Ninh Thuận: Thúc đẩy công tác bảo tồn loài cheo cheo lưng bạc

Cập nhật: 03/11/2023
Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) là nơi đầu tiên ghi nhận loài cheo cheo lưng bạc ngoài tự nhiên nhưng việc bảo tồn đang gặp khó trước nạn săn bắn động vật hoang dã.

Cheo cheo lưng bạc là loài động vật nằm trong danh sách 25 loài quý hiếm nghi tuyệt chủng của Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu (GWC). Năm 2018, Viện Sinh thái học miền Nam hợp tác với Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, Viện Nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz cùng Tổ chức phi chính phủ Re:wild phát hiện về sự tồn tại của loài cheo cheo lưng bạc trong sinh cảnh rừng tự nhiên ở Vườn quốc gia Núi Chúa. 

Đây là thú móng guốc nhỏ nhất, nhìn giống hươu nhưng không có tuyến lệ. Cheo cheo lưng bạc là một trong 6 loài cheo cheo được ghi nhận trên thế giới. Tại Việt Nam có hai loài: cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor) và cheo cheo Nam Dương (Tragulus kanchil). Trong đó, cheo cheo lưng bạc là loài thú móng guốc đặc hữu của Việt Nam.

Cheo cheo được phát hiện ở Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, năm 2018. Ảnh: VQG Núi Chúa.

Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết, vào năm 2018, bằng chứng về sự tồn tại của cheo cheo lưng bạc trong các cánh rừng tự nhiên là một trong những phát hiện quan trọng về đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới. Đây là phát hiện đa dạng sinh học quan trọng bởi loài thú này đã được một số chuyên gia quốc tế nghi ngờ khả năng tồn tại ngoài tự nhiên sau khi "mất tích" ở Việt Nam gần 30 năm. Phát hiện không những chứng thực tầm quan trọng của sinh cảnh rừng khô hạn ven biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, mà còn thể hiện giá trị của công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này. Trước đó loài thú móng guốc đặc hữu này chỉ được biết đến qua các mẫu vật do các nhà tự nhiên học nước ngoài thu thập ở Khánh Hòa (các năm 1906, 1910) và Gia Lai (năm 1990).

Ban quản lý Vườn đã tiếp tục phối hợp với Viện Sinh thái học miền Nam, Viện Nghiên cứu Vườn thú và Động vật hoang dã Leibniz và Tổ chức phi chính phủ Re:wild tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về sinh thái loài và giám sát quần thể nhằm thu thập thêm các thông tin chính xác, khoa học để bảo tồn loài hiệu quả. Ngoài ra, những chuyến khảo sát sau đó ở miền Nam Việt Nam đã phát hiện được thêm bốn quần thể khác đều ở các sinh cảnh rừng khô hạn thuộc vùng sinh thái rừng khô đất thấp miền Nam Việt Nam, gợi ý các cánh rừng khô hạn là môi trường sống phù hợp của loài. Tuy nhiên mức độ phân mảnh cao đe dọa trực tiếp đến sự sống còn và phát triển ổn định của các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm trong vùng nói chung, và cheo cheo lưng bạc nói riêng. 

Toàn vùng sinh thái rừng khô đất thấp miền Nam Việt Nam có tổng diện tích 35.114 km2 trải dài từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; nhưng chỉ có 5,8% diện tích được bảo vệ và 1,8% diện tích rừng đặc dụng đảm bảo kết nối thành các hành lang đa dạng sinh học. Mức độ phân mảnh cực kỳ cao đe dọa trực tiếp đến sự sống còn và phát triển ổn định của các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm trong vùng nói chung và Cheo cheo lưng bạc nói riêng.

Nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, bảo tồn đã được triển khai, tuy nhiên việc săn bắt, bắn và bẫy động vật hoang dã và suy giảm chất lượng sinh cảnh sống hiện nay đã trở thành mối đe dọa lớn đối với loài Cheo cheo lưng bạc. Nếu các quần thể động vật tiếp tục suy giảm, tình trạng mất cân bằng sinh thái sẽ ngày càng trầm trọng, và các giá trị dịch vụ hệ sinh thái con người đang thụ hưởng sẽ biến mất. Nhận thấy tầm quan trọng của công tác bảo tồn hiệu quả loài cheo cheo lưng bạc, nhiều đơn vị nghiên cứu và tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong và ngoài nước đã hỗ trợ Ban quản lý VQG Núi Chúa triển khai các nghiên cứu thực địa nhằm thu thập dữ liệu khoa học, chính xác để bảo tồn loài.

Tuy nhiên hiện cheo cheo lưng bạc không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, IUCN phân hạng thiếu dữ liệu (DD). Theo đó các hành vi săn bắn, buôn bán, tàng trữ, quảng cáo cheo cheo lưng bạc trái phép sẽ không đủ sức răn đe thích đáng. Các chương trình bảo vệ cheo cheo lưng bạc cũng thiếu căn cứ để bảo vệ quần thể loài tương xứng. Nhiều ý kiến đề xuất đưa cheo cheo lưng bạc vào danh mục loài ưu tiên bảo vệ, kết hợp du lịch dựa vào thiên nhiên để tạo sinh kế, nguồn thu cho người dân địa phương. Các nhà bảo tồn cũng đề xuất Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ đa dạng sinh học, động vật hoang dã...

Cheo cheo lưng bạc là một trong những loài quan trọng nhất đối với hệ sinh thái rừng khô hạn.

Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết sự suy giảm nhanh chóng của quần thể động vật hoang dã, đặc biệt các loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có cheo cheo lưng bạc, đòi hỏi phải thực hiện ngay kế hoạch hành động phù hợp. Việc mở rộng hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các quốc gia khác nhau, giữa các tổ chức bảo tồn, viện nghiên cứu địa phương và quốc tế rất quan trọng để xác định các hành động phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính và nhân lực.

Vườn quốc gia Núi Chúa là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, có tổng diện tích tự nhiên là 29.865ha, VQG Núi Chúa có nhiệm vụ bảo vệ các sinh cảnh trên cạn và vùng biển ven bờ. Với diện tích trên đất liền hơn 22.000ha, lâm phần VQG đa dạng với hai kiểu hệ sinh thái rừng chính: Rừng khô hạn ven biển và nhiệt đới ẩm thường xanh. Đây là nơi trú quán của hơn 1.500 loài thực vật và hơn 750 loài động vật trên cạn, bao gồm nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm. Sự độc đáo của VQG thể hiện rõ nhất qua các sinh cảnh rừng khô hạn ven biển đặc trưng còn hiếm hoi sót lại ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Một số loài nguy cấp, quý, hiếm khác chỉ được ghi nhận ở Đông Dương thích nghi để sinh tồn với điều kiện rừng khô hạn ở VQG như: Gà tiền mặt đỏ Polyplectron germaini, Chà vá chân đen Pygathrix nigripes... Rộng ra toàn vùng sinh thái rừng khô đất thấp miền Nam Việt Nam, có thể kể thêm các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao khác chỉ được ghi nhận ở khu vực này như Sao lá tim Hopea cordata, Chai lá cong Shorea falcata, Thiên tuế Cycas pachypoda. So sánh với các kiểu rừng mưa nhiệt đới ở Việt Nam, mức độ đa dạng và đặc hữu ở các cánh rừng khô hạn là không thể tương đồng, nhưng nguy cơ biến mất của phần lớn các loài động, thực vật đặc trưng ở đây thì không hề kém nghiêm trọng hơn, thậm chí còn phần nguy cấp hơn, do phạm vi phân bố hẹp, phân mảnh và mức độ tác động cao của con người.

Hạnh Lê

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 20/10/2023