Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam hiện đang mang "thân phận" 3
trong 1. Là một xã đảo khó khăn cận kề Hội An với một đơn vị hành chính là
xã đảo Tân Hiệp có hơn 3.000 dân thuộc 600 hộ, phần lớn làm nghề đánh cá và buôn
bán nhỏ, tập trung ở khu vực Bãi Làng thuộc đảo Hòn La.
Đây cũng là một trong 4 khu bảo tồn biển được công nhận từ năm 2004 do Chính phủ Đan Mạch tài trợ và mới đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận.
Với 8 đảo lớn nhỏ có tổng diện tích 15,5km2, nằm cách đô thị cổ Hội An chừng 19km đường biển, Cù Lao Chàm từ lâu đã được các nhà nghiên cứu về du lịch, chuyên gia môi trường, khảo cổ học lẫn các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dành cho sự quan tâm đặc biệt.
Đến khi tiến hành khảo sát để thành lập khu bảo tồn biển, chuyên gia Hans Dilev của Đại học Aarhus (Đan Mạch) đã khẳng định: "Đây là một trong số rất ít đảo của Việt Nam còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn, là nơi cư trú của nhiều loại động vật quý hiếm trên bờ, dưới biển".
Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm được công nhận năm 2004 bao gồm các đảo và vùng nước xung quanh, với tổng diện tích 6.719ha, trong đó có khoảng 165ha rạn san hô và 500ha thảm có biển. Về sinh vật, tại đây đã được xác định có 947 loài sinh vật sống trên vùng nước quanh các đảo, quanh các vỉa san hô cứng và mềm phát triển dày đặc.
Hệ thực vật Cù Lao Chàm gồm 342 loài có ích, trên 60% trong đó có thể được sử dụng vào các mục đích khác nhau. Nhóm cây làm thuốc có 116 loài.
Rừng Cù Lao Chàm có 12 loài thú, 13 loài chim, hàng trăm loài bò sát, ếch nhái. Khỉ đuôi dài và chim yến là các loài quý hiếm đã được ghi trong Sách Đỏ động vật Việt Nam. Hòn Lao, nơi có nhiều vách đã thẳng đứng là nơi cư trú và làm tổ của loài yến sào nổi tiếng, là đặc sản xuất khẩu có giá trị của Hội An từ trước đến nay với sản lượng hàng tấn mỗi năm.
Cù Lao Chàm còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử nhân văn như các di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, văn hóa còn được lưu giữ từ các nền văn hoá Sa Huỳnh, Việt đã được công nhận di tích quốc gia. Đây còn là một tiền cảng của cảng thị Hội An, một đầu mối giao thương và giao lưu văn hóa khá sớm của Đàng Trong với các nước trên thế giới, trong đó có những giá trị thuộc các "con đường gốm sứ", "con đường tơ lụa" nổi tiếng.
Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học và sự bền vững môi trường và cả những giá trị lịch sử văn hóa tại đây đang bị thách thức bởi không chỉ việc sử dụng hóa chất, chất nổ trong khai thác hải sản, mà còn từ nguy cơ bùng phát của các làn sóng du lịch được tính bằng con số hàng triệu du khách đến Hội An mỗi năm; thậm chí còn bị ảnh hưởng không ít của hàng loạt các khu du lịch bãi biển đang xây dựng ở phía đất liền.
Tiến sĩ Donal J.Macintosh, Cố vấn trưởng dự án Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, từng cảnh báo cần phải kiểm soát chặt chẽ các hoạt động du lịch ở Cù Lao Chàm, và đảm bảo một chiến lược cho việc phát triển du lịch từng giai đoạn trên đảo và quần đảo, cần phải được xây dựng và thảo luận trước khi bất cứ một công trình xây dựng hay một hoạt động phát triển quan trọng nào được duyệt... Tiến sĩ Macintosh cho rằng, sự phát triển du lịch ồ ạt, vội vã hiện nay trên đảo sẽ tác động lớn đến môi trường sinh thái.
Trước mắt, nhằm khắc phục những tồn tại về môi trường, thành phố Hội An đang triển khai thực hiện dự án "Hợp phần kiểm soát ô nhiễm khu vực đông dân nghèo" (PCDA), với mô hình trình diễn xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn khu vực đảo Cù Lao Chàm, với phương án phân loại tại nguồn và làm phân compost là phù hợp với chính sách phát triển quốc gia và chiến lược cho vấn đề quản lý chất thải rắn.
Các chuyên gia tư vấn Hợp phần PCDA khuyến cáo công việc bảo vệ môi trường trên xã đảo Cù Lao Chàm không chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương hay tổ chức nào mà cần có chung tay góp sức của mọi người dân. Như vậy, vừa đáp ứng các tiêu chí bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa phong phú lại vừa làm cho người dân thoát khỏi tình cảnh "xã khó khăn" và phát triển du lịch, bảo vệ môi trường.