Huyện Cam Lâm, được mệnh danh là thủ phủ xoài của tỉnh Khánh Hòa, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp. Nhiều mô hình du lịch đã ra đời. Mô hình du lịch cộng đồng về xoài do các bạn trẻ ở Cam Lâm thực hiện đã có những kết quả tích cực.
Du lịch trải nghiệm về xoài
Sử dụng những cây xoài trong vườn của người dân, lợi thế của chính nơi mình đang sinh ra và lớn lên, những bạn trẻ như Đặng Thế Truyền, Trần Lê Hòa... (đều thuộc thế hệ 9X) đã đưa du khách đến với nhiều trải nghiệm đặc biệt khác nhau về cây xoài và giá trị của xoài.
Anh Trần Lê Hòa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cát Tiên Mango, huyện Cam Lâm cho biết, đơn vị anh trước kia chỉ kinh doanh bánh xoài từ trái xoài Canh nông đã chín. Nay, anh Hòa nhận thấy để bánh xoài có đầu ra bền vững, thương hiệu “bánh xoài Cam Lâm” trên thị trường cần phải dựa trên du lịch bản địa. Do đó, anh và những thanh niên sống ở huyện Cam Lâm đã thiết kế, đưa ra sản phẩm du lịch “trải nghiệm vườn và các đặc sản xoài Cam Lâm”. Hiện thực ý tưởng, cả nhóm đã tự mình đi trải nghiệm, liên hệ các điểm đến đặc trưng về xoài, kết nối khách du lịch tham quan, xây dựng thành chuỗi du lịch trải nghiệm vườn xoài cho khách trong và nước ngoài.
Anh Trần Lê Hòa giới thiệu về lịch sử hình thành cây xoài trong vườn của người dân địa phương cho du khách đến Cam Lâm. Ảnh: Phan Sáu – TTXVN
Các điểm đến không thu phí, du khách có thể đi tự túc theo chỉ dẫn trên các trang web do những bạn trẻ Cam Lâm tâm huyết tìm kiếm, tự trải nghiệm, đánh giá và đưa vào hành trình khám phá du lịch của huyện https://camlamonline.com, https://mangocattien.com hay các mạng xã hội về Cam Lâm.
Đối với khách đoàn cần hướng dẫn viên, giá sẽ dao động từ 30.000 - 80.000 đồng, tùy dịch vụ khách du lịch đăng ký trải nghiệm. Trong gói dịch vụ này, du khách sẽ được tham quan, chụp ảnh bằng hình thức bay flycam… Sau đó, du khách được "check-in" cùng những cây xoài cổ thụ, tự tay hái xoài và thưởng thức xoài tại vườn. Đặc biệt, mỗi du khách còn có thể thưởng thức ẩm thực đa dạng các món liên quan đến xoài và những thức quà từ xoài để làm quà lưu niệm.
Chị Nguyễn Thị Huyền, người dân Khánh Hòa cho biết, tham quan trải nghiệm du lịch ở vườn xoài rất thú vị. Qua mỗi điểm đến, chị biết nhiều hơn về lịch sử, con người huyện Cam Lâm với những đức tính cần cù, chịu khó. Đối với cây xoài, từng giống xoài, chị Huyền biết thêm từng câu chuyện khác nhau về người gieo trồng, cách phân biệt tên gọi của từng quả xoài… Qua chuyến du lịch vườn xoài, chị cảm thấy yêu quê hương Khánh Hòa hơn và mong ở tỉnh sẽ có nhiều mô hình du lịch trải nghiệm từ những sản vật quê hương như thế này.
Anh Đặng Thế Truyền, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Camlamonline, huyện Cam Lâm cho hay, các sản phẩm du lịch mà những bạn trẻ Cam Lâm đang vận hành hiện tại đều dựa trên cộng đồng. Nghĩa là điểm đến có sẵn trong người dân địa phương và các bạn trẻ. Ví như, cây xoài cổ, những “cây xoài cô đơn” giữa những cánh đồng lúa… đây đều là những sản vật có lâu đời trong người dân và được chính người dân Cam Lâm hỗ trợ thông tin để các bạn trẻ thuyết minh.
Ông Phạm Xuân Thìn (sinh năm 1952, xã Cam Hải Tây) cho biết, ông đã hơn 70 tuổi, những cây xoài trong vườn cũng từng đó tuổi. Lúc trước, còn khỏe, ông vào chăm nom vườn xoài để thu hoạch trái. Nay được các bạn trẻ trong huyện thuê địa điểm để quảng bá cây xoài cổ, ông sẵn sàng hỗ trợ với mức giá rất thấp.
“Tôi nghĩ, để khách du lịch đến ngắm những trái xoài, hái rồi mang chúng về làm quà giá trị sẽ cao hơn hẳn so với bán xoài chín năm nào giá cũng thấp. Gia đình chúng tôi cho các cháu thuê để đưa khách vào tham quan, hái xoài, rồi chính các cháu sẽ chăm sóc, tạo cảnh quan ngược lại để làm điểm đến cho khách du lịch kể cả mùa có quả hay mùa thay lá. Các cháu vừa tiếp nối gia đình trồng xoài, vừa tạo thêm thu nhập cho gia đình tôi”, ông Thìn chia sẻ.
