Chuỗi sản phẩm du lịch xanh Quảng Nam được kỳ vọng sẽ thu hút được lượng lớn du khách mê khám phá vừa trải nghiệm các sản phẩm thân thiện với sức khỏe.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho hay các sản phẩm du lịch khi an toàn, chú trọng đến sức khỏe ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng và khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn tại điểm đến.
- Là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch và đang theo định hướng du lịch xanh, theo ông, Quảng Nam đang có những lợi thế nào để thu hút du khách trong thời gian tới, đặc biệt là khách quốc tế trong giai đoạn visa đã thông thoáng?
Quảng Nam là tỉnh nằm ở trung độ của cả nước, thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng đất nổi tiếng trong bản đồ du lịch Việt Nam với hệ thống giao thông thuận lợi. Tỉnh Quảng Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, là địa phương duy nhất trên cả nước có 02 Di sản văn hóa thế giới: Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp Mỹ Sơn; có nghệ thuật Bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, 125 km bờ biển với nhiều bãi tắm nổi tiếng, Vườn quốc gia Sông Thanh, có Địa đạo Kỳ Anh - 01 trong 03 địa đạo lớn nhất nước hiện nay, có Làng cổ Lộc Yên - 01 trong 04 làng cổ của cả nước được xếp hạng di tích cấp quốc gia, có núi rừng Trường Sơn đại ngàn, đầy thơ mộng, có Sâm Ngọc Linh, là quốc bảo của Việt Nam,... Bên cạnh hệ thống di sản vật thể, tỉnh Quảng Nam còn có các loại hình văn hóa phi vật thể, các làng nghề truyền thống, các lễ hội và nhiều dự án du lịch lớn, đẳng cấp quốc tế cũng đã đưa vào hoạt động...
Du lịch xanh trong những năm gần đây đã và đang là xu hướng phát triển tất yếu của du lịch toàn cầu, ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và cộng đồng xã hội nói chung. Quảng Nam là một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc biệt là nơi có nhiều di sản văn hóa thế giới, các di tích văn hóa, lịch sử thì việc phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng “xanh hóa” là cần thiết.
Xu thế sử dụng các sản phẩm du lịch khi an toàn, chú trọng đến sức khỏe ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng và khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn tại điểm đến.
Tuy nội hàm của du lịch xanh là rất rộng, nhưng đối với Quảng Nam, chủ trương và định hướng xuyên suốt của du lịch Quảng Nam là “phát triển để bảo tồn, bảo tồn để phát triển” đã được Tỉnh ủy Quảng Nam xác định xuyên suốt từ Nghị quyết 06/NQ-TU năm 2008; Nghị quyết 08/NQ-TU năm 2016 và đến nay là Nghị quyết 13/NQ-TU ngày 20/7/2021.
Với chủ trương và định hướng đó, Quảng Nam đã và đang tập trung phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, tạo cơ hội cho việc bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững. Phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá mà phải có sự phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Đến nay, Quảng Nam là tỉnh tiên phong đi đầu về phát triển du lịch xanh, đã ban hành Bộ Tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam gồm 6 chủ thể: du lịch cộng đồng, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng, khách sạn và homestay.
Du lịch xanh Quảng Nam được xây dựng, phát triển dựa trên 03 nguyên tắc phát triển du lịch bền vững là: sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu phát triển du lịch; Hạn chế các tác động từ hoạt động du lịch đến môi trường và Ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường và gắn với lợi ích của cộng đồng.
- Tại Quảng Nam có ưu đãi đặc biệt về sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu, ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển du lịch kết hợp chữa bệnh, chữa lành tại địa phương?
Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến xu thế sử dụng các sản phẩm du lịch khi an toàn, chú trọng đến sức khỏe ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng. Đây cũng là loại hình khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn tại điểm đến, khách hàng nhìn chung có mức chi tiêu cao, chủ yếu là những người trung niên, người thu nhập cao và thường đi nghỉ dài ngày.
Quảng Nam là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch kết hợp chữa bệnh, chữa lành với hệ thống địa hình đa dạng, có 125km bờ biển với nhiều bãi biển rất đẹp và thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Đặc biệt, cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu, các suối khoáng nóng, thiên nhiên hùng vĩ… ở vùng núi phía Tây của tỉnh là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch kết hợp chữa bệnh, chữa lành.
Sâm Ngọc linh - dược liệu quý tại Quảng Nam đang tiếp cận vào thị trường khách du lịch.
Thời gian qua, hoạt động du lịch ở vùng trung du, miền núi phía Tây của tỉnh tuy có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Các sản vật, dược liệu đặc trưng gắn với những điểm đến trên khu vực này vẫn còn vô vàn sự hấp dẫn, độc đáo chờ hành trình khám phá từ du khách. Nhiều năm nay, sản phẩm du lịch tại các huyện miền núi phía Tây chủ yếu dừng ở việc tổ chức cho khách tham quan, trải nghiệm các làng truyền thống của người bản địa hoặc tour tuyến “phượt”, dã ngoại trong khi nhiều sản vật bổ ích cho sức khỏe có thể gắn với hoạt động du lịch mới chỉ chủ yếu dừng lại ở khâu quảng bá, xúc tiến.
