Chuyện những người gọi hổ bằng em

Cập nhật: 18/09/2023
Chăm sóc, nuôi dưỡng động vật hoang dã là công việc khó thì nuôi hổ càng khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Nhưng, với trách nhiệm và lòng yêu nghề, các nhân viên của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) đã cẩn trọng chăm sóc đàn hổ lớn lên. Vượt lên nỗi sợ, nghề nuôi hổ cũng có những điều thú vị.

Với bác sĩ thú y Trần Thị Lệ, con hổ tên Đô có phần thiện cảm hơn.

Chuẩn bị cho tương lai về rừng

Hàng chục năm nay, cán bộ, nhân viên của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (gọi tắt là Trung tâm) cứu hộ, nuôi dưỡng, chăm sóc để tái thả trở lại môi trường tự nhiên hàng nghìn cá thể động vật hoang dã các loại, song hổ thì chưa bao giờ có. Bởi ở rừng nguyên sinh Phong Nha-Kẻ Bàng, loài hổ đã nhiều năm không còn tìm thấy.

Cho đến một ngày cuối tháng 3/2022, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nhận chuyển giao bảy cá thể hổ Đông Dương từ Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) trong tình trạng đều khỏe mạnh, con nặng nhất 64 kg, nhỏ nhất 56 kg. Trước đó đầu tháng 8/2021, Công an tỉnh Nghệ An bắt vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép, thu giữ bảy cá thể hổ con khoảng 1,5 tháng tuổi. Sau đó, số cá thể hổ này được chuyển đến nuôi tại Vườn quốc gia Pù Mát. Sau hơn bảy tháng chăm sóc, do không có đủ điều kiện để nuôi tiếp nên Ban Quản lý Vườn quốc gia Pù Mát đề xuất chuyển bảy cá thể hổ tới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để phù hợp việc nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo tồn. Được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chấp thuận, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng xây dựng quy trình kỹ thuật cứu hộ hổ, chuồng trại và tập huấn cho cán bộ, nhân viên để đón các cá thể hổ trên về nuôi.

Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái cho biết, sau gần hai năm nuôi dưỡng, các cá thể hổ lớn nhanh, khỏe mạnh. Đầu tháng 8 mới rồi, Vườn phối hợp các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã quốc tế chuyển đàn hổ sang khu nuôi mới có nhiều giá thể để chúng dần quen với cuộc sống tự nhiên. Sau này khi đưa ra khu nuôi bán hoang dã thì các cá thể hổ sẽ thích nghi nhanh.

Dẫn chúng tôi ra thăm khu chuồng nuôi hổ mới, nằm sát con đường có nhiều cây xanh, Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Ngọc Anh cho biết, khu chăm sóc, nuôi dưỡng các cá thể hổ Đông Dương mới có diện tích gần 3.500 m2, có đầy đủ các hạng mục đáp ứng điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn. Quá trình di chuyển bảy cá thể hổ quý hiếm diễn ra theo một quy trình hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt do các chuyên gia quốc tế về động vật hoang dã của thế giới hướng dẫn và trực tiếp thực hiện.

“Trước khi di chuyển, việc khám, kiểm tra sức khỏe cho hổ là phức tạp nhất và đòi hỏi sự cẩn trọng trong từng khâu. Trước hết là các chuyên gia tiếp cận để gây mê bằng ống thổi kim tiêm chuyên dụng với từng cá thể hổ. Sau đó, nhóm vận chuyển dùng cáng để khiêng các cá thể hổ từ chuồng nuôi cũ lên phòng thú y để chuyên gia chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm các chỉ số liên quan và tiêm vaccine Purevax. Kiểm tra cho thấy sức khỏe các cá thể hổ tốt, chứng tỏ việc nuôi dưỡng đúng quy trình, càng ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của loài động vật hoang dã này”, anh Ngọc Anh chia sẻ.

Các chuyên gia quốc tế và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng kiểm tra sức khỏe cho hổ.

“Ra đây em ơi…”

Câu chuyện của chúng tôi như bị xen ngang bởi tiếng gọi “Ra đây em ơi…” của một cô gái trong bộ quần áo bảo hộ đang đi đến gần chuồng thú. Chỉ khoảng hai phút, con hổ lớn vằn vện vừa đi vừa vươn vai bước tới cửa chuồng. Ngọc Anh giới thiệu với chúng tôi, cô gái vừa gọi hổ là bác sĩ thú y Trần Thị Lệ, cán bộ của Trung tâm chuẩn bị cho bảy cá thể hổ ăn trưa.

Lúc này, Lệ cũng vừa đẩy xe rùa chở thức ăn đến trước chuồng số 1 là nơi nuôi nhốt con hổ đực đầu đàn được đặt tên là Đô. Lệ cất tiếng gọi “Đô, ra đây chị cho ăn”. Con hổ nhe nanh gừ gừ đi tới, nghiêng đầu, kê tai cà vào cánh cửa sắt để chuẩn bị nhận thức ăn là miếng thịt lợn khá to. Lệ cười bảo: “Nó cứ quen như vậy đó. Mỗi khi em gọi là nó chạy đến kê đầu vào cửa sắt có ý bảo em gãi tai cho nó. Em Đô này to lớn nhưng lại hiền nhất trong bảy cá thể hổ ở đây”.

