Giải pháp phát triển du lịch Đà Lạt (Lâm Đồng) xanh và bền vững

Cập nhật: 23/11/2023
Tháng 12/2023, UBND thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) tổ chức Tuần lễ hoạt động kỷ niệm “Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển”. Như vậy, Đà Lạt là thành phố trẻ trên cao nguyên; đến năm 2023, thành phố Đà Lạt đã tròn 130 năm tuổi. Trải qua chuỗi thời gian biết bao nhiêu thăng trầm, biến cố lịch sử, song với sự hòa quyện giữa phong cảnh thiên nhiên, kiến trúc độc đáo và lao động sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Đà Lạt đã tạo nên Đà Lạt thành phố đặc trưng bởi nhiều nét riêng có.

Đà Lạt nổi tiếng với khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Ảnh: Chính Thành

Là thành phố du lịch nổi tiếng nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành, con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Tất cả sự hòa quyện ấy đã tạo cho thành phố Đà Lạt có nhiều tính độc đáo. Đà Lạt đã trở thành một địa danh rất quen thuộc với mọi người Việt Nam và du khách quốc tế.

Đà Lạt được ghi nhận hình thành từ năm 1893 khi bác sỹ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên và từ đó, ông có ý kiến hết sức thuyết phục khi Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương đòi hỏi tìm một địa điểm vùng cao để xây dựng nơi nghỉ dưỡng. Từ đó, thành phố Đà Lạt dần dần hình thành và đã trải qua bao mốc thay đổi của lịch sử. Thời gian kiến tạo của Đà Lạt chưa dài so với nhiều thành phố khác trong cả nước, song với chuỗi thời gian ấy cộng với sự tích lũy đầy sáng tạo của con người qua các thời kỳ đã tạo nên một thành phố có tính đặc thù với nhiều tên gọi ấn tượng: thành phố Festival hoa; thành phố sương mù; thành phố ngàn hoa; thành phố ngàn thông; thành phố tình yêu; thành phố mộng mơ; thành phố trong rừng, rừng trong thành phố; thành phố di sản; thành phố ba thiên đường; thành phố môi trường; tiểu Paris ở phương đông và thành phố cảnh quan… Nhiều tên gọi từ tình cảm thân thương của người dân Đà Lạt và du khách dành cho một thành phố, điều đó cũng nói lên tính đặc thù, tính riêng và tính hiếm có của thành phố Đà Lạt so với các thành phố khác trên thế giới.

Di sản văn hóa Đà Lạt là tinh hoa hội tụ và lan tỏa 

Đà Lạt còn là nơi hội tụ, sinh sống của 20 dân tộc anh em nên có nguồn tài nguyên nhân văn mang đậm bản sắc truyền thống với nhiều phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, lễ hội văn hoá dân gian đặc sắc. Đà Lạt có thành phố Đà Lạt được biết đến với kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà gỗ, những tòa lâu đài và biệt thự thuộc thời Pháp thuộc, việc bảo tồn và khai thác kiến trúc này có thể tạo ra cơ hội du lịch chất lượng cao bằng cách khai thác bảo tồn và phát triển các công trình kiến trúc cổ và tổ chức các chương trình hướng dẫn du lịch để khách du lịch có thể khám phá và hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa Đà Lạt.

Đà Lạt có nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Ảnh: Chính Thành

Đà Lạt hiện đang sở hữu 3 di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận, đó là: Di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”; Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn” và thành phố Đà Lạt là thành phố sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc và đang xây dựng hồ sơ thành phố Đà Lạt trở thành thành phố Di sản của thế giới vào năm 2025. Toàn tỉnh có 37 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh; có 32 làng nghề (21 làng nghề truyền thống, có 14 làng nghề gắn với du lịch).

