Cứ vào khoảng đầu tháng 9 hằng năm, nhiều loài chim hoang dã, di cư lại quay về những cánh đồng ngập nước của huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là thời điểm cò mồi, cò giả và lưới “tàng hình” được cánh thợ săn giăng khắp các cánh đồng, rồi dùng loa phát âm thanh giả tiếng dụ chim hoang dã, di cư để bắt. Để ngăn chặn tình trạng săn bắt chim hoang dã, di cư, UBND tỉnh đã có công văn gửi các cơ quan, sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường bẫy bắt chim hoang dã, di cư ở Hải Lăng - Ảnh: T.L
“Ma trận” tận diệt chim hoang dã, di cư
Trong những ngày đầu tháng 10/2023, khi bắt đầu có những cơn mưa lớn, dọc theo tuyến đường ĐT 582B đi qua địa phận thị trấn Diên Sanh, Hải Quế, Hải Dương (huyện Hải Lăng) là những cánh đồng ngập nước với dày đặc “thiên la địa võng” do cánh thợ săn bắt dựng lên để bẫy bắt chim hoang dã, di cư.
Men theo con đường nhỏ dẫn ra cánh đồng thôn Phước Điền (xã Hải Định, huyện Hải Lăng), tôi gặp anh C.Đ. đang đứng điều khiển chiếc loa phát âm thanh giả tiếng dụ đàn chim hoang dã, di cư đang bay chấp chới chuẩn bị sà xuống những tấm lưới “tàng hình” được giăng mắc giữa cánh đồng. Anh C.Đ. cho biết, để làm nghề săn bắt chim hoang dã, di cư không khó. Người muốn làm nghề chỉ cần bỏ ra khoảng 12 triệu đồng để mua lưới “tàng hình”, loa phát âm thanh, dụng cụ bẫy bắt chim. Các loại vật dụng trên rất dễ tìm mua, bởi được bán tràn lan trên mạng. Người mua chỉ cần lên mạng đặt, sau đó hàng sẽ được giao đến tận nhà.
Khi nông dân thu hoạch lúa xong, trời bắt đầu có những cơn mưa lớn cũng chính là thời điểm thích hợp để cánh thợ săn chim hoạt động. Những đám ruộng ngập nước được lựa chọn để săn bắt phải đảm bảo có nhiều loài chim như cò trắng, vạc, cò bợ, gà nước, mỏ nhát... tập trung về nhiều. Khi đã chọn được đám ruộng “đẹp” là đến công đoạn đóng cọc tre để giăng lưới “tàng hình”.
Cọc tre để giăng lưới phải cắm đều dọc chân ruộng, cứ khoảng 30m thì cắm một cọc tre. Mỗi thợ săn chim có thể cắm nhiều chiếc cọc tre để giăng hàng chục đến hàng trăm mét lưới. Lưới được giăng cách mặt đất khoảng 1,5m, chiều rộng khoảng 1-2m, dài hàng chục đến hàng trăm mét, phải chùng mới đảm bảo dính chim. Lưới khi giăng xong thì gần như vô hình giữa không trung, mắt người đứng từ xa khó mà nhìn thấy được.
Khi giăng xong lưới là đến công đoạn mở loa phát âm thanh gọi bầy đàn của các loài chim. Âm thanh được phát ra có thể vang xa cả vùng, nên dụ được nhiều loại chim dính lưới. Còn để bẫy bắt loài cò trắng, cánh thợ săn dùng cò giả làm bằng xốp, rồi cắm xuống đồng ruộng, bên cạnh là hàng loạt thanh tre đã được phết keo siêu dính.
Những đàn cò trắng bay trên cao, nhìn xuống tưởng đồng loại, bầy đàn sẽ sà xuống kiếm ăn và dính vào bẫy. Hoặc cánh thợ săn dùng chim mồi đang còn sống, cho đứng trên những thanh gỗ được đóng kiểu chữ T, buộc chân vào dây cước cắm ở các cánh đồng để bẫy những con chim khác.
