Vào mùa cốm, bà con người Tày ở xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) lại bận rộn hơn ngày thường: Họ làm cốm - món ăn truyền thống được gìn giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ.
Theo người dân nơi đây, phong tục làm cốm có từ lâu đời, được truyền tiếp qua các thế hệ cho đến bây giờ.
Sớm thu, trời tang tảng sáng, trên những cánh đồng lúa tràn ngập sắc vàng, các bà, các chị thoăn thoắt ngắt từng bông lúa nếp. Tiếng nói cười tạo thành nét bình dị mà sống động của làng quê.
Được người trong thôn mách bảo, chúng tôi tìm đến nhà “nghệ nhân” Phạm Thị Bền tại thôn Cáng 1 để học cách làm cốm. Chị Bền được người dân gọi vui là “nghệ nhân” vì gia đình chị không chỉ lưu giữ nghề làm cốm từ nhiều đời nay, mà còn là một trong những hộ làm cốm đẹp, ngon và dẻo nhất thôn.
Theo chị Bền, muốn có được những mẻ cốm thơm ngon, nông dân phải chọn giống lúa nếp địa phương, được lưu giữ và nhân giống qua các vụ. Lúa nếp hái về phải được chế biến luôn, bởi nếu để hôm sau mới làm thì sẽ mất đi hương thơm và độ dẻo của cốm.
Lúa dùng để làm cốm thì không được vò hoặc đập mà phải tuốt. Có thể tuốt từng bông bằng đũa tre hoặc bằng tay. Tuốt xong, có thóc rồi phải sàng sảy để loại bỏ những hạt kẹ, hạt lép. Sau đó, những hạt thóc chắc được đưa vào rang. Thóc rang làm cốm phải được rang bằng nồi gang dày, sâu lòng và đun bằng củi.
Khi thóc được rang chín tới, người làm cốm đổ ra một cái mẹt, để nguội, sau đó cho vào cối đá giã đều cho bong hết vỏ trấu bên ngoài. Lúc này, những hạt cốm xanh tươi lộ dần. Nhưng để cho cốm dẻo và xanh hơn, người ta tiếp tục cho lá lúa vào cối để giã cùng một lần nữa. Sau lần giã này, cốm tiếp tục được sàng lọc để bỏ cám, vụn lá, vụn rơm, vậy là xong một mẻ cốm.
Kết thúc quy trình, các bà, các chị sẽ gói cốm bằng lá chuối đã hơ qua lửa cho vào thúng để giữ mùi thơm.
Những năm gần đây, từ nhu cầu của thị trường, cốm là sản phẩm rất được ưa chuộng, bà con người Tày xã Hợp Thành đã tận dụng sự trợ giúp của máy móc cho một số công đoạn làm cốm, giúp tăng năng suất nhưng vẫn bảo tồn được phương thức làm cốm cổ truyền và sản phẩm vẫn giữ vẹn nguyên hương sắc.
Ông Trịnh Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Để bảo tồn và phát triển nghề làm cốm, xã đã có nhiều chủ trương, kế hoạch như tổ chức các mùa lễ hội hoặc xây dựng thương hiệu sản phẩm mang tính lâu bền.
Xã đang xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm OCOP nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa, đồng thời nâng tầm các sản phẩm làm từ cốm thành thương hiệu mang tính chất bền vững, lâu dài của địa phương, động viên người dân hăng say lao động, sản xuất, tăng thu nhập.
Ông Trịnh Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành
|
Phong tục làm cốm của người Tày xã Hợp Thành mang nét đẹp văn hóa được đồng bào gìn giữ từ bao đời trở thành bản sắc ở nơi đây.
Lê Nam