Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở cực Nam Tổ quốc

Cập nhật: 18/09/2023
Hướng đến mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững, đồng thời khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có của một tỉnh địa đầu cực Nam Tổ quốc, hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Phát huy lợi thế sẵn có

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau, đến nay, toàn tỉnh có 25 điểm du lịch sinh thái cộng đồng đã đi vào hoạt động và một số điểm mới đã được hướng dẫn, hỗ trợ đưa vào thực hiện, quản lý. Trong 5 năm gần đây, các hộ làm du lịch theo hình thức này đã được kết nối trong các tour, tuyến phục vụ du khách. Nhờ đó, người dân bắt đầu được hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng; góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi; tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nông, lâm sản, nghề truyền thống; thúc đẩy các ngành nghề, dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.

Du khách tham quan Khu du lịch Mũi Cà Mau. Ảnh: Kim Há - TTXVN

Bên cạnh việc mang tới nguồn sinh kế nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan, khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch sinh thái cộng đồng đang góp phần làm phong phú cho sản phẩm du lịch của địa phương. Trung bình mỗi năm, tỉnh Cà Mau đón trên 123.000 lượt khách đến với loại hình du lịch này.

Tỉnh đang quan tâm phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa trên xây dựng sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, gắn việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên với hoạt động du lịch, như: Khai thác có hiệu quả tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau; triển khai Đề án Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi; khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn Quốc gia U Minh Hạ gắn với trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân dưới tán rừng, tìm hiểu nghề gác kèo ong, kinh nghiệm đi rừng, khai thác sản vật,...

Điển hình trong phát triển du lịch cộng đồng là Điểm du lịch Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời). Đây là một trong những điểm du lịch sinh thái được bình chọn nằm trong "Top" ấn tượng của du lịch Việt Nam. Sau gần 8 năm hình thành, nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ, kì bí với hệ sinh thái rừng tràm, gắn với hoạt động du lịch xanh, dựa vào thiên nhiên và cộng đồng.

Anh Phạm Duy Khanh, chủ khu du lịch Mười Ngọt cho biết, khu du lịch có tổng diện tích hơn 60 ha rừng tràm, tuy nhiên đã dành khu vực 20 ha để làm khu bảo tồn nghiêm ngặt, không khai thác nguồn lợi, để tạo một vùng lõi sinh thái tự nhiên dẫn dụ ong về. “Dù nhiều nơi có rừng tràm, nhưng nghề ăn ong của U Minh Hạ là độc nhất vô nhị, được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, là niềm tự hào của những người con xứ rừng. Địa danh U Minh Hạ huyền thoại cùng với nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây đã là một nét tự nhiên, hấp dẫn thu hút du khách khi về với Cà Mau”, anh Khanh tự hào chia sẻ.

Anh Khanh cho biết thêm, du khách khi đến vùng đất U Minh Hạ sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động của người nông dân xứ rừng như: Đi ăn ong, theo chân những người thợ lấy tổ ong rừng mang về vắt mật; đặt lờ, đặt lọp, câu cá đồng; hái rau đồng; thưởng thức trái cây sạch, ngon tại vườn. Những sản vật thu hoạch được có thể đem chế biến thành những món ăn dân dã, đậm nét quê…

Trong khi đó, để du khách được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên trong lành của hệ sinh thái rừng ngập mặn, từ khi đưa vào khai thác đến nay, tour tham quan xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển) đã trở thành điểm nhấn quan trọng của du khách trong và ngoài nước trong hành trình trải nghiệm, khám phá vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Ông Tô Văn Cường, chủ điểm du lịch sinh thái cộng đồng Dân 3 Khía, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển cho biết, tour tham quan xuyên rừng được du khách yêu thích, số tour và lượng khách tham quan ngày càng tăng lên. Ða phần khách muốn được một lần đặt chân đến mảnh đất cuối trời Tổ quốc, được ngắm hệ sinh thái rừng ngập mặn với đa dạng các loài động, thực vật quý hiếm.

Hiện nay, huyện Ngọc Hiển cùng các đơn vị kinh doanh du lịch đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn trên tuyến xuyên rừng; phục dựng lại nhà ba gian không cửa, xây dựng cầu khỉ trong rừng để du khách check-in. Ðồng thời, huyện bố trí nhà dừng chân trên tuyến, khu vực bãi bồi đáp ứng nhu cầu du khách nghỉ ngơi và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương…

Xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch

Ông Tiết Minh Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển chia sẻ, trong thời gian tới, huyện cùng ngành chức năng của tỉnh sẽ tập trung nâng cao các tuyến xuyên rừng; tiếp tục xây dựng phương án mở thêm một số tuyến xuyên rừng mới nhằm phục vụ khách tham quan.

Không gian nghỉ dưỡng trong Khu du lịch sinh thái Thư Duy, thành phố Cà Mau. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

“Trước mắt, địa phương sẽ xây dựng nhà dừng chân để du khách ghé quan sát, chiêm ngưỡng phong cảnh trên tuyến. Ðồng thời, huyện chọn một tuyến ngắn bố trí những chiếc xuồng cho du khách tự bơi xuồng trong rừng đước, tạo ra những hoạt động mới để du khách được trải nghiệm. Tại khu bãi bồi, huyện đề xuất ngành chức năng kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng”, ông Tiết Minh Thành nói.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, việc thu hút khách du lịch đến Cà Mau tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch và du lịch sinh thái cộng đồng còn những hạn chế. Kết quả thu hút và phát triển du lịch Cà Mau chưa được như mong muốn, chưa tương xứng với thế mạnh sẵn có, thể hiện sự thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch cũng như công tác xúc tiến du lịch thiếu hiệu quả. Các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng vẫn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, còn manh mún, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch mà chưa chú trọng đến vấn đề duy trì bền vững. Các hộ làm du lịch cộng đồng và các homestay hoạt động còn nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, thu nhập của người dân làm du lịch cộng đồng còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên. Nguồn nhân lực du lịch trực tiếp, gián tiếp và tự phát hầu hết là chưa chuyên nghiệp, chưa qua đào tạo về nghiệp vụ, giao tiếp, văn hóa, lịch sử khiến du khách còn phiền lòng về cung cách phục vụ...

Từ thực tế này, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng một cách tổng thể, từ việc đánh giá tài nguyên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thị trường cho đến công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, mang tính chuyên nghiệp, phát triển gắn liền với bền vững.

Theo đó, tỉnh sẽ nghiên cứu, tổ chức các sự kiện mới như: Hoạt động thể thao mạo hiểm; các giải chạy marathon xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ... Tỉnh định hướng cho các khu, điểm du lịch trong việc tổ chức dịch vụ trải nghiệm theo truyền thống địa phương; xây dựng mới và trưng bày các sản phẩm lưu niệm; khôi phục và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống; thành lập các tổ, đội đờn ca tài tử, nghệ thuật truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian... phục vụ du khách.

Địa phương chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững; vận động, hướng dẫn cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh, nét đẹp của từng địa phương, điểm đến…

“Dù đối mặt với nhiều thách thức, song với tiềm năng và khả năng khai thác của mình, du lịch sinh thái cộng đồng đã và đang hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch của cả hai mùa mưa, nắng; thu hút sự quan tâm của du khách, đặc biệt là khách quốc tế nếu có sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, sở, ngành, chính quyền địa phương, nhà đầu tư và cả cộng đồng”, ông Trần Hiếu Hùng khẳng định.

Huỳnh Anh

Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - dantocmiennui.vn - Đăng ngày 17/9/2023