Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) lần thứ 23 diễn ra tại thủ đô Kigali của Rwanda từ ngày 01 đến 03/11. Ðây là cơ hội để các nhà lãnh đạo bàn về cách thức xây dựng du lịch theo hướng linh hoạt, bền vững, có sức chống chịu tốt với rủi ro, trong bối cảnh ngành này đang nỗ lực bứt tốc phục hồi và phát triển sau quãng thời gian ảm đạm vì đại dịch Covid-19.
Thủ đô Kigali của Rwanda (Nguồn: Reuters)
Với chủ đề “Xây cầu nối tới tương lai bền vững”, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu WTTC lần thứ 23 là diễn đàn để các nhà lãnh đạo và chuyên gia, học giả cùng đánh giá, xem xét những cơ hội, thách thức đối với ngành du lịch và định hình tương lai phát triển của ngành này. Ðáng chú ý, đây là lần đầu Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu WTTC được tổ chức tại một quốc gia châu Phi.
Tại cuộc họp báo diễn ra vào hồi đầu tháng 10/2023, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của WTTC Julia Simpson khẳng định, Rwanda là địa điểm hoàn hảo cho hội nghị thượng đỉnh này. Theo bà Julia Simpson, châu Phi có dân số trẻ nhất thế giới và dự kiến đến năm 2033, cứ 13 USD được tạo ra trên lục địa này thì có 1 USD đến từ lĩnh vực du lịch.
Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch Lục địa Ðen được giới chức WTTC nhận định là nguồn cảm hứng cho hội nghị lần này.
Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Rwanda (RDB) Francis Gatare nêu rõ: Châu Phi có một số đặc điểm và trải nghiệm du lịch ngoạn mục nhất trên thế giới, lĩnh vực du lịch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế liên tục của châu Phi bằng cách tạo ra hàng triệu việc làm. Theo dự báo của WTTC, năm 2033, ngành lữ hành và du lịch của châu Phi sẽ đóng góp hơn 300 tỷ USD cho nền kinh tế châu lục; tổng số việc làm trong lĩnh vực này đạt hơn 36 triệu. Riêng với nước chủ nhà Rwanda, ngành du lịch được dự báo đóng góp hơn 2,1 tỷ USD cho kinh tế quốc gia vào năm 2033.
Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu WTTC lần thứ 23, các phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề về khả năng phục hồi và tăng trưởng của ngành du lịch, những tác động ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo (AI), các thị trường mới nổi..., từ đó tìm phương thức xây dựng ngành du lịch phát triển bền vững, toàn diện.
Yếu tố bền vững được chú trọng tại nhiều sự kiện quốc tế về du lịch thời gian qua, trong bối cảnh dịch bệnh, lạm phát, xung đột và biến đổi khí hậu đặt ra không ít thách thức cho ngành này. Các hoạt động du lịch quá mức cũng gây suy thoái môi trường, làm xáo trộn cuộc sống người dân bản địa. Những yếu tố này buộc ngành du lịch phải thay đổi phương thức cung cấp dịch vụ để thích nghi với tình hình mới.
Chủ đề của Ngày Du lịch Thế giới (27/9) năm nay là “Du lịch và đầu tư xanh”, qua đó gửi thông điệp đến các quốc gia rằng cần thúc đẩy ngành này tập trung vào bảo vệ môi trường, sử dụng ít tài nguyên hơn, có tác động tích cực đối với cả cộng đồng địa phương và du khách. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đầu tư xanh hóa cơ sở hạ tầng, khuyến khích chuyển đổi số, bảo tồn văn hóa và thiên nhiên... Ai Cập mới đây đã lắp đặt các trạm năng lượng mặt trời tại bốn địa điểm du lịch nổi tiếng ở nước này trong khuôn khổ kế hoạch thúc đẩy du lịch bền vững.
Namibia khởi động một dự án ở thủ đô Windhoek nhằm thúc đẩy giải pháp di chuyển tiết kiệm năng lượng và giá cả phải chăng thông qua xe đạp điện.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Du lịch Nam Phi kêu gọi các thành viên BRICS điều chỉnh chiến lược du lịch, trong đó có cải thiện y tế công, bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhấn mạnh: Ðầu tư vào du lịch bền vững là đầu tư vào tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Sự chuyển mình của ngành du lịch nhằm thích ứng tình hình mới hứa hẹn không chỉ giúp “ngành công nghiệp không khói” nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, mà còn có sức chống chịu tốt hơn với những cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Thu Vy