Di sản thiên nhiên Đà Lạt tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế 

Đà Lạt là thành phố diệu kỳ bởi có khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng luôn quyến rũ tình người khi mới đến; khi đến muốn khám phá bao điều, khi về mà lòng luôn lưu luyến, nhung nhớ khó quên. Có thành phố nào mà đi chỗ nào cũng thấy đẹp, cho niềm vui, đem yêu thương và cho sức khỏe mọi người; thành phố mà không gian nơi nào luôn tươi đẹp, làm say đắm biết bao giới nghệ sỹ tài năng để sáng tạo nhiều tác phẩm hay làm lay động lòng người. Nhiều bộ phim mà đạo diễn tư duy sáng tạo để có phong cảnh đẹp nhất tạo giá trị cốt lõi cho bộ phim song cảnh quan nhiều cảnh hoang sơ hơ mộng, do đó Đà Lạt được ví như đại phim trường; Đà Lạt đã làm biết bao điều trăn trở của hàng ngàn nhà nhiếp ảnh đam mê, chụp rất nhiều hình song vẫn còn thơ thẩn, lo còn thiếu; Đà Lạt là một trong ba thành phố ở Việt Nam có nhiều bài hát nhất bởi tình cảm yêu thương của các nhạc sỹ chuyên nghiệp và không chuyên dành cho Đà Lạt. Tài nguyên thiên nhiên và kiến trúc cảnh quan của Đà Lạt còn được xem là phần thưởng quý giá của bố mẹ dành cho con cái yêu thương cho đi tham quan, du lịch khi học giỏi hoặc khi công việc thành công. Đặc biệt, Langbiang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam và đầu tiên khu vực Tây Nguyên.

Đà Lạt - Thành phố Festival Hoa. Ảnh: Chính Thành

Đà Lạt được nhiều tổ chức quốc tế bình chọn nhiều giải thưởng tốt về du lịch và môi trường, điều này khẳng định Đà Lạt là thành phố hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Từ những năm hình thành đầu thế kỷ trước với mục tiêu Đà Lạt là trung tâm nghỉ dưỡng Đông Dương, sau 130 năm hình thành và phát triển, đến nay Đà Lạt đã trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế; thành phố Festival Hoa, Trung tâm di sản kiến trúc Pháp của Việt Nam và khu vực; trường cao đẳng Đà Lạt là 1 trong 1000 công trình kiến trúc đẹp nhất thế kỷ XX; Đà Lạt thành phố của ba thiên đường, Đà Lạt là thành phố thông minh… Đà Lạt là thành phố bền vững môi trường ASEAN; Đà Lạt được trang Booking.com ghi nhận đứng thứ 3 trong top 10 địa danh ngắm hoa đẹp nhất trên thế giới năm 2022; Hãng CNN của Mỹ bình chọn Đà Lạt là một trong 18 "kho báu châu Á" năm 2023; Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm được UNESCO vinh danh là Khu du lịch tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương tháng 10/2023. Đà Lạt rất vinh dự được UNESCO công nhận Đà Lạt thành phố sáng tạo toàn cầu, hiện nay Đà Lạt đang xây dựng kế hoạch triển khai theo cam kết; đồng thời quảng bá hình ảnh và công bố thành phố sáng tạo toàn cầu nhân dịp Đà Lạt 130 năm hình thành và phát triển vào tháng 12/2023 và đang hoàn tất hồ sơ để Đà Lạt trở thành thành phố di sản thế giới.

Du lịch canh nông là một trong những thế mạnh của Đà Lạt. Ảnh: Chính Thành

Có thể nói nhờ tích luỹ quá khứ sự kết hợp hài hoà, cảnh quan tự nhiên, kiến trúc cảnh quan, di sản kiến trúc, bản sắc văn hoá các dân tộc và phong cách người Đà Lạt đã trở thành “kho báu” vô cùng quý giá, hiếm có đối với Đà Lạt. Có thể nói Đà Lạt là vùng đất được sở hữu nhiều di sản văn hoá và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để khai thác các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch canh nông và du lịch hội nghị hội thảo để phát triển du lịch xanh, bền vững  hiện tại và tương lai.

Những kết quả đạt được nêu trên là nhờ sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lĩnh vực du lịch được thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức; qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của du lịch, cũng như ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh; công tác quản lý, bảo đảm môi trường tự nhiên - xã hội trong hoạt động du lịch ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; sự gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực với du lịch ngày càng rõ nét. Các doanh nghiệp du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ du khách có ý thức, trách nhiệm ngày càng cao về đạo đức kinh doanh, bảo vệ môi trường tự nhiên - xã hội ở các địa bàn du lịch, góp phần phát triển du lịch của tỉnh theo hướng bền vững; Đà Lạt luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư, nguồn nhân lực luôn chú trọng đáp ứng nhu cầu du khách chất lượng cao.

Những hạn chế cần khắc phục để phát triển du lịch xanh bền vững 

 Song song với những kết quả nêu trên, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, như:

(1). Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư du lịch để đăng ký đầu tư nhưng triển khai dự án quá chậm tiến độ, kéo dài gây lãng phí tài nguyên đất đai.

