hình du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn và triển khai Chương trình OCOP về lĩnh vực du lịch trên địa bàn.
Và quan trọng nhất là thay đổi tư duy du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, “đa dạng trong thống nhất”. Thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển trên nguyên tắc nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường.
Thành Hưng