Hà Nội: “Đánh thức” du lịch Ba Vì

Cập nhật: 24/11/2023
Ngày 22/11, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với huyện Ba Vì tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”.

Đoàn khảo sát do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tại huyện Ba Vì vào ngày 22/11.

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 53 km, huyện Ba Vì có nhiều điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, tự nhiên với hệ thống núi, rừng, sông hồ, nguồn nước khoáng nóng Thuần Mỹ.

Bên cạnh đó, khu vực Ba Vì còn có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh khi tại đây có khoảng 300 di tích lịch sử, văn hóa như: Đền thờ Bác Hồ, đền Thượng, đền Trung và những ngôi đình có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam như: Đình Tây Đằng, Thuỵ Phiêu, Thanh Lũng...

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu thông tin, sự phát triển du lịch đã đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Dự kiến từ nay đến năm 2025, tỷ trọng dịch vụ - du lịch sẽ đạt 55 - 60% trong cơ cấu kinh tế huyện.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, Ba Vì là địa điểm được nhiều du khách tìm đến vào cuối tuần với những sản phẩm mới như: Du lịch chăm sóc sức khỏe; tắm thảo dược; nghỉ dưỡng tại Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà Resort, Melia Resort; thăm vườn hoa hồng tại Paragon Resort; du lịch nông nghiệp; du lịch văn hóa - tâm linh tại các xã Vân Hòa, Yên Bài, Ba Vì, Ba Trại, Cổ Đô, Minh Quang...

Du khách tham quan vườn chè.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá, mặc dù có nhiều tiềm năng lớn, đã có những sản phẩm du lịch mới nhưng du lịch Ba Vì vẫn chưa “cất cánh”. Hạ tầng kết nối du lịch chủ yếu ở quy mô nhỏ nên khó khăn trong việc vận chuyển du khách.

Đặc biệt, Ba Vì chưa có quy hoạch mang tính chiến lược tổng thể nên vẫn xảy ra tình trạng “mạnh ai người nấy làm”, thiếu kết nối giữa các tuyến, các điểm du lịch và đơn vị lữ hành… Khách trong và ngoài nước chủ yếu vẫn đi du lịch Ba Vì theo hình thức khám phá tự túc.

Để khắc phục những bất cập, giúp du lịch Ba Vì có thể phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế, các chuyên gia cho rằng, thành phố Hà Nội nói chung, Ba Vì nói riêng nên có chính sách huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là đầu tư giao thông; nâng cấp những điểm di tích, danh thắng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm.

Ngoài ra, Ba Vì cần triển khai đưa công nghệ thông tin, cung cấp mạng wifi miễn phí tại các điểm du lịch; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cửa hàng giới thiệu đặc sản quê hương tại các khu du lịch; nên chú trọng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch chăm sóc sức khỏe, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường và Dao...

Hoàng Lân

Nguồn: Báo Hà Nội Mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 22/11/2023