Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH). Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Phát biểu tại phiên đối thoại cấp cao về chuyển đổi năng lượng xanh và hydro xanh trong khuôn khổ Diễn đàn Cửa ngõ toàn cầu do Liên minh Châu Âu (EU) đã tổ chức từ ngày 25-26/10 tại vương quốc Bỉ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá Chiến lược Cửa ngõ toàn cầu của EU đã đi vào giai đoạn triển khai thiết thực, đề xuất nhiều biện pháp cụ thể và kỹ thuật.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, BĐKH là vấn đề cấp bách toàn cầu xuất phát từ mô hình phát triển hiện nay, để vượt qua các thách thức của BĐKH sẽ cần nỗ lực chung của các quốc gia, thông qua chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, hỗ trợ giảm thiểu chênh lệch về trình độ phát triển vì không một quốc gia nào an toàn nếu còn một quốc gia chưa an toàn. “Nếu vaccine là giải pháp cho đại dịch Covid-19 thì năng lượng xanh, hydro xanh chính là giải pháp cho ứng phó với BĐKH", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Là một trong 4 quốc gia đã thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các nước phát triển, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước để cùng hành động vì mục tiêu phát triển bền vững thông qua chia sẻ các tiềm năng và thế mạnh của mình. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các nước phát triển và khu vực tư nhân tăng cường cung cấp công nghệ, nguồn tài chính xanh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản trị để cả thế giới cùng đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Theo các chuyên gia, trong mấy chục năm qua, quá trình công nghiệp hoá đã làm gia tăng lượng khí thải nhà kính vào bầu khí quyển. Hệ quả là khí hậu bị biến đổi, nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên, nước biển dâng, kéo theo các sự kiện thời tiết cực đoan. Do đó, để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, cần hạn chế sử dụng nhiêu liệu hóa thạch và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ…) là nguồn gây hiệu ứng nhà kính rất lớn. Con người đã và đang tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế thân thiện môi trường như năng lượng gió, mặt trời, thủy triều, địa nhiệt…
Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (điện, xăng dầu, than củi,…) cùng các tài nguyên (nước ngọt, rừng, tài nguyên sinh học, khoáng sản…) trong sản xuất và sinh hoạt. Cả nước hiện nay có khoảng hơn 10 triệu hộ dùng điện, chỉ cần mỗi hộ thay một bóng đèn sợi đốt hoặc neon bằng đèn compact thì trung bình mỗi hộ tiết kiệm được 9W, toàn quốc sẽ tiết kiệm được 90MW điện vào giờ cao điểm. Ngăn chặn nạn phá rừng, tích cực trồng và chăm sóc rừng là một yếu tố không thể thiếu cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Được biết, nạn phá rừng vốn là nguyên nhân gây ra 20% khí thải CO2 mỗi năm;
Chuyển đổi sang các mô hình sản xuất và sinh hoạt thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, sinh thái mới. Sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có khả năng chịu mặn cao, các giống ngắn ngày tránh lũ, xây dựng các mô hình nhà tránh lũ, tham gia bảo hiểm sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp trước các thảm họa về biến đổi khí hậu… Cải tạo nâng cấp hạ tầng. Những cải tiến như tăng cường hệ thống bảo ôn, xây dựng các loại nhà thân thiện môi trường… sẽ tiết kiệm được nhiều nhiên liệu và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, đường xá cũng cần được đầu tư thỏa đáng để giảm nhiên liệu tiêu thụ cho xe cộ, giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường; Đầu tư công nghệ sạch và áp dụng sản xuất sạch hơn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải triển khai và áp dụng mô hình công nghệ sản xuất sạch hơn vào trong cả vòng đời của quy trình sản xuất từ lúc lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến khi tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.
Phạm Dung