(TITC) – Ngày 11/9/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) ra tuyên bố chung để giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học ở khu vực Trung Trường Sơn.
Vườn Quốc gia Pù Mát - Nghệ An (ảnh minh họa). Nguồn: TITC
Theo đó, hai bên sẽ hợp tác để huy động các nguồn lực đầu tư cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) giải quyết những vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học rừng, đồng thời mang lại những lợi ích lâu dài cho các cộng đồng địa phương tại Trung Trường Sơn - một trong những khu vực có rừng nguyên sinh liền kề lớn nhất châu Á.
Đây là một phần hoạt động của Nền tảng Khởi tạo các Giải pháp dựa vào Thiên nhiên (NbS-OP). Nền tảng này là một sáng kiến mới của WWF nhằm tìm kiếm các giải pháp NbS có chất lượng và tính toàn vẹn cao, có tác động trên diện rộng đối với con người, khí hậu và thiên nhiên tại các cảnh quan rừng nhiệt đới. Các đối tác chủ yếu của NbS-OP trên toàn cầu hiện nay là những công ty lớn của Mỹ như HP Inc, Apple và International Paper. Tại Việt Nam, WWF hiện đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các dự án bảo tồn đa dạng sinh học với quy mô lớn tại Trung Trường Sơn nhằm bảo vệ, phục hồi và tăng cường quản lý rừng. Các dự án này do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và WWF là đối tác thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp lâu dài của WWF và nỗ lực bảo tồn các cảnh quan rừng quan trọng của Việt Nam. Trong những năm tới, chúng tôi mong muốn hợp tác với WWF để bảo vệ sinh cảnh quý báu cho Trung Trường Sơn, thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên có chất lượng và bền vững, mang lại những lợi ích lâu dài cho con người, thiên nhiên và khí hậu”.
Cảnh quan Trung Trường Sơn là một bể chứa các-bon tự nhiên và giàu tính đa dạng sinh học. Độ che phủ rừng trong khu vực từ 47% tới 68%, với hơn 2,3 triệu héc-ta rừng tự nhiên. Chính vì vậy, đây là ngôi nhà của nhiều loài động vật đặc hữu và quý hiếm, bao gồm Sao la, Mang lớn, Mang Trường Sơn... Dân số của miền Trung Việt Nam là 18,5 triệu người và người dân nơi đây đang sống dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên trực tiếp hoặc gián tiếp.
Tuy nhiên, cảnh quan ở đây đang mất đi tính đa dạng sinh học tự nhiên, đối mặt với hiện tượng “rừng lặng” do sinh cảnh bị chia cắt và suy thoái. Biến đổi khí hậu và tác động của con người là những đe dọa nghiêm trọng nhất đối với hệ sinh thái nơi đây. Những hoạt động này bao gồm săn bắt và khai thác gỗ bất hợp pháp, chuyển đổi rừng và các hoạt động sinh kế khác. Bên cạnh đó, tác động của phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học tại khu vực này.
Nhằm bảo tồn đa dạng sinh thái rừng cho khu vực này, từ nhiều năm trước WWF đã phát triển các chương trình phục hồi để giải quyết các vấn đề này, tạo hành lang xanh để kết nối các khu rừng bị phân mảnh, vận động và hỗ trợ việc thành lập các Khu Bảo tồn Sao la tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Các công nghệ mới như SMART, phân tích e-DNA và GIS đã được đưa vào áp dụng để quản lý và giám sát quần thể các loài hoang dã trong các khu bảo tồn. Gần đây nhất, WWF và các đối tác đã hỗ trợ triển khai Chương trình Tái hoang dã tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. Ngoài ra, WWF còn làm việc trực tiếp với các cộng đồng và doanh nghiệp địa phương để nâng cao sinh kế cho người dân nơi đây, góp phần mang lại các kết quả bảo tồn ở quy mô lớn hơn.
Giám đốc Điều hành WWF-Việt Nam, Văn Ngọc Thịnh phát biểu: “Bảo tồn là một nỗ lực lâu dài và có thể mất từ 20 – 30 năm mới mang lại kết quả. Đây là lý do tại sao chúng ta cần một nguồn lực tài chính lâu dài. Nền tảng NbS-OP thành lập là để đạt được mục tiêu trên bằng cách huy động đầu tư từ các khối công và tư cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên hiệu quả, có phạm vi tác động trên toàn bộ cảnh quan”.
Trung tâm Thông tin du lịch