Phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn: Nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong bảo tồn di sản

Cập nhật: 14/11/2023
Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO tái công nhận là thành viên của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO lần thứ III vào đầu tháng 9/2023 vừa qua cho thấy, tỉnh Hà Giang đã bảo đảm công viên địa chất phát triển bền vững, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Góp phần quan trọng để Hà Giang giữ vững được các tiêu chí này phải kể đến công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo tồn di sản cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Nâng cao ý thức bảo vệ di sản

Thời gian qua, nhiều du khách khi đến với Hà Giang đều ngỡ ngàng trước những ngôi nhà tàng hình, có phần sơn tường bên ngoài hòa vào phong cảnh cây cối núi non xung quanh. Đi từ xa khó có thể nhận ra đâu là nhà, đâu là đá, là rừng, là cây cối. Được biết, những ngôi nhà được trang trí tranh bích họa, thuộc Dự án bảo tồn kiến trúc văn hóa truyền thống bản địa và phát triển tiềm năng du lịch của huyện Mèo Vạc.

Hình ảnh những ngôi nhà này được chia sẻ trên các hội nhóm du lịch, ngay lập tức thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt nhất là khách du lịch. Nhiều du khách đã nhanh chóng tìm đến vùng cao nguyên đá Đồng Văn để mục sở thị những ngôi nhà này.

Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực cố gắng của chính quyền địa phương, thời gian qua cũng xuất hiện tình trạng, nhiều người tự vẽ sơn lên trên các vách đá. Đơn cử như năm 2022, đã có 33 điểm ở đèo Mã Pì Lèng xuất hiện nhiều dòng chữ viết sơn trắng trên các phiến đá tai mèo, với nội dung “A Di Đà Phật”. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã tổ chức xóa bỏ các dòng chữ, trả lại hình ảnh ban đầu cho Công viên đá.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng xâm hại cảnh quan vùng cao nguyên đá, như vụ nhà hàng Panorama ảnh hưởng đến danh thắng Mã Pí Lèng; dự án thang máy tại di tích Đồn Cao, thị trấn Đồng Văn; các hoạt động khai thác đá trái phép; các công trình xây dựng trái phép nguy cơ phá hủy cảnh quan...Trước thực trạng đó, Hà Giang đã quyết liệt xử lý những vi phạm và nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.

Những ngôi nhà tàng hình thu hút khách du lịch đến huyện Mèo Vạc tìm hiểu, chiêm ngưỡng

Được biết, để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm cảnh quan di sản, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang, đặc biệt là 4 huyện Cao nguyên đá đã có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về tầm quan trọng trong gìn giữ, bảo vệ si sản và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Anh Sùng Mí Long (huyện Đồng Văn) chia sẻ: nhờ có nhiều khách du lịch đến đây nên gia đình anh bán được nhiều gà, nhiều rau, có thêm thu nhập cho gia đình. Anh sẽ cố gắng gìn giữ cảnh quan, bảo vệ môi trường, làm theo những hướng dẫn của cán bộ, để khách du lịch tới đây nhiều hơn.

Hay mới đây, Ban quản lý CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn phối hợp với UBND các huyện, tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn cho lãnh đạo và giáo viên các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc.

Chính quyền địa phương đã và đang tổ chức xóa bỏ các dòng chữ ghi trên các vách đá ở đèo Mã Pì Lèng

Lớp tập huấn đã trang bị cho các thầy giáo, cô giáo về những nội dung cơ bản như: quá trình xây dựng và phát triển CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; giá trị di sản nổi bật trên vùng CVĐC (di sản văn hoá, di sản địa chất, di sản tự nhiên...); công tác bảo tồn các giá trị di sản, phát triển du lịch trên vùng CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Ngoài ra, các học viên được xem phóng sự về quá trình xây dựng và phát triển CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2018 - 2022…

Qua đó, tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh nói riêng, cộng đồng nói chung về giá trị to lớn, quan trọng của CVĐCTC, để cùng bảo tồn và khai thác hiệu quả di sản gắn với phát triển du lịch một cách bền vững.

Cán bộ Ban Quản lý Cao nguyên đá Đồng Văn giới thiệu các di sản trên địa bàn huyện Quản Bạ. (Ảnh: TL)

Chung tay bảo tồn các giá trị di sản

Tại Hội nghị quốc tế về phát huy các giá trị danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam, do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức tháng 7 vừa qua, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, để thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản trên CVĐCTC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng các nghị quyết chuyên đề liên quan đến bảo tồn giá trị di sản, chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng và vai trò của người dân địa phương trong công tác bảo tồn di sản…

Theo đó, công tác bảo tồn di sản được tỉnh Hà Giang triển khai, với ba nội dung chính: Bảo tồn giá trị di sản địa chất, địa mạo, văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức cộng đồng, quảng bá giới thiệu hình ảnh; thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, tạo sinh kế, nguồn thu nhập cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang đã ban hành quy định quản lý di sản, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cần bảo tồn, phân vùng khu vực quản lý. Phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, chính quyền địa phương, người dân trong việc bảo tồn giá trị di sản. Đó là cơ sở pháp lý để thực hiện công tác quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, bảo tồn di sản trên vùng công viên địa chất.

Đến nay, tỉnh Hà Giang đã tiến hành khoanh vùng 30 cụm với hơn 150 điểm di sản để bàn giao cho cộng đồng địa phương quản lý và bảo vệ. Trong đó có một số cụm, điểm di sản được công nhận là di sản cấp quốc gia như: Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng; danh lam thắng cảnh núi đôi Quản Bạ; di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh khu vực hóa thạch Tay cuộn xã Ma Lé, huyện Đồng Văn; di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh khu vực hóa thạch Huệ biển tại Lũng Pù, huyện Mèo Vạc.

Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của dân tộc Mông

Đối với nhiệm vụ phát huy các giá trị di sản, trong thời gian qua, Hà Giang đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho du lịch như: bãi đỗ xe, điểm dừng chân ngắm cảnh, cải tạo hạ tầng giao thông,…; khảo sát và xây dựng hệ thống tuyến du lịch trên công viên địa chất; khảo sát cung cấp hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất;…

Đặc biệt, bằng những hành động cụ thể, tỉnh Hà Giang đã nâng cao được ý thức cộng đồng, người dân trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng bào các DTTS đã tích cực mặc trang phục dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày, xây dựng hàng rào đá, nhà trình tường theo kiến trúc truyền thống, phục dựng lại các lễ hội, các nghề…

Văn Hoa

Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển - baodantoc.vn - Đăng ngày 14/11/2023