Quảng Nam: Giảm thiểu rác thải nhựa để phát triển bền vững

Cập nhật: 19/09/2023
Thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng đã có nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành.

Thu gom và phân loại rác thải tại bãi biển ở Hội An

Nâng cao nhận thức

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đang tích cực triển khai dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”. Dự án này được sự tài trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP/GEF-SGP), thực hiện trong hai năm 2023-2024. Mục tiêu hướng đến thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành du lịch. Theo đó tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về tác hại của rác thải nhựa và ý thức trách nhiệm trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, triển khai thí điểm các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình và Quảng Nam.

Mới đây tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Silk Sense Hoi An River Resort chính thức công bố là khách sạn đầu tiên ở Việt Nam không còn rác thải nhựa thải ra môi trường và không còn đồ nhựa dùng một lần. “Sự kiện công bố “khách sạn không rác thải nhựa” là một hành động cụ thể của doanh nghiệp, có ý nghĩa lớn đối với việc tạo sức lan tỏa cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch không chỉ ở Hội An mà trên địa bàn cả nước về quyết tâm thực hiện phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Tại Quảng Nam, trong giai đoạn 2023-2025, tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam sẽ đồng hành cùng Quảng Nam và TP Hội An trong nỗ lực thực hiện các quy định mới của Luật bảo vệ Môi trường và xây dựng mô hình thành phố không rác, xây dựng Hội An điểm đến xanh…

Tour dã ngoại kết hợp vớt rác trên sông Hoài, Hội An

Hỗ trợ phân loại rác thải

Để nhân rộng mô hình, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành công văn, thống nhất chủ trương triển khai nhân rộng thực hành không rác thải tại một số điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn theo kế hoạch của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam. Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, việc triển khai nhân rộng sẽ thực hiện ở xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ (trung điểm là làng bích họa Tam Thanh) và phường Cẩm Phô, TP Hội An.

Trước đó, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã xây dựng Kế hoạch số 12 nhằm thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển du lịch xanh đến năm 2025, cùng chương trình hợp tác với tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE) và hai địa phương Hội An, Tam Kỳ để thúc đẩy nhân rộng mô hình thực hành không rác thải tại điểm du lịch tiêu biểu. Tổ chức PE sẽ tài trợ khoảng 15.000 USD triển khai thí điểm mô hình tại phường Cẩm Phô và xã Tam Thanh. Bên cạnh đó sẽ kết nối với UN Habitat để kêu gọi hỗ trợ mở rộng, phát triển các hoạt động cùng với các nguồn xã hội hóa khác.

Kế hoạch sẽ có sự tham gia của khoảng 50 cơ sở kinh doanh du lịch cùng các hộ dân trên địa bàn dự kiến đặt trạm thiết lập và chuyển giao vận hành cơ sở phục hồi tài nguyên - rác (MRF). Cùng với đó là những người làm nghề ve chai tự do, các doanh nghiệp xã hội cung cấp giải pháp về rác thải tại Hội An và các tình nguyện viên tại cộng đồng. Mục đích nhằm hỗ trợ kỹ thuật đến người dân, cơ sở hoạt động du lịch tại điểm phường Cẩm Phô và xã Tam Thanh trong hoạt động kiểm toán, phân loại và xử lý rác thải. Thiết lập và chuyển giao vận hành MRF trong cộng đồng địa phương, chuyển giao kỹ thuật trực tiếp đến người dân, cơ sở hoạt động du lịch để tự vận hành. Chia sẻ, lan tỏa hoạt động môi trường trong cộng đồng, góp phần xây dựng điểm đến xanh và gợi mở hoạt động du lịch sáng tạo, bền vững cho môi trường. Thông qua đó, lan tỏa giá trị của hoạt động theo xu hướng nhân rộng và phát triển trong những năm tiếp theo.

Các hoạt động cụ thể sẽ triển khai đến tháng 6/2024 như: Thiết lập và phổ biến đến cộng đồng mô hình quản lý chất thải rắn tại nguồn/mô hình “Không rác”, thông qua hành động của tổ kỹ thuật, hướng dẫn 10 bước thực hành trong cộng đồng. Áp dụng các hành động của tháp không rác, theo thứ tự ưu tiên giảm dần đó là: Tiết giảm phát sinh rác thải - Tái sử dụng - Phân loại rác tại nguồn triệt để. Toàn bộ rác của khu vực triển khai MRF gồm 50 hộ gia đình và cơ sở kinh doanh sẽ được chuyển hướng như sau: Rác hữu cơ, rác tái chế, rác nhựa giá trị thấp, rác độc hại, rác lẫn khác… Tập huấn để vận hành MRF với sự tham gia của khoảng 50 hộ gia đình và cơ sở kinh doanh. Tổ chức sự kiện, hoạt động tập huấn và thăm quan học tập cho các cơ sở kinh doanh, người dân địa phương để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi liên quan tới quản lý chất thải rắn tại nguồn; Thảo luận, đề xuất các góp ý với các dự thảo văn bản chính sách về giảm thiểu một số sản phẩm nhựa dùng một lần và quản lý chất thải rắn trong ngành du lịch được thảo luận và dự thảo, ban hành.

“Mục tiêu mong đợi của chương trình và các hoạt động chính mà kế hoạch đặt ra đối với hai mô hình quản lý chất thải rắn tại nguồn/mô hình “không rác” tại Cẩm Phô (Hội An) và Tam Thanh (Tam Kỳ) chính là khảo sát, kiểm toán rác thải; xây dựng và vận hành thực nghiệm cơ sở phục hồi tài nguyên tại hai điểm nói trên”, ông Thanh chia sẻ.

Khánh Chi

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 18/9/2023