Kết hợp với nông dân làm du lịch
Du lịch cộng đồng từ sản phẩm nông nghiệp đã được nhắc đến từ sớm, nhưng ứng dụng và đưa vào vận hành thực tế của các bạn trẻ nơi đây còn khá mới. Lượng khách đến tham quan du lịch trải nghiệm vườn xoài chưa đáng kể, bởi nhiều người chưa biết về những địa điểm này. Đây là một khó khăn lớn của những người làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của các bạn trẻ Cam Lâm cũng như việc đẩy mạnh chất lượng, tăng cường kết nối các điểm du lịch ở địa phương, lượng khách đã tăng lên.
Theo Anh Trần Lê Hòa, hiện tại "tour" trải nghiệm của anh dành cho khách du lịch chỉ kéo dài nửa ngày. Do đó, anh đang sắp xếp để phù hợp hơn cho du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng tại khu vực Bãi Dài, Cam Lâm.
Anh Trần Lê Hòa giới thiệu đến những du khách cách ăn trái xoài Cam Lâm. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN
Theo thống kê của nhóm bạn trẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, không chỉ du khách trong nước, các đoàn khách nước ngoài rất thích đến huyện Cam Lâm để du lịch trải nghiệm, khám phá vườn xoài. Vào dịp hè, bình quân khách đến dao động từ 4 - 6 đoàn/tuần, thậm chí 8 đoàn/tuần. Khách nước ngoài đến đây chủ yếu là từ các nước như: Anh, Australia, Ba Lan...
Anh Đặng Thế Truyền tin tưởng, với góc nhìn mới, tầm nhìn xa của những người trẻ và sự kết hợp nhịp nhàng với người nông dân địa phương, việc kết hợp hình ảnh cây xoài Cam Lâm với hình ảnh “du lịch biển Nha Trang” để đưa đến cho du khách trong nước, quốc tế sẽ sớm được phổ biến. Thời gian thấp điểm mùa du lịch như hiện nay, anh sẽ tập trung nâng cao chất lượng các điểm đến, khắc phục những nhược điểm trong hành trình tham quan và đặc biệt nâng cao cảm giác trải nghiệm cho khách du lịch.
Cùng với đó, việc đưa các homestay dưới tán xoài được các bạn trẻ mạnh dạn thực hiện nhằm tạo điểm nhấn du lịch đặc trưng vùng quê xứ xoài trong tương lai. Bên cạnh những sản phẩm giá trị gia tăng hiện có như: xoài trái, bánh xoài, xoài sấy muối ớt Cam Lâm, các đồ ăn, thức uống liên quan đến xoài ở các điểm đến khó có thể mang đi xa. Trong tương lai, nhóm các bạn trẻ này sẽ nghiên cứu để có những sản phẩm chất lượng hơn.
Để hành trình này thêm bền vững, trong thời gian tới, cả nhóm đang tiếp tục phát triển du lịch để kết nối các sản phẩm OCOP của các địa phương như: Sầu riêng Khánh Sơn, bưởi da xanh Khánh Vĩnh, rong nho biển của DT Group, nước mắm Nha Trang, hoặc các sản phẩm nho của tỉnh Ninh Thuận.
Ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cam Lâm cho biết, kết hợp du lịch nông nghiệp với tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp của các bạn trẻ và phát triển thương mại điện tử để nông dân trao đổi, mua - bán trực tuyến trái xoài và các sản phẩm xoài, giảm bớt khâu trung gian, đã góp phần tăng giá trị của trái xoài, chủ động tìm thị trường đầu ra, đa dạng các kênh tiêu thụ. “Hiện nay, từ khóa “Xứ xoài Cam Lâm” đã được nhiều du khách quan tâm, tìm kiếm. Đây là mô hình du lịch dựa trên thế mạnh nông nghiệp của địa phương với nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới, kỳ vọng đưa Cam Lâm trở thành một điểm du lịch sinh thái với sức hấp dẫn mới”.
Được biết, xoài là cây trồng chủ lực của huyện với tổng diện tích xoài trên 7.000 ha, trong đó có xoài Úc (khoảng 57%), xoài Canh nông, xoài Hòa Lộc, xoài Đài Loan, xoài Tứ quý... Ủy ban nhân dân huyện Cam Lâm đã có những giải pháp xây dựng, quảng bá thương hiệu xoài Cam Lâm nhằm nâng cao giá trị của trái xoài, thúc đẩy tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện. Địa phương thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm vườn xoài, thăm quan các cơ sở chế biến xoài; các gian hàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm xoài nhằm phát triển du lịch và tiêu thụ các sản phẩm xoài trong thời gian đến.
Phan Sáu