Lãnh đạo UBND tỉnh vừa có chuyến đi thực tế khảo sát tại Bảo tàng tỉnh và một số di tích trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt những thuận lợi, khó khăn, từ đó đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của bảo tàng và di tích, thu hút khách du lịch.
Không chỉ bảo vệ các giá trị truyền thống đặc sắc mà trăn trở đặt ra phải làm sao để các di sản “sống” một cuộc đời đích thực, để thế hệ mai sau có thể hiểu và tự hào về nguồn cội.
Công Thần miếu Vĩnh Long lưu giữ 85 đạo sắc thời Nguyễn.
Nhiều tiềm năng, cũng không ít trăn trở
Vĩnh Long là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng. Toàn tỉnh có hơn 700 di tích, với khoảng 1.400 lễ hội, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của Nhân dân; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước.
Tuy nhiên, qua thời gian, các di tích dần xuống cấp và việc phát huy giá trị cũng gặp nhiều khó khăn. Cùng lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành khảo sát tại Bảo tàng tỉnh, bà Nguyễn Thanh Nha- Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ nhiều khó khăn: Nội dung các nhà trưng bày cố định hiện nay đang xuống cấp trầm trọng, do trưng bày từ năm 2005 đến nay.
Các phương tiện trưng bày, hệ thống ánh sáng trưng bày đã lạc hậu, chưa áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động trưng bày bảo tàng, chưa xứng tầm với một bảo tàng cấp tỉnh, vì vậy không đáp ứng được yêu cầu phục vụ, thu hút khách tham quan.
Đặc biệt là kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh được xây dựng từ năm 1995, lưu trữ với số lượng lớn hiện vật: trên 100 cổ vật, trên 1.000 tư liệu, hình ảnh. Diện tích kho nhỏ hẹp, hiện vật đang trong tình trạng quá tải, phải sắp xếp chồng lên nhau để lưu giữ; thiếu bục, kệ, các trang thiết bị chuyên dùng để bảo quản hiện vật.
Vì vậy, nhiều năm qua Bảo tàng tỉnh chưa thực hiện được công tác kiểm kê, chưa phân loại hiện vật theo từng chất liệu để có chế độ bảo quản thích hợp, lâu ngày sẽ dẫn đến hư hỏng nguồn tư liệu, ảnh, hiện vật.
Bà Nguyễn Thanh Nha kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh có chủ trương cải tạo, chỉnh lý nội dung trưng bày bảo tàng theo hướng hiện đại nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút đông đảo khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập, thu hút khách du lịch. Đồng thời, các ngành quan tâm để kho cơ sở sớm được xây dựng, đáp ứng yêu cầu bức thiết trong công tác bảo tồn, gìn giữ các di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Tại huyện Trà Ôn, di tích Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn là một trong những địa điểm thu hút du khách. Năm 2020, “Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn” được Bộ Văn hóa-TT-DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đêm giao thừa, hàng ngàn người dân khắp nơi đổ về tham dự.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng (bìa phải) góp ý muốn phát huy giá trị di tích phải gắn với du lịch.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Khải- Trưởng Ban Quản lý di tích Lăng Ông, cho biết: “Cần nghiên cứu tổ chức hội thi, văn nghệ… hấp dẫn hơn để thu hút du khách. Nhiều hạng mục di tích cũng đã xuống cấp, cần được trùng tu, sửa chữa chống dột, chống ngập; sửa chữa nhà vệ sinh…”.
Đại diện ban quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh cũng kiến nghị tỉnh quan tâm quy hoạch mở rộng diện tích, đầu tư kinh phí dịch thuật các tài liệu cổ đối với các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Công Thần miếu, Minh Hương hội quán; cấp quyền sử dụng đất phần còn lại phía sau của di tích Văn Thánh miếu…
Phát huy giá trị di tích gắn với du lịch
Sau chuyến khảo sát một số di tích trong tỉnh, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng chia sẻ: Có 2 điều trăn trở nhất là làm sao chống xuống cấp, trùng tu và phát huy giá trị di tích phải gắn với du lịch.
Bảo tàng tỉnh có vị trí quá đẹp khi hướng ra sông Tiền, nhưng còn nhiều điều góp ý như phòng trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh có diện tích khá hẹp, cần trưng bày lại, mở rộng, ứng dụng công nghệ. Văn Thánh miếu có giá trị văn hóa- lịch sử lớn. Vấn đề làm sao biến di tích văn hóa thành sản phẩm du lịch và giáo dục, gắn kết văn hóa tâm linh, thu hút giới trẻ đến để tìm về cội nguồn.
Khi muốn tổ chức thêm các hoạt động lễ hội bánh dân gian để hấp dẫn du khách, nghệ nhân Cần Thơ sẵn sàng giúp sức vì qua 7 kỳ lễ hội bánh dân gian, mỗi năm Cần Thơ thu hút trên 300.000 lượt khách. Cần Thơ ở ngay cạnh nên nghệ nhân đến Vĩnh Long rất thuận tiện.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nhấn mạnh: “Vĩnh Long có nhiều di tích, có bề dày văn hóa, lịch sử ít có nơi nào có được. Vấn đề là phát huy như thế nào để di tích vừa kết nối trở thành khu, điểm du lịch, có như vậy mới phát huy trọn vẹn giá trị”.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, toàn tỉnh có hơn 700 di tích, 68 di tích xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa, 13 di tích cấp quốc gia…
Hệ thống di tích khá phong phú và đa dạng với nhiều loại hình văn hóa, lịch sử, kiến trúc… Tuy nhiên cách khai thác, vận hành, thu hút người dân còn chưa đáp ứng được mong đợi. Kinh phí đầu tư cho văn hóa còn khó khăn. Chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân, chưa phát huy được năng lực, tài năng của các nghệ nhân.
Để giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh yêu cầu: “Ngành văn hóa phải xây dựng đề án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết để cải tạo, sửa chữa, trùng tu các di tích. Nghiên cứu địa điểm di tích trọng điểm để gắn kết, tạo thành sản phẩm du lịch.
Cần phải lưu giữ giá trị lịch sử, để giới trẻ tìm về cội nguồn, tự hào dân tộc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa các di tích, tổ chức các hoạt động để gắn kết với người dân. Bên cạnh đó, số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thu hút giới trẻ. Sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, tôn vinh nghệ nhân có nhiều đóng góp cho các hoạt động bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể…”.
Di tích, di sản có giá trị vô cùng to lớn, để lại cho muôn đời sau, đặc biệt là khi thế giới hội nhập, con người phát triển thì càng mong muốn tìm về nguồn cội, văn hóa càng có giá trị. Nếu không giữ gìn, thay đổi bài bản hơn, đa dạng hóa các hoạt động thì sẽ nhanh chóng tụt hậu lại so với những nơi khác.
Bài, ảnh: Phương Thư