Việc tham gia cùng các nghệ nhân dân gian làm nón lá truyền thống, tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ hay các đồ chơi từ tre nứa đem lại cho du khách những trải nghiệm độc đáo khi đến với khu nghỉ dưỡng Làng Nương Yên Tử - Quảng Ninh.
Nghệ nhân dân gian Phạm Thanh Lương hướng dẫn du khách làm nón lá truyền thống tại khu nghỉ dưỡng Làng Nương, Yên Tử.
Không gian văn hóa Làng Nương Yên Tử không chỉ giới thiệu những nghề truyền thống của Quảng Ninh mà còn hội tụ tinh hoa nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng trên khắp Việt Nam. Hấp dẫn nhất có thể kể đến nghề làm nón lá.
Theo nghệ nhân Phạm Thanh Lương, xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí), để làm được chiếc nón lá truyền thống, người nghệ nhân phải trải qua 3 bước cơ bản sau: Chuẩn bị nguyên vật liệu tre để làm khung nón, lá cọ được phơi khô, kéo kim chỉ dây thun; tạo hình chiếc nón gồm có quấn vòng nón, đo cắt lá, khâu nón và làm vành nón; khâu nón và làm chóp. Có thể trang trí nón bằng những miếng giấy in sẵn các họa tiết rồi khâu lại hoặc trực tiếp vẽ tay lên trên nón.
Cũng theo nghệ nhân Phạm Thanh Lương, nón lá ở Yên Tử còn được thêu vào những họa tiết, những bức tranh hoặc dòng chữ liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để làm quà lưu niệm độc đáo cho du khách. Việc đưa trải nghiệm làm nón lá truyền thống về Làng hành hương Yên Tử không chỉ tạo ra một sản phẩm du lịch mới mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, khai thác tinh thần của chiếc nón Ma Lôi đời Trần, tinh thần tự tôn dân tộc, người Việt dùng hàng Việt của danh tướng Trần Khánh Dư.
Đối với hình thức trải nghiệm làm chuồn chuồn tre, các du khách là trẻ em thường thích nhất vẫn là tô màu cho chuồn chuồn. Đó chính là công đoạn mà các bé sẽ tự thỏa sức sáng tạo để trang trí cho những chú chuồn chuồn của mình. Để trang trí được những chú chuồn chuồn này, cần phải có giấy trắng và bút chì. Các em sẽ phác thảo chú chuồn chuồn lên giấy, sau đó vẽ các họa tiết mà mình muốn vẽ lên đây.
Sau khi được hình vẽ ưng ý, các bạn nhỏ sẽ tiến hành tô màu lên chuồn chuồn. Với trí tưởng tượng phong phú của trẻ thơ, những chú chuồn chuồn tre ban đầu sẽ được biến hóa thành những nàng công chúa, hoàng tử, cánh bướm, chim công, máy bay chiến đấu... Việc làm chuồn chuồn tre hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách tại làng hành hương Yên Tử.
Gian hàng làm tranh khắc gỗ dân gian kiểu tranh Đông Hồ đặc biệt được yêu thích bởi các du khách nhỏ tuổi hoặc các gia đình. Để có thể dập tranh cần ván gỗ in màu và ván in nét. Để các ván in màu và ván in nét có thể khớp nhau, các nghệ nhân đã lấy cữ bằng cách đóng hai chiếc định gỗ ở tất cả các bản khắc, khi in cứ căn theo hai chiếc đinh này mà làm. Giấy in tranh thường là giấy dó quét điệp. Màu in tranh chủ yếu được tạo từ vật liệu và thảo mộc có sẵn trong tự nhiên. Màu trắng từ vỏ con điệp ở biển cán mịn ra, màu vàng đất từ hoa hòe đun lên cô đặc, màu đỏ từ gỗ cây vang, màu xanh lục từ lá cây chàm, màu đen từ than lá tre.
Khi có đầy đủ công cụ và nguyên liệu, người in tranh sẽ quét màu lên bàn sau đó dập ván in lên, gõ nhẹ. Màu phải được quét đều lên toàn bộ bề mặt của bàn không được quét thừa tránh lem tranh. Việc in tranh Đông Hồ ở làng hành hương Yên Tử đã góp phần phát huy được giá trị của các làng nghề Việt, bảo tồn được những tinh hoa văn hóa.
Nghệ nhân làm chuồn chuồn tre ở Làng Nương Yên Tử.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ văn hóa, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Chúng tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu, khôi phục, phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, chú trọng mang tới cho du khách trải nghiệm được trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất để du khách hiểu sâu hơn giá trị của các làng nghề thủ công truyền thống của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đó là làm chuồn chuồn tre, làm mặt nạ giấy bồi, thêu tranh trên lụa, hay như pha chế tinh dầu. Chúng tôi hy vọng những giá trị văn hóa đặc sắc đó ngày càng được bảo tồn và lan tỏa.
Việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với làng nghề được xác định là yếu tố tạo nên linh hồn cho Làng Nương. Hiện tại, để phát triển không gian làng nghề tại Làng Nương Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm vừa mời gọi các nghệ nhân là người dân địa phương vừa tìm kiếm và đào tạo các nghệ nhân từ nguồn có sẵn trong công ty. Nghệ nhân chính là người nắm vững bí quyết nghề vừa là cầu nối giữa du khách với nghệ thuật và tinh hoa nghề, hay nói rộng hơn là với các giá trị văn hóa làng nghề. Không gian văn hóa làng nghề truyền thống đã tạo điều kiện cho nghệ nhân đến gần hơn với du khách, trao cho nghệ nhân cơ hội trở thành những sứ giả văn hóa, du lịch, được trực tiếp giới thiệu về làng nghề.
Phạm Học