Nếu với bác sĩ thú y Trần Thị Lệ, con Đô có vẻ nhu mì bao nhiêu thì với chúng tôi, nó ít “thiện cảm” bấy nhiêu. Tôi bước đến cửa chuồng sắt và đưa máy ảnh lên để chụp nhưng chưa kịp lấy nét khuôn hình thì con hổ lao đến, đưa chân trước lên như bíu vào cánh cửa sắt làm tôi sợ phải lùi lại. Con Đô mắt long lên, nhiều chỏm lông trên lưng vằn vàng đen như dựng dậy. Dù chỉ gầm gừ giương oai trong chuồng sắt song với những người lạ chúng tôi, chừng đó thôi cũng đủ gây hoảng sợ, muốn bước nhanh hơn để thoát khỏi ánh nhìn dữ dằn của chúa sơn lâm.

Rời chuồng con hổ tên Đô, cô Trần Thị Lệ đẩy xe đựng thức ăn gồm gà, thỏ, xương sườn và thịt lợn đã được chia theo khẩu phần đến các ngăn chuồng khác. Vẫn tiếng gọi “Em ơi, ra ăn nào. Em ơi, ra ăn nào...” trong quá trình di chuyển và cả khi xe dừng trước cửa chuồng nào. Chúng tôi bám theo Lệ, nhiều con hổ thấy người lạ nên đứng bíu chân vào cửa gầm gừ chần chừ, cảnh giác chưa chịu nhận thức ăn. Lệ cất giọng: “Em ơi, người nhà cả đó, em ra ăn đi”. Một thoáng, con hổ cái đi tới, nghiêng người, cọ đầu vào cửa rồi ngoạm miếng thịt đi về góc chuồng ngồi xổm ăn ngon lành.

Bác sĩ thú y Nguyễn Ngọc Anh cho biết, hổ là động vật hoang dã hung dữ bậc nhất, khi đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng, cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải kiên trì làm thân với chúng. Không gian, môi trường làm việc là chuồng hổ và chuồng nuôi các loài động vật hoang dã nên họ hầu như có mặt cả ngày ngoài chuồng, nói chuyện với hổ ai cũng xưng hổ bằng “em”, “bạn”. Lâu thành quen, nhìn ánh mắt và cử chỉ của từng cá thể hổ có thể thấy mức độ “quen biết” với nhân viên. Còn với các bác sĩ thú y và nhân viên của Trung tâm, trong nhiều năm qua, công việc cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, trong đó có bảy cá thể hổ Đông Dương không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vui, bởi họ xem chúng là bạn, đặt tình thương giống như những “thú cưng” của gia đình.

Hằng ngày, nhân viên chăm sóc hổ nhẹ nhàng, dùng cây gắp thức ăn thừa ra ngoài, cân số lượng và ghi chép cẩn thận, rồi phun nước rửa sạch chuồng, khay đựng nước uống, thức ăn. “Phương thức chăm sóc, bảo tồn của Trung tâm là nuôi duy trì, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng và phát triển giống như ngoài tự nhiên, không để hổ quá mập. Mỗi ngày cho hổ ăn hai lần và thường xuyên thay đổi món ăn”, Ngọc Anh nói.

Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái cho hay, sau gần hai năm chăm sóc, nuôi dưỡng, bảy cá thể hổ đang trong giai đoạn trưởng thành. Thêm một thời gian nữa, số hổ này sẽ chuyển sang nuôi theo quy trình bán hoang dã. Việc các cá thể hổ này có thả về rừng tự nhiên và có sinh sản được hay không; nếu sau khi thả hổ thì rừng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng có an toàn cho du khách hay không… là những vấn đề lớn, phải trả lời bằng các công trình nghiên cứu khoa học, với sự tham gia của tổ chức chuyên ngành và chuyên gia quốc tế, trên cơ sở đó mới đưa ra quyết định được. Trước mắt, mỗi năm, Vườn phải chi khoảng hai tỷ đồng tiền thức ăn cho đàn hổ. “Để có nguồn kinh phí cho hoạt động này, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng liên kết và tranh thủ sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp, tổ chức về bảo tồn động vật hoang dã song về lâu dài, chúng tôi đang cần thêm sự hỗ trợ này”, ông Thái nói.

Bác sĩ Anh nói thêm rằng, chính lời gọi “Ra đây em ơi” từ xa của cô Lệ là cách mà anh em Trung tâm “đánh động” cho hổ có thời gian chuẩn bị để nhận thức ăn, đồng thời cảm nhận sự thân thiện với người chăm sóc. Nếu để hổ giật mình hoảng sợ, sẽ bỏ ăn, lâu ngày tạo nên tính nết hung dữ.

Bài và ảnh: Hương Giang, Hạnh Châu

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 16/9/2023