Hiện nay, điểm du lịch gắn với vùng dược liệu nổi tiếng nhất của tỉnh là “Vườn sâm Tăk Ngo” (Nam Trà My), tuy nhiên hầu như rất ít du khách thực hiện các chuyến du ngoạn tại đây mà chủ yếu tham dự phiên chợ sâm để mua sản phẩm rồi về. Để khơi dậy tiềm năng, biến vùng nguyên liệu quý giá này thành những sản phẩm dịch vụ du lịch thì sự sáng tạo là yếu tố quan trọng.
- Xin ông chia sẻ thêm số các doanh nghiệp đang có định hướng về lĩnh vực du lịch kết hợp chữa bệnh, chữa lành tại địa phương?
Hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã và đang hình thành được một số mô hình du lịch xanh đang thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, nhiều sản phẩm du lịch xanh - kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp tại Quảng Nam đang hứa hẹn gặt hái thành công, góp phần phát triển du lịch bền vững. Có thể kể đến các mô hình như nông nghiệp hữu cơ tại làng Thanh Đông; mô hình tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống tại làng du lịch cộng đồng Gò Nổi; sản phẩm thảo mộc vì sức khỏe (chuỗi tuần hoàn từ nguyên liệu đến thành phẩm) của An Farm; sản phẩm điêu khắc quà tặng du lịch được tái chế từ rác thải biển và gỗ lụt của Coco Casa; tour du lịch xanh tuần hoàn và tái chế của Sea’lavie Boutique Resort & Spa, Emic Hospitality…
Từ vài năm nay, những người làm du lịch ở Quảng Nam đã kết nối cùng nông, ngư dân địa phương thiết kế các tour du lịch trải nghiệm, học tập từ đồng lúa, rừng dừa ra đảo với cảnh quan hữu tình, trong lành, thân thiện và tốt cho sức khỏe du khách.
Với hệ thống cảnh quan vô cùng đa dạng, Quảng Nam cũng hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để tổ chức các chương trình thể thao kết hợp trải nghiệm thiên nhiên. Sự kiện K’lang Jungle Summit dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 24/12/2023 tại huyện Tây Giang quy tụ hơn 200 vận động viên sẽ mang đến cơ hội để du khách khám phá những tuyến đường với thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo, tìm hiểu nền văn hoá Cơtu - từ việc thưởng thức ẩm thực địa phương, trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng Tây Giang hiền lành, đến việc sống trong bản sắc văn hoá độc đáo sẽ tạo ấn tượng đẹp trong mắt du khách và cũng là cơ hội quảng bá tuyệt vời cho thương hiệu du lịch sức khỏe, an toàn của Quảng Nam.
Chuỗi sản phẩm du lịch xanh Quảng Nam dần trở thành điểm đến ưa thích của du khách để vừa khám phá vừa trải nghiệm các sản phẩm thân thiện với sức khỏe; đang được kỳ vọng là hướng phát triển tiềm năng của tỉnh Quảng Nam; không chỉ thân thiện với môi trường, các mô hình này còn giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút du khách.
- Để có thể phát huy ưu thế về câu chuyện du lịch chữa lành, hiện nay tỉnh Quảng Nam đang có cơ chế hỗ trợ nào đối với các doanh nghiệp đầu tư theo lĩnh vực này, thưa ông?
Ngày 20/10/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 2270/QĐ-UBND về ban hành Đề án “Triển khai thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Theo đó, UBND tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trong đó có chú trọng giải pháp về cơ chế, chính sách; đồng thời giao các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Liên quan đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có một số nhiệm vụ sau:
Phối hợp với các Sở, Ban, ngành và địa phương lồng ghép, giới thiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh tại các chương trình, hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, hội chợ du lịch trong và ngoài nước; phát hành các tài liệu, video clip quảng bá đa ngôn ngữ về sâm Ngọc Linh và làm việc với các hãng hàng không tại Việt Nam để đưa lên tàu bay phục vụ hành khách, mở rộng việc quảng bá thương hiệu Sâm Ngọc Linh.
Xây dựng các điểm/tour du lịch/lễ hội liên quan đến cây Sâm Ngọc Linh; đăng tin sản phẩm Sâm Ngọc Linh trên các trang mạng của ngành Du lịch Quảng Nam và phần mềm du lịch thông minh của tỉnh. Đề xuất các nhiệm vụ phát triển du lịch vùng Sâm; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, văn hóa Sâm Ngọc Linh.
Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng cho người dân tại các làng du lịch vùng Sâm Ngọc Linh; tổ chức các đoàn famtrip, presstrip, Hội thảo/Hội nghị nhằm kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với vùng Sâm Ngọc Linh, tham vấn ý kiến phát triển du lịch cộng đồng. Chủ động/huy động nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ xây dựng bản sắc văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng tại vùng Sâm Ngọc Linh; quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh.
Ngoài ra, ngành du lịch đang tham mưu tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ phát triển một số điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam đến năm 2023.
Xin cảm ơn ông!
Tuấn Vỹ thực hiện