Chia sẻ quyền, trách nhiệm cho cộng đồng và các bên liên quan để quản lý, khai thác và phát triển sinh kế bền vững dựa trên nền tảng bảo tồn là phương thức đồng quản lý đang được áp dụng hiệu quả tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Cù Lao Chàm là khu bảo tồn biển thứ 2 của Việt Nam với diện tích 235km2 bao quanh 7 hòn đảo, ghi nhận sự hiện hữu của các sinh cảnh, đa dạng sinh học biển thuộc loại bậc nhất tại Việt Nam. Tại Cù Lao Chàm có hơn 311ha rạn san hô, với khoảng 300 loài; 50ha thảm cỏ biển với 5 loài đặc trưng; 76 loài rong biển; hơn 270 loài cá; 97 loài thân mềm; 11 loài động vật da gai... Khu rừng đặc dụng Cù Lao Chàm có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6 ngành thực vật bậc cao... Đây là những là nguồn lực tự nhiên, quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh ở Cù Lao Chàm - Hội An.
Việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm không những góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh thái trong lòng biển mà còn mở ra triển vọng mới về sản phẩm du lịch xanh, du lịch biển đảo đầy tiềm năng.
Hướng về cộng đồng vẫn là mục tiêu chính trong rất nhiều dự án do Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phụ trách. Cộng đồng tham gia rất nhiều hợp phần dự án như “Bảo tồn bãi đẻ của rùa biển”, “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, xây dựng phong trào không rác thải tại Việt Nam thông qua các thành trì ven biển”, Phát triển cộng đồng ven biển xanh và bền vững tại khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Hội An (Blue communities)...
Nhiều mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn biển được triển khai hiệu quả tại Cù Lao Chàm. Ảnh: VN.
Năm 2012, mô hình cộng đồng khai thác và bảo tồn cua đá Cù Lao Chàm được xây dựng, trong đó cua đá được khai thác, kiểm soát theo quy trình và tiêu chí cụ thể. Tại một số HTX trên địa bàn đã hình thành quy định, mỗi i tháng, các thành viên của tổ chỉ được khai thác khoảng 50 con cua đá, với kích thước một con cua từ 7 cm trở lên (chiều ngang thân). Việc khai thác cua trên đảo diễn ra từ tháng Giêng đến cuối tháng 7 Âm lịch, những tháng còn lại việc khai thác bị cấm vì là mùa sinh sản của cua.
Theo quy định, cua đá có chiều ngang mai trên 7 cm, không mang trứng mới được dán nhãn cho phép bán ra thị trường; còn những con không đủ tiêu chuẩn sẽ bị giữ lại và được phóng thích về lại môi trường tự nhiên. Đối với những nhà hàng tiêu thụ cua đá mà không có tem dán của tổ khai thác sẽ bị các cơ quan chức năng tịch thu cua và xử phạt tiền. Mô hình bảo vệ cua đá không chỉ bảo vệ cua đá mà người dân địa phương cũng được hưởng lợi. Nếu như trước đây, người dân bán cua với giá chỉ 200.000 đồng/kg và thường bị tư thương ép giá thì từ khi mô hình ra đời, giá bán tối thiểu được quy định là 500.000 đồng/kg, được nâng lên 750.000 đồng/kg và hiện nay là 1,2 triệu đồng/kg.
Theo đánh giá của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm hoạt động của Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá là một mô hình thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Qua khảo sát thực tế, thời gian gần đây, số lượng cua đá trong tự nhiên đã bắt đầu tăng dần về số lượng, góp phần giữ vững sự đa dạng hệ sinh thái trên đảo.
Mô hình hiệu quả khác là Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm). Người dân địa phương được giao hơn 19ha mặt nước của khu bảo tồn biển để tự tổ chức quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản và phát triển dịch vụ. Sau 10 năm hoạt động, mô hình đã đáp ứng được mong đợi của người dân, từ chỗ sinh kế bấp bênh đến nay ngư dân Bãi Hương đã nâng cao thu nhập khi khai thác và tổ chức các tour du lịch. Sau thành công của tiểu khu này, người dân xã đảo Tân Hiệp tiếp tục làm chủ công nghệ, hỗ trợ khu bảo tồn biển xây dựng các vườn ươm, phục hồi hơn 6.000 tập đoàn san hô cứng từ năm 2012 đến năm 2020.
Tại xã đảo Tam Hải (Núi Thành), trước đây có một tổ chức tài trợ dự án bảo tồn biển, nhưng sau vài năm triển khai khi nhà tài trợ giao lại cho cộng đồng quản lý thì lập tức nhiều ngư dân đã quay lại tập quán đánh bắt cũ. kế hoạch bảo tồn biển của địa phương là sẽ triển khai tại 3 xã bãi ngang Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải. Hiện Tam Tiến đã thành lập tổ cộng đồng, còn lại Tam Hải, Sở KH&CN đang phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang xây dựng đề án bảo tồn khu vực biển Tam Hải – Bàn Than. Hy vọng những hoạt động này sẽ lan tỏa tinh thần tự nguyện bảo vệ môi trường biển của cộng đồng để có thể nhân rộng trong thời gian tới.
Cộng đồng dân cư trên đảo Cù Lao Chàm cùng các đơn vị chức năng thu gom rác thải và bắt sao biển gai để bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Ảnh: TD.
Nhiều năm qua, cộng đồng dân cư trên đảo Cù Lao Chàm được biết đến như một "cộng đồng sinh thái" trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Đội dọn rác dưới đáy biển ra đời, với sự tham gia của các thành viên trong Đội tuần tra kiểm soát của Khu bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm, doanh nghiệp du lịch và ngư dân hành nghề trên biển. Ngoại trừ vùng bảo vệ nghiêm ngặt (vùng cấm), nhiệm vụ của họ là dọn rác ở những vùng biển như Bãi Bắc, Bãi Xếp, Bãi Tra, Hòn Dài… ưu tiên vùng có trải nghiệm du lịch, vùng phục hồi rạn san hô
Việc áp dụng mô hình cộng đồng cùng chung tay tham gia quản lý bảo tồn biển không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho người dân mà còn góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững biển khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.
Thùy Dung