Sản phẩm du lịch cao cấp dựa trên tiềm năng sẵn có về cảnh quan sông nước miền Tây, văn hóa... sẽ kích cầu chi tiêu của du khách, phát triển du lịch địa phương.
Hiện nay, vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 vùng du lịch đặc trưng trên cả nước. Khu vực này có tiềm năng lớn để phát triển du lịch bởi được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan, môi trường sống... cùng với các lễ hội cũng như văn hóa đặc trưng.
Thời gian qua, 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long tăng cường đầu tư cho du lịch trên nhiều mặt. Lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đã tăng lên.
Bên cạnh những tour truyền thống, các địa phương cùng các doanh nghiệp đang phát triển dòng sản phẩm du lịch cao cấp để tăng chi tiêu của khách hàng cũng như kích cầu kinh tế của khu vực này.
Khung cảnh ngã ba sông Châu Đốc, An Giang. Ảnh: Thanh Chân
Về việc phát triển dòng sản phẩm du lịch cao cấp, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch TP Cần Thơ cho hay thời gian qua, địa phương có những quy hoạch và kêu gọi các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều tòa nhà và khách sạn lớn dự kiến khánh thành vào cuối năm nay và đầu năm sau với những sản phẩm cao cấp, 4-5 sao.
"Hiện nay, du khách đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhiều nhưng chi tiêu ít. Có những sản phẩm cao cấp để khách có thể chi tiêu nhiều hơn, đồng thời, phát triển du lịch nơi đây" - ông Minh Tuấn nhận định.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tập đoàn Thiên Minh (TMG) cung cấp nhiều sản phẩm và trải nghiệm chất lượng cao cho phân khúc khách hàng cao cấp.
Theo ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị TMG, tập đoàn mong muốn xây dựng sản phẩm thể hiện dịch vụ cao cấp của người Việt cùng nét văn hóa và nét đẹp của thiên nhiên hòa quyện vào trong một sản phẩm du lịch để cùng cộng đồng phát triển.
"Điều này không chỉ đơn thuần mang lại doanh thu, việc làm, tăng trưởng của nhà đầu tư mà còn là sự phồn thịnh của cộng đồng. Mục tiêu này yêu cầu thời gian dài để xây dựng và phát triển điểm đến" - ông Trọng Kiên cho hay.
Đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng sẵn có về cảnh quan sông nước, văn hóa đặc trưng của miền Tây. Ảnh: Victoria Chau Doc
Hiện, tập đoàn này sở hữu nhiều tài sản du lịch cao cấp hàng đầu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long như các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, du thuyền tại Cần Thơ, An Giang. Mỗi năm, tập đoàn đón khoảng 60.000 khách quốc tế.
Lượng khách Việt Nam đến trải nghiệm cũng dần tăng lên. Đặc biệt, khách sạn Victoria Núi Sam có khoảng 60% là khách Việt Nam, từ nhiều tỉnh thành trên cả nước tìm đến điểm nghỉ dưỡng vừa có hệ sinh thái, văn hóa địa phương vừa có trải nghiệm dịch vụ tốt.
Doanh nghiệp này tận dụng lợi thế của điểm đến để du khách vừa nghỉ dưỡng vừa thuận tiện tham quan, trải nghiệm nhiều địa điểm ở miền Tây như làng bè ngã ba sông Châu Đốc, làng chăm Châu Giang (tỉnh An Giang), khu du lịch Cồn Sơn (TP Cần Thơ).
Du khách tham quan làng nuôi bè cá tại khu du lịch Cồn Sơn, TP Cần Thơ. Ảnh: Thanh Chân
Còn tại An Giang - vùng du lịch tâm linh nổi tiếng trên cả nước, mỗi năm đón 6 - 9 triệu du khách. Theo ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, khách đến tỉnh An Giang chủ yếu lựa chọn du lịch tâm linh và trở về, do đó sức tiêu dùng và tỷ lệ lưu trú thấp.
An Giang cũng tập trung kêu gọi nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong việc phát triển sản phẩm du lịch cao cấp. Nhiều đơn vị cũng đã về khảo sát, xây dựng kế hoạch. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, một số dự án tạm dừng.
Với nỗ lực trong việc quy hoạch TP Châu Đốc thành thành phố lễ hội cũng như quy hoạch du lịch tỉnh An Giang, kỳ vọng địa phương sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch để hút khách đến tỉnh An Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Thanh Chân