(2). Một số hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch còn manh mún, cạnh tranh chưa lành mạnh, lợi dụng công nghệ cao trong việc đặt phòng, bán đặc sản gây mất lòng tin đối với du khách.

(3). Trong thời gian qua công tác truyền thông góp phần cho Đà Lạt phát triển thu hút du khách, tuy nhiên có lúc do ảnh hưởng thời tiết gây thiên tai truyền thông quá mức làm cho du khách e ngại đến Đà Lạt trong thời gian ngắn nhất định (dịp lễ 2/9/2023).

(4). Nạn lấn chiếm đất rừng, san gạt đất trái phép làm biến dạng địa hình gây mất cảnh quan môi trường chưa quản lý triệt để.

(5). Việc phát triển nông nghiệp ứng dung công nghệ cao góp phần quan trọng phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị; tuy nhiên phát triển nhanh nhà kính không theo chuẩn và đồng bộ đã gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và xu hướng phát triển du lịch xanh.

(6). Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tuy có nhiều cố gắng, song đến nay chưa có những trung tâm hội nghị đẳng cấp quốc gia và quốc tế mang tính chuyên nghiệp cao với quy mô 1.200 -1.500 chỗ ngồi để tổ chức các chuỗi sự kiện đa ngành nhằm phát huy thế mạnh du lịch hội nghị, hội thảo...; hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông tĩnh ở Đà Lạt quá ít chưa đáp ứng yêu cầu phương tiện ngày càng tăng cả của người dân địa phương và du khách.

(7). Việc triển khai các tuyến đường tránh và bãi đỗ xe đã phê duyệt dự án thực hiện khá lâu, song đến nay nguồn lực có hạn nên chưa triễn khai, do đó trình trạng kẹt xe kéo dài vào dịp lễ, tết làm chưa hài lòng du khách.

Các giải pháp phát triển du lịch chất lượng cao hiện tại và trong tương lai 

Du lịch xanh bền vững đã trở thành một xu hướng quan trọng trong ngành du lịch hiện tại và tương lai toàn cầu, với sự tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường và khám phá các giá trị văn hóa độc đáo và tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia. Đà Lạt là đô thị nằm trên vùng Tây nguyên với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp và di sản văn hóa độc đáo, luôn luôn trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích du lịch khám phá, du lịch xanh bền vững. Do đó khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là yêu cầu tất yếu để phát triển chất lượng cao hiện tại và tương lai. Đà Lạt cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau đây:

Tiếp tục quán triệt và triển khai quyết liệt, đồng bộ NQ 18/ NQ/TU Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 một cách đồng bộ, hiệu quả.

Tiếp tục phát huy những thành quả du lịch Đà Lạt trong thời gian qua; phát huy giá trị nhân văn; tiếp tục quảng bá thương hiệu địa phương: “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, bằng nhiều hình thức; chuyển biến mạnh mẽ ngành du lịch từ số lượng sang chất lượng cao; cần chuyển từ du lịch tiêu tiền ít sang du lịch tiêu tiền nhiều, du khách từ lưu trú ít sang lưu trú nhiều.

Đà Lạt đang định hướng khai thác hiệu quả kinh tế ban đêm. Ảnh: Chính Thành

Tăng cường xúc tiến đầu tư du lịch hơn nữa giữa các vùng trong nước và các quốc gia trên thế giới; có sự kết nối trong chia sẻ sản phẩm du lịch giữa các doanh nghiệp du lịch  Đà Lạt; đa dạng hóa sản phẩm du lịch: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch canh nông, du lịch hội nghị hội thảo, du lịch sáng tạo, du lịch giáo dục, du lịch giải trí và du lịch thể thao.

Khẩn trương đồng bộ các giải pháp đầu tư như phát triển các dự án hạ tầng giao thông: dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương; mở rộng cảng hàng không quốc tế Liên Khương; triển khai hồ sơ điều chỉnh Quyết định 704/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu Đà Lạt đạt các tiêu chuẩn xanh, thông minh, trung tâm giáo dục và đào tạo, trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao… có bản sắc văn hoá là thành phố đáng sống đối với du khách và dân định cư.

