Nhằm khẳng định vị thế Thủ đô - Thành phố sáng tạo, những ngày này, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đang tạo sức hút lớn cho người dân và du khách. Đáng chú ý, rất nhiều hoạt động diễn ra tại các di sản công nghiệp cũ như: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu… Những công trình tưởng như “ngủ quên” bao năm của Hà Nội sẽ được “đánh thức”, “khoác” lên một diện mạo mới đầy sáng tạo, ngẫu hứng, nghệ thuật và hấp dẫn.
Không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ trở thành tổ hợp không gian văn hóa, sáng tạo tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Internet
Tái thiết di sản Nhà máy Xe lửa Gia Lâm với những không gian sáng tạo
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là một trong những công trình đường sắt trọng yếu do người Pháp xây dựng tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, hiện là một di sản công nghiệp quan trọng của ngành đường sắt và của Việt Nam nói chung.
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm nằm ở vị trí chiến lược, là điểm giao cắt của 4 tuyến đường sắt phía Bắc, như một chứng nhân lịch sử của Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến chiến tranh chống Mỹ. Nhà máy không chỉ đóng vai trò quan trọng trong duy trì hệ thống đường sắt mà còn góp phần vào sự chuyển dịch văn hóa và tư tưởng của người Việt, tạo điều kiện cho sự trao đổi văn hóa và tư tưởng thông qua làm việc với người lao động đến từ khắp nơi, mạng lưới đại lý rộng lớn.
Hiện tại, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đang đối diện với nguy cơ bị di dời khỏi địa điểm hiện tại để đáp ứng nhu cầu tái phát triển đô thị. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 chính là cơ hội thí điểm mô hình trải nghiệm văn hóa sáng tạo để phát huy giá trị di sản công nghiệp tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Di sản đương đại này sẽ "tái xuất" với công năng mới, trở thành "ngôi nhà ký ức", nơi lưu giữ hình ảnh, kỷ vật của thành phố Hà Nội.
Tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, giới kiến trúc sư và sáng tạo sẽ biến không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành tổ hợp không gian văn hóa, sáng tạo. Hệ sinh thái nhà máy bao gồm các phân xưởng như 3B1, 3B2, 5B hay trạm điện 33B,... sẽ được chuyển đổi trở thành các không gian triển lãm với 15 triển lãm kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ.
Là địa điểm chính tổ chức Lễ hội, các phân xưởng trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng được cải tạo, thiết kế trở thành không gian Pavilion mới. Điểm nhấn là không gian kiến trúc Bến Chờ được cải tạo từ khu vực Cầu lăn chìm của nhà máy. "Bến chờ" đặt tại một đoạn đường ray trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm, lấy cảm hứng từ một nhà ga không chỉ là nơi trung chuyển, còn khơi gợi cảm xúc về những cuộc đợi chờ, từ nỗi buồn chia xa đến niềm vui khi gặp lại.
Chia sẻ về vấn đề này, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang - Tác giả Pavilion " Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng Nóng" bày tỏ: "Với ai yêu thích nghệ thuật, mình tin mọi người sẽ có những cái nhìn, cảm nhận dễ dàng hơn đối với không gian Nhà máy Xe lửa Gia Lâm này. Công chúng không hẳn ai cũng thích máy móc, ai cũng thích sắt thép nên mục tiêu của chương trình là mang vẻ đẹp của nhà máy tới công chúng, tới số đông. Mình tin càng ngày mọi người càng nhìn nhận hơn về vẻ đẹp di sản và mong muốn phát triển nó trong đời sống mới".
Việc chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành tổ hợp sáng tạo thông qua Lễ hội 2023 chính là nền tảng, tiền đề thúc đẩy ý tưởng biến những di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo, trở thành hiện thực trong tương lai gần. Sự đam mê sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cùng những khát khao được cống hiến của đội ngũ kiến trúc sư và giới nghệ sĩ, sáng tạo,... sẽ là động lực để phát triển hoạt động sáng tạo của Thủ đô ngày càng lớn mạnh, khẳng định Hà Nội thực sự là Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế.
