Theo Cục Kiểm lâm, hệ thống rừng đặc dụng của cả nước hiện có 164 khu, với tổng diện tích gần 2,3 triệu ha. Hầu hết các khu rừng đặc dụng đều có phong cảnh đẹp, nguồn động vật, thực vật phong phú, hệ sinh thái, cảnh quan đặc thù, gắn với các giá trị về văn hóa, lịch sử và tâm linh.
Nhiều khu rừng đặc dụng có tiềm năng lớn, là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Thời gian qua một số vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên: Ba Bể, Cát Tiên, Bạch Mã, Cúc Phương, Phong Nha-Kẻ Bàng... đã tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần quản lý rừng có hiệu quả hơn, giảm chi phí bảo vệ và giữ gìn cảnh quan môi trường. Du lịch sinh thái cũng đã thu hút được một lượng không nhỏ du khách nước ngoài đến Việt Nam, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
Mặc dù một số khu rừng đặc dụng đã mạnh dạn quy hoạch, tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nhưng thực tế loại hình du lịch này chưa phát triển tương xứng tiềm năng sẵn có mà thiên nhiên ban tặng. Các dịch vụ du lịch tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên chủ yếu vẫn là hướng dẫn tham quan vườn, quan sát chim, thú, bán hàng lưu niệm... Phát triển du lịch sinh thái vẫn mang tính tự phát do phần lớn các khu rừng đặc dụng chưa có quy hoạch tổng thể và quy hoạch phát triển du lịch. Cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, các loại hình dịch vụ nghèo nàn, chất lượng phục vụ thấp, chưa hấp dẫn các loại đối tượng du khách. Nhiều khu rừng đặc dụng nằm ở vị trí địa lý không thuận lợi về giao thông và cách xa các khu đô thị lớn. Một số khu vực có tiềm năng phát triển du lịch lại bị chia cắt ra khỏi diện tích khu rừng đặc dụng. Việc tổ chức du lịch thì thụ động, chủ yếu đợi khách đến là chính, chưa có quảng cáo, tiếp thị và thiếu sự phối hợp với ngành du lịch. Trong đó có một phần nguyên nhân do đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý rừng thiếu kinh nghiệm và chưa được đào tạo bài bản về lĩnh vực phát triển du lịch sinh thái.
Du lịch sinh thái là một hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa của mỗi địa phương, và có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Vì vậy, để tạo điều kiện cho du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng phát triển tương xứng tiềm năng, thế mạnh của mỗi hạng rừng, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan phát triển du lịch tại các khu rừng. Tăng cường đầu tư cho các khu rừng đặc dụng, trước mắt là những khu rừng có nhiều tiềm năng về du lịch, bảo đảm giao thông đi lại thuận tiện, an toàn. Ða dạng hóa nguồn đầu tư thông qua xã hội hóa hoạt động du lịch, thí dụ như cho thuê môi trường rừng.
Tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch tổng thể, quy hoạch du lịch ở các khu rừng đặc dụng, để vừa bảo đảm mục tiêu bảo tồn, vừa tạo điều kiện cho phát triển du lịch. Tăng cường năng lực quản lý và tổ chức hoạt động du lịch cho các khu rừng đặc dụng, cũng là góp phần bảo đảm phát triển rừng bền vững.