Thiên nhiên kỳ thú Phước Bình gắn liền với bẫy đá Pinăng Tắc huyền thoại và văn hoá dân tộc GaGlai bản địa, đang chờ sự khám phá của các nhà khoa học và du khách trong và ngoài nước.
Vườn Quốc gia Phước Bình là khu hệ rừng sinh thái núi cao với các kiểu rừng như rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; rừng hỗn hợp cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới; rừng lá kim; rừng thưa cây họ gầu tiêu biểu cho kiểu rừng khô hạn ở Ninh Thuận.
Vườn Quốc gia Phước Bình có tổng diện tích gần 20.000 ha, giáp hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, trong đó có trên 10.000 ha diện tích rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt; 9.030 ha rừng phục hồi sinh thái; 18 ha khu hành chính - dịch vụ.
Rừng Phước Bình có những sinh cảnh tự nhiên độc đáo, tiêu biểu của hệ sinh thái rừng núi cao với các kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; Rừng hỗn hợp cây lá rộng và cây lá kim á nhiệt đới và rừng thưa cây họ dầu tiêu biểu cho rừng khô hạn Ninh Thuận như pơmu, giáng hương, gió trầm, gõ mật; sa nhân; hàng chục loài lan…
Đây là những nguồn gene quý hiếm có giá trị cao trong nghiên cứu khoa học. Hiện tại Vườn Quốc gia Phước Bình có 513 loài thực vật và hơn 240 loại động vật, thuộc 91 họ, 27 bộ và bốn lớp gồm thú, chim, bò sát và ếch, nhái, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN (2000) như cu li, cày vằn bắc, cầy vòi đốm, gấu ngựa, mèo rừng, tê tê java, sóc bay, tắc kè, rồng đất, kỳ đà; các loài chim, loài trăn, rắn.
Ông Nguyễn Công Vân – Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình - cho biết: “Để bảo vệ sự đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên ở Vườn quốc gia Phứơc Bình, ban quản lý vườn đã phối hợp với Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật cùng các ngành liên quan xây dựng bộ mẫu tiêu bản động vật của vườn. Qua quá trình nghiên cứu, bước đầu đã thu thập được 73 mẫu thuộc 55 loài động vật hoang dã gồm thú, chim, bò sát và ếch nhái, trong đó có 22 loài động vật qúy hiếm. Số mẫu này đựơc xử lý tạo hình như một minh chứng về giá trị qúy hiếm, sự đa dạng nguồn gien của hệ động vật của vườn quốc gia Phước Bình.”
Đến với Vườn quốc gia Phước Bình, du khách sẽ tìm về với sự yên tĩnh của thiên nhiên. Ngắm nhìn di tích lịch sử Bẫy đá Bác Ái trên đỉnh đèo Gia Túc. Bẫy đá Bác Ái gắn liền với tên tuổi Anh hùng Pinăng Tắc – con chim paly của đồng bào GaGlai.
Dòng sông Tô Hạp nước chảy quanh năm trong vắt ôm ấp bản làng của đồng bào GaGlai. Những vườn cây ven núi bốn mùa hương thơm trái ngọt cung cấp sản vật cho du khách về thăm Phước Bình.
Rựơu cần Phước Bình nổi tiếng thơm ngon có lẽ được cất giữ từ men lá rừng xanh và nước suối đầu nguồn của dòng Tô Hạp. Tiếng mã la, tiếng khèn bầu hoà quyện cùng tiếng kèn chapi đâu đó trên các nương ngô rộn ràng làm say đắm lòng người.
Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, tại đèo Gia Túc đã diễn ra biết bao trận đánh địch bằng bẫy đá của quân và dân Phước Bình do anh hùng Pinăng Tắc chỉ huy, mà tiêu biểu là trận chống càn vào ngày 10/8/1961.
Anh hùng Pinăng Tắc đã chỉ huy quân dân du kích Phước Bình xây dựng trận địa phục kích bằng bẫy đá kết hợp với cung tên và chông. Mỗi bẫy đá có thể chất từ 2 đến 5 tấn đá và do hai người điều khiển.
Phía dưới đường mòn, anh hùng Pinăng Tắc cho cắm chông có tẩm thuốc độc dày đặc. Bên cạnh con đường mòn là vực sâu, dưới nữa là con sông Tương chảy xiết. Lực lượng du kích được bố trí ở hai phía tạo thành thế trận bao vây tiêu diệt địch.
Điều này gợi mở cho các nhà kinh doanh du lịch trong việc hình thành tour du lịch Phan Rang-Phước Bình. Lúc ấy, không chỉ khách quốc tế, vãng lai mà ngay cả người dân trong tỉnh cũng dễ dàng một lần về thăm Phước Bình để được tận mắt thưởng ngoạn sông núi, được hòa mình với thiên nhiên kỳ thú, được đứng bên Bẫy đá Bác Ái chụp ảnh lưu niệm, được thưởng thức hương vị độc đáo riêng có của rượu cần vùng cao.
Để bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú đó, vấn đề quan tâm hiện nay của lãnh đạo Vườn Quốc gia Phước Bình là hạn chế sự tác động của người dân vào phạm vi rừng nguyên sinh cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Để làm được điều này thì giải pháp thay đổi tập quán du canh, du cư, phá rừng, đốt nương làm rẫy của người dân vùng đệm được ưu tiên hàng đầu. Qua đó, giúp dân từng bước tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất ý nghĩa rất quan trọng, qua đó huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc cùng khai thác và tham gia bảo vệ tài nguyên của Vườn quốc gia Phước Bình.