Tỉnh Yên Bái đang tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghề du lịch cho đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho hàng trăm hộ kinh doanh dịch vụ nhà ở ngay tại các bản làng.
Phát triển du lịch nông thôn với nhiều mô hình, điểm du lịch độc đáo của tỉnh Yên Bái đã đem đến những trải nghiệm thú vị cho du khách. Ảnh: Bảo Nguyên
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, nông nghiệp và văn hóa bản địa còn tương đối hoang sơ, xuất hiện đầu tiên ở thị xã Nghĩa Lộ khoảng năm 2005. Hiện, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có hàng trăm hộ hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.
Là một trong những hộ làm du lịch nông thôn đầu tiên của thôn Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, homestay của bà Hoàng Thị Loan (người dân tộc Thái) lúc nào cũng có khách.
“Mới đầu làm du lịch, tôi cũng bỡ ngỡ lắm, bởi đã bao giờ mình làm du lịch đâu nên mình phải đi tham quan, học hỏi mô hình ở các địa phương khác. Trước tiên, gia đình tôi sửa sang lại nhà cửa, mua sắm chăn đệm, xây nhà vệ sinh khép kín. Đồng thời, tôi được tham gia các lớp tập huấn về du lịch sau đó còn được tỉnh và thị xã hỗ trợ mua sắm trang thiết bị” - bà Loan chia sẻ. Bà cho biết thêm, homestay của gia đình bà nằm giữa bản làng yên bình, có nghề dệt vải truyền thống được du khách thích thú.
Anh Giàng A Dê (dân tộc H’Mông ở xã La Pán Tẩn - chủ cơ sở du lịch homestay ở Mù Cang Chải) cho hay, các ngôi nhà trong khu du lịch được thiết kế bằng gỗ thông kiểu truyền thống của đồng bào, xung quanh trồng đào rừng, tam giác mạch.
Anh Dê còn liên kết với các hộ dân trong bản tạo tour chuỗi du lịch khép kín. Du khách được trải nghiệm đánh bắt cá suối, thực hành các bước trồng lúa trên ruộng bậc thang như cày bừa làm đất, cấy lúa, gặt lúa và thưởng thức các món ăn dân tộc.
Theo bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái - toàn tỉnh hiện có 25 thôn, bản với 209 hộ tham gia làm du lịch nông thôn của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Thái.
Nhiều bản làng đã nằm trong bản đồ du lịch cầm tay của khách ngoại quốc như: Ngòi Tu, Ngòi Cụ ở huyện Yên Bình; Ao Luông, Gốc Bục ở huyện Văn Chấn; Bản Thái, Kim Nọi, Lìm Thái, Dề Thàng, Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải…
Xác định du lịch nông thôn sẽ thay đổi sinh kế cho bà con vùng cao, nhiều lớp học nghề du lịch cộng đồng ngắn hạn được mở ra, thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhiều người sau khi học đã thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển hướng làm du lịch cộng đồng và cho hiệu quả.
Về lâu dài, các lao động trẻ nông thôn sẽ là nguồn nhân lực phù hợp, bổ sung cho các mô hình hiện tại đang thiếu nhân lực trong lĩnh vực du lịch.
Với tiềm năng du lịch nông thôn đa dạng, nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như: Hồ Thác Bà, quần thể di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang La Pán Tẩn - Chế Cu Nha - Dế Xu Phình, chè cổ thụ Suối Giàng… tỉnh Yên Bái phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 100% số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách; 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận trở lên ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý, kinh doanh và quảng bá sản phẩm.
Thạc sĩ Vũ Thị Hà - Giảng viên Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Yên Bái - chia sẻ: “Du lịch cộng đồng không nên phát triển ồ ạt theo kiểu mạnh ai nấy làm. Chính quyền địa phương cần tham gia vào việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch cộng đồng của địa phương đồng thời chính là người định hướng làm du lịch cho nông dân. Cái vốn để phát triển du lịch cộng đồng là 9 phần văn hóa, 1 phần là tiền nên chỉ nơi nào còn giữ gìn được những giá trị văn hóa truyền thống thì mới có thể phát triển được du lịch cộng đồng”.
Bảo Nguyên