Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, di sản trên địa bàn An Giang đạt nhiều kết quả. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di tích, di sản văn hóa trong toàn dân.
Phát huy giá trị di tích lịch sử
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) An Giang Nguyễn Khánh Hiệp, hiện nay, An Giang có tổng số 88 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 58 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa được các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện, nhiều di tích được trùng tu, sửa chữa khang trang và vững chắc hơn.
An Giang được Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư cho công tác tu bổ chống xuống cấp di tích đối với di tích cấp quốc gia. Cụ thể, năm 2018, thực hiện trùng tu các di tích: Thánh đường Hồi giáo Mubarak (TX. Tân Châu), kinh phí thực hiện 500 triệu đồng; di tích Cột Dây Thép, chùa Bà Lê (huyện Chợ Mới), chùa Giồng Thành (TX. Tân Châu), tổng kinh phí thực hiện 1,3 tỷ đồng. Năm 2020, Bộ VHTTDL hỗ trợ kinh phí trùng tu 2 di tích cấp quốc gia là đình Mỹ Phước (700 triệu đồng) và đình Bình Mỹ (500 triệu đồng). Đặc biệt, Trung ương đầu tư trùng tu Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) trên 46 tỷ đồng.
Bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương, An Giang rất quan tâm đầu tư cho công tác trùng tu tôn tạo di tích từ ngân sách tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đầu tư hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp cho 9 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh. Năm 2017, UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư tu bổ cho 69 đình làng chưa xếp hạng, với tổng kinh phí khoảng 58 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và 15 tỷ đồng từ xã hội hóa.
Qua đó, nhằm khuyến khích người dân tham gia cùng Nhà nước trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Năm 2020, tu bổ 25 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Năm 2021, hỗ trợ tu sửa cấp thiết cho 6 di tích cấp tỉnh từ nguồn ngân sách sự nghiệp tỉnh, với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhỏ di tích và xây dựng bia tại các di tích…
Những sự kiện văn hóa cũng được tỉnh chọn tổ chức tại một số điểm di tích, thu hút khá đông người dân trong và ngoài tỉnh tham gia, điển hình, như: Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, di tích Cột Dây Thép… Ở mỗi nơi, người quản lý di tích kết hợp thuyết minh một cách cơ bản, ngoài công việc quản lý còn góp phần phát huy giá trị của từng khu di tích một cách hiệu quả. Hàng năm, các di tích đón nhiều đoàn khách Trung ương, quốc tế, trong và ngoài tỉnh, với hàng ngàn lượt người tham quan, học tập và trải nghiệm, về nguồn…
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa
“An Giang là tỉnh có 4 dân tộc anh em Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng sinh sống, di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Việc giữ gìn những văn hóa phi vật thể được lãnh đạo tỉnh quan tâm thực hiện. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực vươn lên của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch” - Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Khánh Hiệp đánh giá.
Đến nay, An Giang có nhiều di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Hội đua bò Bảy Núi, kỹ thuật khắc chữ trên kinh lá buông, lễ hội kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm Châu Phong, nghi lễ vòng đời người Chăm An Giang và nghệ thuật sân khấu Dì Kê của người Khmer.
Lớp truyền dạy viết chữ trên lá buông của người Khmer
Công tác kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung trong Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn An Giang giai đoạn 2017 - 2020.
Sở VHTTDL An Giang đã triển khai kiểm kê sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, huyện Chợ Mới, Thoại Sơn; kiểm kê di sản phi vật thể đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại huyện Tri Tôn, TX. Tịnh Biên; kiểm kê di sản đồng bào dân tộc thiểu số Chăm tại TX. Tân Châu, các huyện An Phú, Châu Thành, Châu Phú.
Đối với các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt các đề án bảo tồn, như: Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đến năm 2030; Đề án bảo tồn và phát huy hội đua bò Bảy Núi; Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer”.
Để đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Trung ương, thời gian tới, các cấp, ngành cần quan tâm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các di sản văn hóa bằng nhiều hình thức gắn với hoạt động du lịch nhằm phát huy tối đa giá trị của các di sản văn hóa. Tiếp tục quan tâm, có chính sách công nhận và đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian, nhất là đối với các nghệ nhân dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng công tác điều tra, sưu tầm, phục dựng các lễ hội truyền thống gắn việc phục hồi và lưu giữ cho thế hệ sau biết và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tăng cường công tác sưu tầm các hiện vật về văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn để phục vụ bảo quản và trưng bày, nhằm giới thiệu rộng rãi đến Nhân dân, khách du lịch trong và ngoài nước.
Minh Thư