Phục hồi sinh cảnh cho các loài động vật hoang dã quý hiếm

Cập nhật: 23/11/2023
Hàng loạt các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng và các loài ưu tiên bảo vệ di cư như Voi, Sao la, Mang trường sơn, Thỏ vằn trường sơn, Rùa trung bộ, Rùa hộp trán vàng miền Trung, Gà lôi lam mào trắng, Sếu đầu đỏ, Cò mỏ thìa, các loài linh trưởng nguy cấp sẽ được ưu tiên phục hồi sinh cảnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa báo cáo Thủ tướng về việc ban hành Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (gọi tắt là UTBV) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Bộ TNMT, Chương trình đề ra mục tiêu bảo tồn hiệu quả các loài UTBV: đảm bảo không có thêm loài UTBV bị tuyệt chủng, cải thiện tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài UTBV; bảo tồn và phục hồi sinh cảnh sống của các loài UTBV. 

Chương trình cũng sẽ gia tăng số loài UTBV được gây nuôi bảo tồn và tái thả về tự nhiên để phục hồi quần thể. Năm 2030, đảm bảo ít nhất 3 loài được gây nuôi bảo tồn và tái thả lại tự nhiên. 100 % các loài UTBV có phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực đa dạng sinh học cao và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, Chương trình sẽ hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo tồn loài UTBV; tăng cường năng lực quản lý nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu các nguy cơ, mối đe dọa và tác động tiêu cực đến quần thể loài UTBV và sinh cảnh sống của chúng.

Hàng loạt các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng và các loài ưu tiên bảo vệ di cư sẽ được ưu tiên phục hồi sinh cảnh trong thời gian tới.

Chương trình đề ra 4 nhóm nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá tình trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu các loài UTBV; Mở rộng và nâng cao hiệu quả biện pháp bảo tồn tại chỗ các loài UTBV; Thực hiện bảo tồn chuyển chỗ đối với các loài UTBV; Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực tới các loài UTBV.

Trong đó, Bộ TNMT đề xuất triển khai các biện pháp bảo tồn các loài UTBV tại các khu bảo tồn thiên nhiên; tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá và thúc đẩy việc thành lập các khu bảo tồn loài - sinh cảnh theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khảo sát, đánh giá và triển khai các biện pháp, mô hình bảo tồn hiệu quả tại các khu vực có sinh cảnh sống của loài UTBV, khu vực là đường bay của chim hoang dã di cư nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Các cơ quan liên quan sẽ đánh giá tình trạng và đề xuất các giải pháp phục hồi sinh cảnh và nguồn thức ăn cho các loài UTBV tại các khu bảo tồn thiên nhiên và ngoài khu bảo tồn thiên nhiên; ưu tiên phục hồi các sinh cảnh của các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng và các loài UTBV di cư. Đồng thời, thiết lập các hành lang đa dạng sinh học tại các khu vực ưu tiên theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để kết nối các khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng, mở rộng sinh cảnh sống của các loài UTBV.

Để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, Dự thảo Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương (kiểm lâm, công an, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, kiểm dịch động vật, cảnh sát biển, tài nguyên và môi trường) và liên vùng trong việc thực thi pháp luật liên quan đến các loài UTBV. Các hoạt động bao gồm: phòng chống và ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, quảng cáo và tiêu thụ trái phép loài và các sản phẩm của loài UTBV, dụng cụ săn bắt, bẫy, bắn động vật hoang dã; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp, các cơ chế trao đổi thông tin, hình thành các đường dây nóng tiếp nhận các tin tức thông báo về các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ loài UTBV.

Theo Dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình, trong giai đoạn từ năm 2024 – 2030, Bộ TNMT sẽ chủ trì, phối hợp cùng Bộ NNPTNT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý (BQL) các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; các cơ quan nghiên cứu, trường đại học; các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế thực hiện 6 đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên đầu tư.

