Những ngày này, đến xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, du khách sẽ vô cùng ấn tượng trước những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, uốn lượn bên sườn núi như những dải lụa mềm mại. Hương thơm lúa chín lan tỏa trong không gian hùng vĩ của núi rừng, tạo khung cảnh thơ mộng, ấm no nơi rẻo cao.
Khu ruộng lúa bậc thang bản Sồng Chống, xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên.
Nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, xã Xím Vàng cách trung tâm huyện Bắc Yên khoảng 30km, là nơi sinh sống của hơn 570 hộ dân đồng bào dân tộc Mông, cũng là một trong những địa phương có diện tích ruộng bậc thang lớn nhất, đẹp nhất của vùng cao Bắc Yên.
Khác với mọi năm, mùa lúa chín năm nay, ruộng bậc thang của xã Xím Vàng trở nên nhộn nhịp, rực rỡ hơn, bởi nơi đây sẽ diễn ra một sự kiện quan trọng: Lễ hội Mùa vàng lần thứ nhất năm 2023, do UBND xã tổ chức trong 2 ngày 6 và 7/10.
Lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động thi gặt lúa, đập lúa nhanh; kéo co; đẩy gậy; giã bánh dày; thêu vải và ném pao, thổi khèn. Thông qua Lễ hội, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch của xã Xím Vàng. Đồng thời, kết nối hoạt động, hợp tác phát triển du lịch giữa xã với các hiệp hội, doanh nghiệp, chi hội du lịch, lữ hành, các tour, tuyến du lịch trong, ngoài nước và mời gọi đầu tư sản phẩm du lịch.
Những ruộng lúa bậc thang ở bản Xím Vàng mùa lúa chín.
Cùng chúng tôi thăm khu ruộng bậc thang của xã, ông Giàng A Nênh, Chủ tịch UBND xã Xím Vàng, chia sẻ: Ruộng bậc thang được đồng bào dân tộc Mông khai phá từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước. Năm 2010, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khai hoang diện tích; sửa chữa, kiên cố hóa mương nước, thì diện tích ruộng tiếp tục được mở rộng. Đến nay, toàn xã có 321 ha ruộng bậc thang, tập trung chủ yếu ở các bản Sồng Chống, Xím Vàng, Háng Chơ, Trông Tầu.
Những năm gần đây, nhân dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thâm canh cây lúa, đưa các loại giống lúa mới, như nhị ưu 838, lúa lai Bắc Giang, ít bị sâu bệnh, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; năng suất đạt 50-55 tạ/ha, nhiều thửa cho năng suất gần 60 tạ/ha, đảm bảo an ninh lương thực địa phương.
Bên cạnh đó, mỗi khi mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang lại thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con; đây là một trong những hướng phát triển du lịch gắn với trải nghiệm đang được xã chú trọng.
Khu ruộng lúa bậc thang bản Háng Chơ, xã Xím Vàng.
Tại bản Háng Chơ, gần 70 ha ruộng bậc thang lúa đang chín rộ, đông đảo du khách đến check in, chụp ảnh; bà con trong bản phát cỏ, sửa đường đi, tao thuận lợi cho du khách và chuẩn bị thu hoạch lúa. Chị Hạng Thị Sê, bản Háng Chơ, cho biết: Gia đình tôi có 1,5 ha lúa, năm nay nước tưới đảm bảo và được chăm sóc đúng kỹ thuật, nên lúa phát triển rất tốt. Năm nay, cũng là năm đầu tiên xã tổ chức Lễ hội, chúng tôi rất vui vì sẽ được tiếp đón nhiều khách du lịch. Gia đình tôi đang chuẩn bị dụng cụ tham gia thi gặt, đập lúa, cho du khách trải nghiệm, góp phần thành công cho Lễ hội.
Đang cùng nhóm bạn "check in", chụp ảnh trên sóng ruộng bậc thang, anh Nguyễn Thanh Chung, đến từ thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, phấn khởi: Lần đầu tiên chúng tôi lên Sím Vàng, được tận mắt nhìn thấy những ruộng bậc thang mùa lúa chín, tầng tầng, lớp lớp gối nhau trên các sườn núi rất đẹp, mang đậm nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc vùng cao. Thật cảm phục sức lao động, sáng tạo của con người vùng cao nơi đây, chúng tôi sẽ ở lại tham gia Lễ hội Mùa vàng cùng bà con nơi đây.
Khu ruộng lúa bậc thang bản Trông Tầu, xã Xím Vàng.
Mùa lúa chín ở Xím Vàng thường kéo dài 1 tháng, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 hằng năm. Cánh đồng lúa đẹp nhất để du khách tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm thu hoạch lúa cùng bà con là cuối tháng 9 đầu tháng 10. Du khách đến dịp này còn có thể kết hợp tham quan, trải nghiệm khu du lịch Tà Xùa, tham quan Sống lưng khủng long tại xã Háng Đồng.
Chia tay Xím Vàng, ánh hoàng hôn dát sợi vàng lên những "dải lụa" bậc thang; gió thu mang theo hương lúa mới len lỏi từng nếp nhà, ngõ xóm; những bước chân rộn ràng, đong đầy niềm vui của bà con. Thật vui, khi mùa lúa chín nơi rẻo cao Xím Vàng không chỉ mang no ấm cho bà con, mà còn mở ra cơ hội quảng bá, kích cầu du lịch, thu hút du khách đến với huyện vùng cao Bắc Yên.
Minh Tuấn