Với vẻ đẹp linh thiêng, cổ kính, danh thắng vùng ngã ba Bạch Hạc (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) đang ngày càng thu hút du khách đến tham quan và chiêm bái. Mới đây, khu danh thắng đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận là Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ trao quyết định công nhận điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc và tặng hoa chúc mừng. Ảnh: svhttdl.phutho.gov.vn
Vẻ đẹp linh thiêng, cổ kính
Phường Bạch Hạc là nơi hợp lưu của sông Đà, sông Lô và sông Hồng vì vậy nơi đây được gọi là ngã ba Hạc. Là vùng sông nước hữu tình, nơi tụ nhân, tụ thủy, tụ khí, từ lâu ngã ba Hạc đã trở thành nơi buôn bán kinh doanh sầm uất, thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Địa bàn phường hiện có 6 cụm di tích lịch sử văn hóa có giá trị, trong đó có 1 khu di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc Gia, 5 di tích xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Theo sử sách, Đền Tam Giang đang thờ nhân vật lịch sử huyền thoại thời Hùng Vương dựng nước là thần Thổ Lệnh, ông là thần làng, thần sông Bạch Hạc đã có công chu du thiên hạ tìm phương thuốc quý chữa bệnh cho muôn dân, khi mất lại linh ứng giúp cho các tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm giữ nước. Ông đã cùng với người anh sinh cùng bọc với mình là Thạch Khanh thi bước qua sông và thắng cuộc, được Lý Thường Minh đô đốc Phong Châu đắp tượng thờ tại Thông Thanh Quán (đền Tam Giang Bạch Hạc). Nơi đây vẫn còn vết chân Thần trước đền và gót chân Thần bên Bến Gót (nay là phường Bến Gót, thành phố Việt Trì).
Khu danh thắng còn có ngôi đền thờ Đức Thánh Bà Quách A Nương, một nữ tướng tài của Hai Bà Trưng có tên hiệu là Khâu Ni công chúa, một người con của vùng quê Bạch Hạc. Bà đã hưởng ứng lời hiệu triệu của Hai Bà Trưng, cùng các chị em dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Hán giành độc lập; Thờ nhân vật lịch sử triều Trần là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, con trai thứ 6 của Trần Thái Tông đã có công thu phục chúa đạo Đà Giang trấn giữ vùng Tây bắc, lập phòng tuyến Bạch Hạc suốt 30 năm. Đến nơi đây, du khách còn được chứng kiến những màn hầu đồng kì bí, một nghi lễ tín ngưỡng nổi bật của đạo Mẫu. Du khách như bị mê hoặc bởi một không khí linh thiêng đến trọn vẹn, tất cả được trở về với bản sắc đẹp đẽ của một nét văn hóa dân gian.
Chùa Đại Bi, ngôi chùa cổ do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và cháu gái là công chúa Thiên Thụy xây dựng từ đời Trần (năm 1328) đã có gần 700 năm tuổi. Đứng trước ban Tam Bảo cùng những pho tượng cổ, du khách như bỏ lại phía sau bao lo toan, muộn phiền thế tục để nhất tâm hướng Phật. Bên thềm đá trước sân chùa, cây gạo cổ thụ sừng sững giữa đất trời, phía trước là dòng Lô cuộn chảy. Phong cảnh chốn đền Tam Giang, chùa Đại Bi thật linh thiêng giữa trời mây sông nước. Nơi đây còn có bến Tam Giang, nơi hợp lưu của ba dòng trong, dòng đục, nước sông rộng mênh mông như biển cả, xa xa tả có Tam Đảo, hữu có Ba Vì, hai bên bờ là làng mạc, ruộng.
Người dân vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục, lễ hội truyền thống gắn liền với thời kỳ đấu tranh, chống giặc ngoại xâm của ông cha như Lễ hội giã bánh Giầy tại Đền, chùa Mộ Chu Hạ (10/1 Âm lịch), Lễ hội đền Thượng Thọ (22/2 và 10/10 Âm lịch); Lễ hội bơi chải truyền thống và Lễ hội Đền Tam Giang (10/3 và 25/9 Âm lịch); Lễ hội rước kiệu cầu Đinh của Đền, chùa Lang Đài (7/1 Âm lịch); lễ rước nước thiêng tại ngã ba sông...Lễ hội là một trong những nét văn hóa đặc trưng của phường Bạch Hạc, hàng năm thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan.
Với vẻ đẹp linh thiêng, cổ kính, những năm gần đây nhiều tour du lịch đã chọn khu danh thắng này là điểm dừng chân đầu tiên của hành trình du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt.
Đền Tam Giang (Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ). Ảnh: vov2.vov.vn
Xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn
Ngày 8/5/2023, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 925/QĐ-UBND công nhận Danh thắng vùng ngã ba Bạch Hạc là điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc. Theo đó, không gian điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc được mở rộng bao gồm diện tích toàn bộ phường Bạch Hạc có diện tích 4,5 km2; phía Đông giáp với xã Bồ Sao (tỉnh Vĩnh Phúc), phía Tây giáp sông Hồng, phía Bắc giáp sông Lô, phía Nam giáp xã Cao Đại (tỉnh Vĩnh Phúc).
Bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho rằng việc công nhận Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển du lịch của vùng đất ngã ba Bạch Hạc, đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch của thành phố phát triển và từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn các dân tộc Việt Nam. Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bạch Hạc đi vào hoạt động sẽ trở thành điểm đón các đoàn du lịch khách quốc tế bằng đường sông trong hành trình thăm quan trải nghiệm tại Phú Thọ.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Phú Thọ cho biết, để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Phú Thọ đã xây dựng sản phẩm trải nghiệm "Nghi lễ rước nước Bạch Hạc, đền Tam Giang" nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tâm linh, độc đáo vùng đất Tổ. Điểm độc đáo của dự án du lịch trải nghiệm này là ngoài việc giúp cho du khách hiểu thêm về nghi lễ còn được tự tay mang nước thiêng tại ngã ba sông về nhà. Nghi lễ này được định hướng phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Thọ. Trong khuôn khổ dự án này, Trung tâm sẽ tập huấn kỹ năng nghiệp vụ du lịch, cách phục vụ du khách trải nghiệm cho người dân nơi đây. Một số hạng mục cơ sở vật chất được đầu tư, cải tạo như các không gian văn hóa, cảnh quan, bến bãi tại khu vực đền Tam Giang. Dự kiến cuối năm nay, tour du lịch "Nghi lễ rước nước Bạch Hạc" sẽ chính thức đón khách.
Theo người dân địa phương, nghi lễ rước nước Bạch Hạc từ lâu được nhiều người biết đến và ngày càng nổi tiếng nhờ phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Hàng năm du khách thập phương đến đây rất đông, đặc biệt là từ các tỉnh phía Nam để lấy nước thiêng về dùng cho các công việc hệ trọng như hàn long mạch, cải táng, làm nhà hay một số nghi lễ trong xây dựng công trình… Trước nhu cầu của người dân và du khách, việc xây dựng tour trải nghiệm "Nghi lễ rước nước Bạch Hạc" an toàn, bài bản là rất cần thiết. Khi xây dựng thành sản phẩm du lịch, lễ rước nước được tổ chức vào ban ngày để đảm bảo an toàn cho du khách, thay vì diễn ra vào ban đêm theo tục lệ cũ.
Đào An