Cà Mau: Phát triển du lịch “thuận thiên”

Cập nhật: 22/11/2023
Mặc dù tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau năm 2030, song Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu (BÐKH); trong đó, du lịch là ngành trực tiếp chịu ảnh hưởng. 3 nhóm đối tượng bị tác động trực tiếp, gồm: tài nguyên du lịch; hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và hoạt động lữ hành.

Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cà Mau, cho biết: "Hiện trên địa bàn có khoảng 70% điểm du lịch sinh thái đang hoạt động dưới hình thức kết hợp giữa mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn các điểm này chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tự nhiên là hệ sinh thái rừng ngập mặn, kinh doanh hoạt động vận chuyển khách tham quan bằng phương tiện địa phương (đi vỏ lãi ra bãi bồi ngắm cảnh biển), phục vụ trải nghiệm (thu hoạch tôm, soi ba khía, câu cá...) và cung cấp ẩm thực đặc sản địa phương (hàu, cua biển, cá đồng...). Ðây là những loại hình dễ bị tổn thương do tác động của BÐKH và thiên tai".

Thời gian qua, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đón nhiều đoàn công tác trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và thực hiện nhiều dự án tái sinh rừng ngập mặn. (Trong ảnh: Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) tổ chức đoàn tham gia trải nghiệm trồng rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, tháng 10/2022. (Ảnh do Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cung cấp)

Ðơn cử tại huyện Ngọc Hiển đã xây dựng Làng Văn hoá Du lịch tại ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của người dân vùng cực Nam Tổ quốc, theo đó, có 7 hộ dân với mỗi hộ từ 7-8 ha được hướng dẫn làm du lịch phải đảm bảo: 60% trồng rừng, 40% nuôi thuỷ sản.

Ông Nguyễn Văn Nhuần, Chủ Ðiểm du lịch cộng đồng Tư Nhuần, ấp Cồn Mũi, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Nhìn chung các hộ dân đều ý thức bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan cho khách đến có nơi vui chơi, chụp ảnh; trải nghiệm các dịch vụ ở đêm soi ba khía, xổ vuông... níu giữ khách ở lâu thêm”.

Các hộ làm du lịch cộng đồng ở Làng văn hoá du lịch ấp Cồn Mũi, khai thác du lịch đảm bảo 60% trồng rừng, 40% nuôi trồng thuỷ sản. (Ảnh chụp tại Điểm du lịch cộng đồng Tư Nhuần).

Theo ông Nhuần, BÐKH đã tác động rõ rệt, mực nước mỗi năm mỗi tăng, do đó, các hộ dân nơi đây liên tục trồng rừng để bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái theo quy định. Bên cạnh đó chú trọng xử lý rác thải để tránh tổn hại đến môi trường.

Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Trường Ðại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Du lịch gắn với thích ứng BÐKH, đảm bảo môi trường và các hệ sinh thái sinh sống hiện tại và tương lai trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, tại hộ du lịch của ông Nguyễn Văn Nhuần. Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh du lịch đóng góp nhiều ý kiến, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp thích nghi, ứng phó, định hướng phát triển, khai thác sản phẩm du lịch mới, phù hợp tình hình thực tế.

PGS. TS Ðào Ngọc Cảnh, Trưởng khoa Du lịch và Quản trị nhà hàng - khách sạn, Trường Ðại học Nam Cần Thơ, cho rằng: "Cà Mau cần có chiến lược để định hướng, kết nối các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các cơ quan nghiên cứu trong nước cũng như quốc tế, thúc đẩy ngành du lịch phát triển thích ứng BÐKH. Cũng cần lưu ý sự phối hợp giữa các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) để tránh tình trạng bắt chước lẫn nhau cũng như phát triển manh mún. Ðặc biệt, vấn đề cần quan tâm nhất là Cà Mau cần giải bài toán về hạ tầng giao thông, bởi tỉnh có địa bàn xa nhất ở phía Nam. Cần nghĩ đến chuyện nâng cấp Sân bay Cà Mau, kết nối với các tỉnh, thành lớn để có những chuyến bay chuyển tiếp từ nước ngoài đến. BÐKH là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho du lịch Cà Mau. Bởi hiện nay ÐBSCL được đánh giá là 1 trong 3 đồng bằng bị tổn thương lớn nhất trên thế giới về BÐKH, trong đó Cà Mau có nguy cơ cao nhất. Do đó, thế giới rất quan tâm, vì vậy tỉnh cần phải khai thác những đặc thù để phát triển du lịch. Thực tế, phát triển du lịch cộng đồng hay du lịch sinh thái đối với khách nội địa không phải đặc biệt, nhưng khách quốc tế rất quan tâm đến ÐBSCL, một đồng bằng châu thổ lớn nhất Ðông Nam Á gắn với tình trạng BÐKH”.

