Gần đây, vấn đề người dân, du khách mang thức ăn cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng đã nóng trở lại. Nhắc nhở, tuyên truyền, kể cả ra quân ngăn cản vẫn chưa thể hiệu quả bằng ý thức của mỗi cá nhân với động vật hoang dã.
Khách dừng xe cho khỉ ăn gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tái diễn tình trạng tự cho khỉ ăn
Quy định xử phạt với hành vi cho động vật hoang dã ăn bừa bãi vẫn chưa có. Do vậy, khắp những điểm đàn khỉ thường tập trung toàn rác thải, vỏ trái cây bị bỏ lại sau mỗi đợt “tiếp tế lương thực”. Buổi dạo chơi, ngắm nhìn không gian núi, biển ở Sơn Trà thư thái của du khách đã không còn. Thay vào đó là việc cảnh giác, tránh né khi bị lũ khỉ bao quanh, giành cướp đồ.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa việc yêu thương với sự tôn trọng giá trị vốn có của tự nhiên. Bản tính sống bầy đàn, tinh nghịch, khỉ Sơn Trà lại càng hung hăng nếu không có đủ thức ăn mỗi khi chúng thấy con người. Những tai nạn, vết thương của người dân vô tình bị khỉ cào cấu đã từng xảy ra. Với những cá thể khỉ to lớn, mức độ khỉ cắn có thể nghiêm trọng như làm đứt gân tay, cắn vào yết hầu, thậm chí chúng đủ sức đánh gãy tay con người… Tất cả chỉ vì không đáp ứng đủ thực phẩm khi chúng kéo ra đường.
Nếu con người không cho khỉ ăn, khỉ có đói không? Phía Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà khẳng định là không. Chia sẻ từ những tình nguyện viên nghiên cứu về khỉ Sơn Trà cho biết, loài vật này hoàn toàn có đủ bản năng sinh tồn. Đơn cử trong thời điểm dịch Covid-19, nơi đây không một bóng người, đàn khỉ vẫn sống tốt.
Theo các nhà nghiên cứu tự nhiên, xã hội phát triển, đời sống hiện đại thì con người càng muốn hiểu hơn về môi trường tự nhiên chung quanh. Tuy nhiên, việc tìm hiểu, khám phá chỉ nên dừng lại ở mức độ ngắm nhìn, quan sát, đặc biệt là ở những nơi đặc thù như khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Môi trường tự nhiên cần nhất sự chung tay gìn giữ, bảo vệ và những giá trị vốn có cần để chúng tự duy trì, phát triển.
Nhớ lại câu chuyện một người đàn ông dùng ná cao-su bắn khỉ ở chùa Linh Ứng hồi tháng 5/2020, cộng đồng mạng khi đó vô cùng bức xúc bởi lẽ đàn khỉ cần có một không gian sống và được bảo vệ. Cảnh quan bán đảo Sơn Trà vốn nổi tiếng từ những loài động vật hoang dã, trong đó có khỉ. Hình ảnh khỉ mẹ cõng khỉ con chuyền cành, tự tìm hoa quả mọc dại để ăn chính là hình ảnh đẹp nhất tại đây.
Không tự dưng thay đổi tính cách
Nghiên cứu thu được từ nhóm Cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Sơn Trà cho biết, thụ động, trông chờ, giảm vận động leo trèo, ức chế tâm lý, stress… là một số biểu hiện của đàn khỉ tại bán đảo Sơn Trà gần đây. Sự chênh lệch về số lượng giữa tình nguyện viên bảo vệ khỉ ít hơn so với lượng du khách tham quan và việc người dân thích cho khỉ ăn ngày càng đông đã làm công tác tuyên truyền, ngăn cản gặp khó khăn. Vài tuần gần đây, những tình nguyện viên cố gắng ở lại những nơi có khỉ đến 19 giờ tối nhưng vẫn không cản nổi dòng người cố tình rải thức ăn cho chúng.
“Có những hôm chúng tôi vẫn ở đây đến tận 19 giờ 30, đuổi khỉ về rừng xong thì trời mưa nên cả nhóm phải về. Vậy nhưng sáng hôm sau quay lại thì thấy toàn rác, bao bì đựng đồ ăn. Tình hình còn tệ hại hơn là nhiều người đã lén tránh khung giờ có tình nguyện viên trực để vứt thức ăn ôi thiu cho khỉ. Hay như một người bán bánh bao đã dùng những chiếc bánh bao cũ (không thể bán được nữa) lôi kéo đàn khỉ xuống đường. Đó là cách anh ta làm cho đàn khỉ trở nên thèm bánh và sau đó mời khách mua bánh mình bán cho khỉ ăn. Vài bậc phụ huynh đã dùng bánh kẹo dụ đàn khỉ kéo xuống để chụp ảnh cho con rất nguy hiểm”, chị Cao Thị Kim Tuyết, thành viên nhóm cứu hộ cho biết.
Thực tế cho thấy, những con khỉ khi gặp người trong trạng thái đòi hỏi thức ăn lâu dần dễ dẫn đến tình trạng tâm lý bất ổn định, chúng sẽ mất hoàn toàn bản năng kiếm ăn trong tự nhiên, phản xạ kém với các mối nguy hiểm từ các loài khác. Vốn là loài lanh lẹ, chuyền cành nhanh chóng nhưng vẫn có những chú khỉ mặt đỏ tại chùa Linh Ứng đã bị chó đuổi cắn chết hoặc bị thương tật. Nếu tình trạng tự cho khỉ ăn không chấm dứt sẽ còn nhiều những khỉ con trải qua cuộc đời bi thảm khi mỗi ngày vẫn còn những cá nhân viện cớ sở thích khám phá môi trường tự nhiên nhưng lại làm ảnh hưởng đến quyền phát triển của động vật hoang dã.
Bài và ảnh: Quế Trung