Xây dựng Đà Lạt thành Thành phố di sản

Cập nhật: 26/09/2023
Với việc trở thành thành phố di sản, 3 giá trị vốn có của Đà Lạt sẽ không ngừng được tôn tạo, bồi đắp, bảo tồn và phát huy, gồm: Khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; quỹ di sản kiến trúc công trình; văn hóa và con người.

Thắng cảnh Hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt. (Ảnh: Tường Vy)

Thành phố di sản (đô thị di sản) được hiểu là một chỉnh thể lịch sử đặc trưng, một sản phẩm của nền văn minh đô thị, kết hợp hữu cơ các thành tố vật chất và tinh thần, kiến trúc và văn hóa, trong sự hòa quyện với thiên nhiên.

TP Đà Lạt nằm ở độ cao trung bình hơn 850m so với mực nước biển, lại có chính sách giữ rừng thông để phát triển du lịch từ hơn 30 năm trước nên giữ được không khí ôn hoà, nhiệt độ trung bình trong năm dưới 20 độ C. Có điều kiện thổ nhưỡng, độ ẩm lý tưởng cho hàng trăm loại hoa, quả thay nhau đua nở quanh năm. Điều này giúp cho TP Đà Lạt trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư, nâng tầm các ngành du lịch, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao của TP phát triển vượt bậc, đồng thời cũng trở thành lựa chọn lý tưởng cho du khách thập phương khi có nhu cầu vui chơi nghỉ dưỡng. Đà Lạt là đô thị hội tụ các giá trị đặc biệt để xây dựng trở thành đô thị di sản - đô thị du lịch sinh thái. 

Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt trở thành TP di sản là nội dung rất quan trọng, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và con người Đà Lạt, tăng hiệu quả khai thác di sản và phát triển du lịch trong tương lai. Qua nghiên cứu các tiêu chí và tình hình thực tế, đến thời điểm này đã xác định Đà Lạt đáp ứng 2 tiêu chí về di sản văn hóa thế giới của UNESCO: Thể hiện một sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hóa của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan; Là một điển hình nổi bật về một kiểu kiến trúc xây dựng hoặc một quần thể kiến trúc cảnh quan minh họa cho một hay nhiều giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm: Tỉnh Lâm Đồng quyết tâm hoàn thiện đầy đủ hồ sơ trình UNESCO công nhận để UBND tỉnh Lâm Đồng công bố với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế trong tháng 9/2025 nhân dịp chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII (nhiệm kỳ 2025 - 2030).

Biệt thự cổ trên đường Trần Hưng Đạo.

Đến nay, các bước xây dựng hồ sơ đề xuất công nhận trung tâm TP Đà Lạt trở thành Thành phố di sản, được UBND TP Đà Lạt thực hiện. Theo đại diện lãnh đạo TP Đà Lạt đến thời điểm này TP đã thực hiện xong 4 bước về chủ trương lập hồ sơ; xác định vùng lõi và các công trình đề xuất di sản; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất các nội dung đề xuất Thành phố di sản; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban biên soạn đề xuất TP Đà Lạt trở thành Thành phố di sản.

Theo đó, thành phố đề xuất 10 công trình chính trong vùng lõi (diện tích khoảng 153ha) và 36 địa điểm phụ đề xuất di sản. Trong đó, các công trình chính gồm: Hồ Xuân Hương, Đồi Cù, Cầu Ông Đạo, Nhà thờ Con gà, Thủy Tạ, Dalat Palace Hotel, Viễn thông Lâm Đồng, Khách sạn Du Parc, Khách sạn Công đoàn, Quảng trường Lâm Viên và Công viên Yersin.

Thạc sĩ, kiến trúc sư Trần Đức Lộc, nguyên là Trưởng phòng quy hoạch Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ rõ giá trị cốt lõi của Đà Lạt là khí hậu và phong cách kiến trúc khác biệt so với cả nước. Với việc trở thành thành phố di sản, 3 giá trị vốn có của Đà Lạt sẽ không ngừng được tôn tạo, bồi đắp, bảo tồn và phát huy, gồm: Khí hậu, cảnh quan thiên nhiên; quỹ di sản kiến trúc công trình; văn hóa và con người./.

Tường Vy (t/h)

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 24/9/2023