Biến Tháp nước Hàng Đậu thành chốn thiêng của lục thủy
Tháp nước Hàng Đậu lần đầu tiên mở cửa cho khách tham quan từ ngày 17/11. Ảnh: Internet
Có tuổi đời gần 130 năm, Tháp nước Hàng Đậu (bốt Hàng Đậu) được coi là một di tích kiến trúc cổ của Hà Nội. Sau nhiều năm gần như không được sử dụng, tháp nước này đang được chỉnh trang, cải tạo và lần đầu tiên mở cửa cho khách tham quan từ ngày 17/11.
Đây là công trình được người Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ 19, cùng thời điểm xây dựng Nhà máy nước Yên Phụ, để phục vụ việc cung cấp nước sinh hoạt cho quan chức, binh lính người Pháp và người dân ở khu vực trung tâm Hà Nội trong thời kỳ Pháp thuộc.
Tháp nước Hàng Đậu có hình trụ tròn, đường kính 19m, cao 3 tầng, mái có hình chóp nón, ở giữa là cột thu lôi. Tháp có đài nước khổng lồ bằng thép dung tích 1.250m3, nằm ở vị trí cao nhất trên những bức tường đá.
Sau nhiều năm tồn tại, tuy không được sử dụng, nhưng thành phố Hà Nội đã nhiều lần tu bổ tháp nước Hàng Đậu. Kiến trúc tháp cơ bản vẫn giữ được hiện trạng như ban đầu. Tuy nhiên, các cửa sổ ở phía dưới tầng 1 đã được bịt kín.
Vào dịp tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, tháp nước được kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và cộng sự cải tạo, tổ chức trưng bày Không gian sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu.
Là một người con Thủ đô lưu giữ nhiều ký ức về Tháp nước Hàng Đậu - chứng nhân lịch sử tồn tại hơn trăm năm tại Hà Nội, KTS Cao Thế Anh tâm sự về thuở thơ ấu, mỗi khi được bố chở đi ngang qua tháp nước Hàng Đậu, bản thân anh từng tò mò đây là gì, bên trong bốt này sẽ trông ra sao,... Chính từ những câu hỏi đó, khi biết bản thân sẽ được trực tiếp tham gia dự án cải tạo Tháp nước Hàng Đậu, anh đã xem nó như một cái duyên để trả lời cho những thắc mắc năm xưa của chính mình.
Khi khảo sát để thiết kế Pavillion, các tác giả đã nhận định Tháp nước Hàng Đậu cấu thành từ những khối hình trụ gồm các bức tường vòm tròn, tạo nên hướng đi vòng tròn vô cùng độc đáo. Tận dụng đặc điểm này, kiến trúc sư trẻ Cao Thế Anh cùng đội ngũ đã biến nơi đây thành cuộc dạo chơi đầy thú vị. Xen kẽ giữa những khoảng không gian sáng và tối, những khoảng đặc và rỗng, để mỗi lần đi qua mỗi ô vòm của tháp, người tham quan lại nhận ra những cảm xúc, sự bất ngờ khác nhau.
Lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông, trưng bày mang lại trải nghiệm không gian nghệ thuật mới lạ, sáng tạo với âm thanh và ánh sáng. Họa sĩ Nguyễn Đức Phương chia sẻ: "Đầu tiên khi chúng tôi bước vào đây như một không gian thiêng về nước. Vậy nên concept chúng tôi đưa ra là không gian về nước, nói về tầm quan trọng của nước trong đô thị".
Bên trong của Tháp nước Hàng Đậu được cấu tạo từ 8 khoang lớn phía ngoài và 4 khoang nhỏ bên trong, các tác phẩm nghệ thuật sẽ được trưng bày tại 6 khoang chính đại diện cho "lục thủy" theo quan niệm Á Đông. Lục thủy tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển.
Đặc biệt, hệ sắp đặt âm thanh tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, đánh thức mối quan hệ của con người đô thị với môi trường tự nhiên. Qua đó, các tác giả muốn truyền tải tới công chúng vai trò của nước trong cuộc sống cũng như sự gắn kết giữa con người với tự nhiên nhằm nhắc nhớ mỗi người cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Công chúng sẽ có dịp khám phá những "bí ẩn" bên trong tháp nước từ ngày 17/11 đến ngày 31/12. Đây là lần đầu tiên Tháp nước Hàng Đậu ra mắt công chúng trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Những ai yêu công trình kiến trúc độc đáo này sẽ được tận mắt chứng kiến bên trong của tòa nhà để thỏa mãn mọi sự yêu mến và tự hào.
Diệu Anh