Phát huy giá trị các khu dự trữ sinh quyển

Cập nhật: 20/11/2023
Các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên như rừng, đầm lầy và vùng biển. Nhờ việc duy trì và khôi phục các hệ sinh thái này đã giúp duy trì sự cân bằng môi trường và giảm đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra.

Hệ thực vật đa dạng tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. (Ảnh Nguyễn Đăng)

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việt Nam hiện có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích gần 4,9 triệu héc-ta (chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước), trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia).

Các khu dự trữ sinh quyển này là điều kiện không thể thiếu đối với cuộc sống của không chỉ hàng triệu người dân Việt Nam, mà còn của vô số các loài động, thực vật đặc hữu.

Do vậy, việc thúc đẩy vai trò và giá trị của các khu dự trữ sinh quyển trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt trong việc hoạch định chính sách quốc gia.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam cho biết: Sinh quyển chính là phần của trái đất có các sinh vật sinh sống, kể cả con người. Từ những loài sinh vật sống dưới đáy biển sâu đến những loài sinh vật trong không khí hoặc sâu trong lòng đất đều thuộc về sinh quyển.

Năm 1971, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra khái niệm khu dự trữ sinh quyển, nhằm công nhận và thiết lập các khu vực rộng lớn có cảnh quan thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, văn hóa cao, bao gồm trong đó các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, vùng đất ngập nước, biển, ven biển.

Lợi ích mà khu dự trữ sinh quyển mang lại là rất lớn, nhất là tác động mạnh đến môi trường sống hiện nay.

Cụ thể, khu dự trữ sinh quyển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên như rừng, đầm lầy, và vùng biển. Nhờ việc duy trì và khôi phục các hệ sinh thái này đã giúp duy trì sự cân bằng môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Đồng thời, đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn, quản lý các loài động, thực vật quý hiếm, việc này nhằm cân bằng sinh thái và ngăn chặn suy thoái của các loài quan trọng trong việc ổn định hệ sinh thái.

Khu dự trữ sinh quyển là “nơi học tập để phát triển bền vững”, nơi thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như các tương tác giữa các hệ thống sinh thái và xã hội, bao gồm việc ngăn ngừa xung đột trong công tác quản lý đa dạng sinh học.

Đây là một mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trong đó việc bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế-xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương.

Đặc biệt, khu dự trữ sinh quyển cung cấp cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương thông qua các hoạt động du lịch sinh thái, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên, tạo thêm thu nhập cho người dân ở khu vực này.

Theo Phó Cục trưởng Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Thị Thanh Nhàn: Việc quản lý hiệu quả các khu dự trữ sinh quyển thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến mới để phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm tính bền vững về mặt xã hội, văn hóa và môi trường. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực xây dựng các chính sách và khung pháp lý để tăng cường hơn nữa việc quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.

Đáng mừng, thời gian qua đã có rất nhiều sáng kiến, mô hình và những thành công bước đầu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được triển khai và nhân rộng trên khắp các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, góp phần tích cực vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Điển hình như Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp thực hiện, với mục tiêu thúc đẩy việc quản lý tổng hợp các khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới miền tây Nghệ An, Cù Lao Chàm-Hội An và Đồng Nai đã ưu tiên phục hồi được 4.000 ha rừng bị suy thoái; quản lý bền vững 60.000 ha các khu vực dành riêng (là các khu vực nằm ngoài khu bảo tồn, có giá trị cao về đa dạng sinh học).

Ngoài ra, dự án đã trực tiếp hỗ trợ để cải thiện sinh kế cho 2.500 hộ gia đình địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng sự tham gia của phụ nữ, chiếm 40% số người hưởng lợi từ các hoạt động của dự án.

Các chuyên gia lĩnh vực môi trường, đa dạng sinh học cho rằng, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc bảo vệ các khu vực dự trữ sinh quyển, nhưng việc mất môi trường sống do nhiều nơi khai thác không bền vững, nạn phá rừng, đô thị hóa và ô nhiễm môi trường đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không hề nhỏ về việc gìn giữ khu dự trữ sinh quyển.

Đáng lo ngại, sự suy giảm và mất mát đa dạng sinh học đang là một thách thức lớn tại các khu dự trữ sinh quyển; việc săn bắn trái phép, đánh bắt quá mức và môi trường sống đang bị đe dọa gây ra nguy cơ suy thoái các loài quý hiếm và đặc biệt quý hiếm.

Một số khu dự trữ sinh quyển còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, chưa thu hút được sự tham gia của cộng đồng để bảo đảm hiệu quả, bền vững những giá trị mà khu dự trữ sinh quyển mang lại.

Do vậy, để bảo vệ và phát triển các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy định và chính sách bảo vệ môi trường.

Tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý và giám sát chặt chẽ, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật bảo vệ và phát triển các khu dự trữ sinh quyển; tạo cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích đội ngũ các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân tham gia, đồng hành với chính quyền địa phương trong quản lý, bảo tồn, phục hồi, phát triển diện tích rừng nhằm phát huy tốt nhất vai trò và giá trị của khu dự trữ sinh quyển mang lại.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Trí cho rằng, việc bảo tồn thành công đa dạng sinh học, thiên nhiên tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở nước ta là cơ sở quan trọng để thu hút du khách trong phát triển du lịch.

Cùng với đó, các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng được gắn nhãn hiệu chứng nhận gắn với khu dự trữ sinh quyển sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao đời sống người dân, tạo sự phát triển hài hòa, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu...

Thái Sơn

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 19/11/2023