Có giải pháp khai thác có hiệu quả khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, thông qua các dự án du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, nghiên cứu các điểm du lịch trải nghiệm. Song song với cách thu hút du khách như trong thời gian qua, trong tương lai Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cần nghiên cứu tạo ra các sản phẩm du lịch theo đặt hàng, thời gian tham quan phải đặt hàng trước và là tour du lịch có giá cao nhất Đà Lạt và Việt Nam, vì đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam và là đầu tiên của khu vực Tây Nguyên, khai thác giá trị tương xứng là trung tâm đa dạng sinh học quốc gia và quốc tế.

Có giải pháp thu hút đầu tư đồng bộ các dự án công nghiệp văn hóa, đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật, thiết kế, điện ảnh và âm nhạc… đây là lĩnh vực sẽ phát triển mạnh trong tương lai mà Đà Lạt có rất nhiều lợi thế song trong thời gian qua chưa được khai thác tương xứng. Thông qua ngoại giao Đà Lạt chủ động đăng cai các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch quốc gia, khu vực và quốc tế để quảng bá thương hiệu Đà Lạt và phát triển du lịch xanh bền vững; quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch.   

Có giải pháp đồng bộ, khoa học và hiệu quả thực hiện các giải pháp kinh tế ban đêm nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách khi đến Đà Lạt. Mở rộng hình thức hợp tác công tư để phát triển du lịch chất lượng cao ở Đà Lạt, cần có sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương. Đà Lạt có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ và quy định về du lịch chất lượng cao; các doanh nghiệp du lịch có thể đầu tư vào các dự án phát triển du lịch chất lượng cao, và cộng đồng địa phương có thể tham gia vào quá trình quảng bá và quản lý du lịch chất lượng cao ở phạm vi quốc gia và quốc tế.

Thu hút các dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao toàn cầu về du lịch như mô hình Thụy Sĩ; hình thành Học viện đào tạo CEO về du lịch quốc tế để tuyển sinh đào tạo học viên toàn cầu chuyên sâu về du lịch, bởi vì trên thế giới có loại hình du lịch nào thì  Đà Lạt có cũng khả năng đáp ứng các loại hình du lịch đó, trừ du lịch biển - Học viện sẽ phối hợp trải nghiệm thực tế ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hoặc Bình Thuận sẽ đáp ứng tất cả loại hình du lịch cho CEO toàn cầu.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và du khách đối với giá trị cảnh quan môi trường của Đà Lạt; tổ chức trồng cây cảnh quan nhiều hơn nữa trong những năm tới; quyết tâm không để người dân lấn chiếm đất rừng, san gạt đất trái phép làm biến dạng địa hình gây mất cảnh quan môi trường, quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, tuyệt đối không để gây sạt lở đất trong mùa mưa bão. Tiếp tục chỉnh trang đô thị đáp ứng yêu cầu mới, tổ chức trồng hoa và cây cảnh quan ở công sở và ở mỗi gia đình nhiều hơn nữa; tổ chức thực hiện đề án quản lý nhà kính trong nông nghiệp nhằm đảm bảo cảnh quan đô thị.

Cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về du lịch xanh bền vững; các chương trình giáo dục có thể được tổ chức phong phú đa dạng bằng nhiều hình thức để mỗi người dân Đà Lạt là một đại sứ du lịch để giới thiệu những nét độc đáo riêng có về du lịch xanh và khuyến khích du khách thực hiện các hành động bảo vệ danh lam thắng cảnh, di sản văn hoá và môi trường thiên nhiên khi tham gia vào các hoạt động du lịch ở Đà Lạt trong thời gian tới.

Cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch Đà Lạt xanh và bền vững. Ảnh: Chính Thành

Có thể nói, Đà Lạt là vùng đất được sở hữu nhiều di sản văn hoá và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để khai thác các loại hình du lịch chất lượng cao như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch canh nông và du lịch hội nghị hội thảo để phát triển du lịch xanh, bền vững hiện tại và tương lai. Khai thác giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là một cách hiệu quả để phát triển du lịch xanh bền vững ở Đà Lạt. Việc bảo tồn và khai thác di sản văn hoá và thiên nhiên không chỉ giúp tạo ra thu nhập cho cộng đồng địa phương mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy nhận thức về bảo tồn bền vững. Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch xanh ở Đà Lạt. Thông qua việc khai thác hợp lý và bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, Đà Lạt trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách và đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương hiện tại và tương lai.

Phạm S

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 22/11/2023