Các nhân viên Vinamilk tham gia làm gần 1.000 m hàng rào đầu tiên trong gần 2.400 m hàng rào, để khoanh nuôi tái sinh rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Hoạt động thuộc Chương trình “Cánh rừng Net Zero Vinamilk” do Vinamilk và Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia khởi động dự án khoanh nuôi tái sinh rừng ngập mặn, tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, ngày 18/8/2023. (Ảnh do Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cung cấp)

Ông Ðào Ngọc Cảnh hy vọng Cà Mau sẽ có những chính sách, biện pháp thiết thực hơn để khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cũng như khuyến khích người dân làm du lịch.

Ứng phó BÐKH, doanh nghiệp (DN) du lịch không ngoài cuộc. Nhiều DN ngành du lịch đã công bố các mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050. Quan trọng hơn hết, DN du lịch cần thích ứng với BÐKH, bởi đó là nguy cơ hiện hữu. Tổn thất và thiệt hại do BÐKH dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, đòi hỏi cần có các hành động cần thiết, kịp thời.

Ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Công ty Vietravel Cà Mau, thông tin: “Thời gian qua, Tập đoàn Vietravel luôn ý thức việc này, đặt ra chương trình cốt lõi là du lịch xanh, tiến tới không dùng rác thải nhựa”. Theo đó, công ty triển khai cho tất cả nhân viên, người lao động ưu tiên sử dụng các vật dụng thân thiện môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa... Bên cạnh đó, công ty cũng triển khai cho hướng dẫn viên tư vấn, hướng dẫn khách bỏ rác đúng nơi quy định; hướng đến các tour du lịch bảo vệ môi trường...

Hiện nay, du lịch bảo vệ môi trường trở thành trào lưu của giới trẻ. Các DN du lịch, cơ sở kinh doanh, hộ du lịch cộng đồng cũng hướng đến đẩy mạnh loại hình du lịch này.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng - Du lịch Hoàng Hôn, huyện Ngọc Hiển, cho biết: "Thời gian qua, công ty tổ chức nhiều chương trình trồng cây xanh lồng ghép cho du khách tham gia dọn rác thải trên bãi biển, các cung đường, các điểm tham quan tại Ðất Mũi... góp phần nâng cao nhận thức và sự tôn trọng của du khách đối với thiên nhiên tại điểm đến. Ðặc biệt nơi đây là vùng đất cuối trời Nam, điểm đến thiêng liêng, cũng là khu rừng sinh thái ngập mặn tự nhiên của ÐBSCL".

Sản vật địa phương phong phú, đa dạng, là điểm nhấn thu hút khách tại các điểm du lịch cộng đồng ở Làng văn hoá du lịch ấp Cồn Mũi.

Những nỗ lực của DN du lịch, cơ sở kinh doanh sẽ là điều kiện tiên quyết cùng Cà Mau bảo vệ môi trường, góp phần để các điểm du lịch luôn xanh - sạch - đẹp và phát triển bền vững.

Ông Tiêu Minh Tiên kỳ vọng: “Hiện tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó BÐKH với các giải pháp cơ bản trên các lĩnh vực môi trường tự nhiên, con người, sức khoẻ cộng đồng, kinh tế - xã hội. Với những lợi thế về tự nhiên và giá trị văn hoá sẵn có đang được quan tâm gìn giữ, bảo vệ, song song với thực hiện khai thác phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tỉnh hoàn toàn có thể trở thành điểm đến nổi bật của vùng ÐBSCL, thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, dần hướng đến phát triển bền vững trong tương lai gần”./.

Băng Thanh - Hữu Nghĩa

Nguồn: Báo Cà Mau - baocamau.com.vn - Đăng ngày 21/11/2023