Cụ thể: Điều tra, đánh giá tình trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài UTBV. Quan trắc, giám sát các loài UTBV tại các Khu bảo tồn thiên nhiên. Tăng cường năng lực quản lý, bảo tồn các loài UTBV. Xây dựng và triển khai mô hình bảo tồn tại chỗ các loài UTBV. Nghiên cứu thí điểm việc nhân nuôi, tái thả phục hồi quần thể các loài UTBV bị đe dọa tuyệt chủng. Xây dựng các kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo tồn các loài UTBV có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng của các loài động vật, thực vật hoang dã ngoài tự nhiên tại Việt Nam là việc mất đi sinh cảnh, không gian sinh tồn. Ảnh: BQN. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam là một trong 16 quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Trong khoảng thời gian gần 3 thập kỷ qua, mặc dù các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường đã được thực hiện ngày càng sâu rộng, nhưng trên thực tế đa dạng sinh học vẫn không ngừng bị suy giảm. Thậm chí, nhiều loài động vật, thực vật, nhất là các loài quý, hiếm như tê giác, hổ đã trở nên tuyệt chủng ngoài tự nhiên hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm nghiêm trọng của các loài động vật, thực vật hoang dã ngoài tự nhiên tại Việt Nam là việc mất đi sinh cảnh, không gian sinh tồn cũng như do việc săn bắt, buôn bán và tiêu thụ không bền vững các sản phẩm từ động vật hoang dã quý, hiếm như: Sừng tê giác, ngà voi, vảy têtê, cao hổ, mật gấu, đặc biệt là các loài chim di cư. Là một trong những thành viên của các công ước quốc tế về bảo tồn loài và đa dạng sinh học, Việt Nam luôn chủ trương theo sát xu hướng thế giới, nắm bắt yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học theo từng giai đoạn.

Chính vì vậy, trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học là tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 đặt ra mục tiêu cải thiện tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030. Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt ra nhiệm vụ Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư được xếp vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đó “chú trọng công tác bảo tồn tại chỗ, nghiên cứu gây nuôi bảo tồn và tái thả vào tự nhiên một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quản lý, bảo vệ các loài hoang dã di cư, bao gồm bảo vệ các sinh cảnh, tuyến di cư xuyên biên giới và điểm dừng chân của chúng” tiếp tục được nhấn mạnh như một hướng đi quan trọng và cần nỗ lực liên tục trong dài hạn để bảo tồn các loài nguy cấp của Việt Nam.

Để thực hiện chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh các giải pháp và hành động bảo tồn loài của Việt Nam trong thời gian tới: “Kết hợp hiệu quả công tác bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ đối với các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; từng bước tiếp cận và áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến của quốc tế phù hợp với điệu kiện thực tế của Việt Nam”. Các biện pháp bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ là những hành động được ưu tiên thực hiện đồng bộ, song song với các biện pháp giảm các mối đe dọa đối với loài.  

Đối với bảo tồn tại chỗ các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ, Việt Nam tập trung bảo vệ thông qua phục hồi sinh cảnh và nguồn thức ăn cho các loài, áp dụng các biện pháp bảo tồn hiệu quả tại các khu vực phân bố của loài ưu tiên bảo vệ nằm ngoài khu bảo tồn. Đối với phương pháp bảo tồn chuyển chỗ các loài nhằm hỗ trợ cho bảo tồn và phục hồi quần thể loài trong tự nhiên, Việt Nam sẽ thông qua hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện nhân nuôi bảo tồn để tái thả lại tự nhiên các loài động vật và ươm nhân giống trồng phục hồi trong tự nhiên các loài thực vật.

Trong nỗ lực cứu hộ, bảo tồn các loài động vật hoang dã, ngày 17/11 vừa qua, tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Tổ chức Động vật châu Á phối hợp với Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức khánh thành giai đoạn 1 Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bạch Mã. Qua hơn một năm xây dựng Giai đoạn 1, Trung tâm đã hoàn thiện khu cơ sở vật chất gồm bệnh viện gấu, khu cách ly tạm thời, hai nhà gấu đôi và bốn khu bán tự nhiên, qua đó góp phần giải quyết tình trạng thiếu cơ sở chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã do người dân tự nguyện trao trả, do tịch thu hoặc xử lý các vụ án, vụ việc vi phạm.

Hiện tại, Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bạch Mã đã tiếp nhận 3 cá thể gấu đến chăm sóc và tạo điều kiện phục hồi sức khỏe, được tự do vận động cơ thể và tìm kiếm thức ăn, nhằm khôi phục dần những bản năng tự nhiên đã bị thoái hóa từ lâu.

Nguyễn Mai

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 23/11/2023