Trong những năm qua, Sóc Trăng đã nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch. Theo đó, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần gắn kết cộng đồng dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, thúc đẩy công cuộc đổi mới, hội nhập, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tháng 9/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã trình UBND tỉnh ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đua ghe ngo của người Khmer tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2028. Theo từng giai đoạn, đề án sẽ triển khai khảo sát, thu thập thông tin, tài liệu về các đội ghe ngo. Đề án cũng sẽ hỗ trợ cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer sửa chữa, đóng mới ghe ngo; đầu tư kinh phí duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ chuyên dùng phục vụ tổ chức thi đấu ghe ngo hằng năm. Đặc biệt là, đề án còn tổ chức phục dựng các nghi lễ liên quan đến lễ hội ghe ngo như: lễ hạ thủy, lễ cúng trăng, hội thi Protip, trình diễn ghe cà hâu, lễ hội đường phố... Kinh phí thực hiện đề án là hơn 16 tỷ đồng.
Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer tỉnh Sóc Trăng được xếp vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Xuân Nguyên
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết, ngày 12/01/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 74/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer huyện Thạnh Trị, huyện Châu Thành, huyện Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng (Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer tỉnh Sóc Trăng) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Sóc Trăng đã có 8 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại và quốc gia, gồm: Đờn ca tài tử Nam Bộ, Lễ hội Nghinh Ông ở huyện Trần Đề, Nghề thủ công truyền thống bánh pía của người Hoa thuộc huyện Châu Thành, Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc ngũ âm, Nghệ thuật múa rô băm, Nghệ thuật múa rom vong, Nghệ thuật dù kê của đồng bào Khmer, Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer.
8 di sản văn hóa phi vật thể được xem là niềm tự hào của nhân dân Sóc Trăng. Để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản văn hóa. Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Đề cương và dự toán chi tiết xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm ứng dụng Bảo tàng thông minh hệ thống cơ sở dữ liệu các tư liệu, hiện vật của các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, văn hóa phi vật thể… góp phần thuận lợi hơn cho việc quản lý và cập nhật các thông tin có liên quan đến công tác quản lý di sản trên địa bàn tỉnh.
Theo Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, sau khi hoàn thiện công tác kiểm kê tại 775 khóm, ấp tập trung vào 7 loại hình: tiếng nói chữ viết, ngữ văn truyền miệng, nghệ thuật diễn xướng dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, tỉnh đã xuất bản 1.000 cuốn sách văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Sóc Trăng để tuyên truyền di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh và phục vụ cho công tác nghiên cứu; đồng thời lập 17 hồ sơ về đề tài di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh, thống kê được 10 lễ hội truyền thống (thuộc nhóm lễ hội dân gian) được tổ chức quy mô từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Nhằm động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trao truyền những di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng, tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu nghệ nhân, nghệ sĩ được quan tâm. Hiện Sóc Trăng có 4 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Đây là sự tôn vinh và ghi nhận những cống hiến nổi bật của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.
Nhạc ngũ âm là 1 trong 8 Di sản văn hóa phi vật thể của Sóc Trăng. Ảnh: Xuân Nguyên
Trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng với các sở, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể Nhạc ngũ âm, Nghệ thuật sân khấu rô băm, Nghệ thuật múa sinh hoạt truyền thống của dân tộc Khmer, đồng thời hỗ trợ chương trình nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể với Dàn nhạc Tùa lầu cấu của người Hoa thị xã Vĩnh Châu; hỗ trợ thiết bị âm thanh, nhạc cụ phục vụ hoạt động cho 3 đội văn nghệ truyền thống tại chùa Bốn Mặt, chùa PeangSomath, chùa Chruitimchas. Hiện nay, các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh đang hướng đến việc xây dựng thiết chế văn hóa hoàn chỉnh. Từ trong xóm làng của vùng có đông đồng bào Khmer Sóc Trăng vẫn luôn vang vọng tiếng nhạc ngũ âm, gìn giữ điệu múa rom vong. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các lớp múa sinh hoạt cộng đồng dân tộc Khmer, vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc các sở, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh tham gia…
Trên cơ sở ban hành các chính sách, định hướng phát triển, Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, từng bước đưa di sản văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xuân Nguyên