Mùa này là mùa chim di cư, nên cánh thợ săn chim có thể bẫy bắt được hàng chục con cò trắng, vạc, cò bợ, mỏ nhát, gà nước mỗi ngày. Loài chim này hiện đang là “đặc sản” của một số quán nhậu nên bắt được bao nhiêu đều được tiêu thụ hết. Các loài chim mà cánh thợ săn bẫy bắt được có giá bán giao động từ 15-30 nghìn đồng/con (tùy từng loài chim lớn, nhỏ). Nhiều thợ săn có thu nhập vài triệu đồng/ngày từ việc bẫy bắt chim hoang dã, di cư.
Cần đẩy mạnh việc ngăn chặn, xử lý
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị Lê Quang Hiển cho biết, qua kiểm tra, nắm tình hình thì vào khoảng giữa tháng 9/2023 tại một số xã vùng trũng như xã Hải Phong, Hải Dương, Hải Quế, thị trấn Diên Sanh có xuất hiện các loài chim hoang dã, di cư như cò, triếc... về tìm kiếm thức ăn và trú ngụ.
Để tăng cường công tác bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng đã tham mưu UBND huyện Hải Lăng ban hành Công văn số 1323/UBND - TH ngày 22/9/2023 để chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các ban, ngành, chủ rừng về việc tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, di cư. Kiểm lâm địa bàn cũng đã phối hợp với công an xã, ban chỉ huy quân sự xã tổ chức 8 đợt kiểm tra thực tế hiện trường bẫy bắt chim hoang dã, di cư. Ký cam kết bảo vệ chim hoang dã, di cư với các hộ gia đình.
Tổ chức 78 lượt tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh xã, thôn. Kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với lực lượng Công an xã, Ban Chỉ huy Quân sự xã Hải Dương, Hải Quế, thị trấn Diên Sanh tổ chức kiểm tra tại hiện trường việc bẫy bắt chim hoang dã, di cư. Kết quả đã tháo dỡ, tiêu hủy 14 con cò giả, vận động người dân tự tháo dỡ khoảng 50m lưới, 10 con cò giả, 1 máy phát âm thanh.
Trong 2 ngày từ ngày 12 - 13/10/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng đã làm việc với UBND xã Hải Dương, Hải Quế về việc tăng cường bảo vệ chim hoang dã, di cư; huy động cán bộ, công chức kiểm tra thực tế tại các khu vực có bẫy bắt chim hoang dã, di cư. Kết quả, đã tiến hành tháo dỡ, tiêu hủy 5 tay lưới giăng để bẫy bắt chim hoang dã, di cư (mỗi tay lưới dài từ 30 - 40m), 34 con cò giả làm bằng xốp màu trắng, 350 que bẫy được bôi keo siêu dính.
Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 1323/UBND - TH ngày 22/9/2023 của UBND huyện Hải Lăng, làm việc với UBND xã, thị trấn để đề nghị tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, di cư trên địa bàn; chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn chủ động nắm tình hình, tham mưu UBND các xã, thị trấn huy động lực lượng công an, quân sự kiểm tra, tháo dỡ các khu vực có bẫy bắt chim hoang dã, di cư.
UBND tỉnh đã có Công văn số 5279/ UBND - KT ngày 12/10/2023 về việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam với nội dung: các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương các cấp yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép.
Các cơ quan thực thi pháp luật tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã, các khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư theo đúng quy định hiện hành...
Việc săn bắt các loài chim hoang dã, di cư dù là việc làm mang tính chất mùa vụ, nhưng đang gây ra nhiều hậu quả về môi sinh, môi trường, đặc biệt là việc bảo vệ loài chim hoang dã, di cư đang ngày càng hiếm dần. Nạn săn bắt chim hoang dã, di cư gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của một số loài chim hoang dã, di cư và làm mất cân bằng sinh thái, phá hoại cảnh quan môi trường...
Vì vậy, cần có sự chung tay của người dân cũng như của các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không săn, bắn, bẫy, bắt các loài chim hoang dã, di cư để đảm bảo cho hệ sinh thái phát triển bền vững.
Hoàng Tiến Sỹ