Mở ra hướng du lịch sinh thái núi rừng tại Khánh Sơn - Khánh Hòa

Cập nhật: 24/11/2023
Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mát mẻ quanh năm. Dựa trên những lợi thế có sẵn, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy du lịch của địa phương.

Biển mây trên đỉnh đèo Ba Cụm, huyện Khánh Sơn trôi mờ ảo vào lúc 7 giờ sáng. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Phát triển thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng

Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có định hướng phát triển Khánh Sơn thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng. Định hướng này được thể hiện rõ trong Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở này, huyện Khánh Sơn triển khai các hoạt động nhằm phát triển tối đa lợi thế có sẵn như văn hóa truyền thống, tạo động lực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội bền vững.

Đặc điểm của du lịch Khánh Sơn hiện nay chủ yếu theo hình thức tự túc, du lịch dưới các dạng sinh thái, mạo hiểm, trải nghiệm tự nhiên, du lịch văn hóa, lễ hội và tham quan các di tích. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ được khách du lịch tự đi dưới hình thức nhỏ, chưa tạo nguồn thu lớn, mặc dù tiềm năng lợi thế của huyện còn có thể khai thác.

Để phát triển du lịch thành lĩnh vực tạo nên điểm đột phá cho kinh tế của địa phương, huyện Khánh Sơn dựa trên những lợi thế có sẵn, phát triển các ưu điểm, đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút 22.000 lượt du khách, tổng doanh thu ước đạt 23 tỷ đồng; đồng thời, khuyến khích người dân phát triển homestay, với khoảng 100 phòng lưu trú. Huyện đang tập trung liên kết, hỗ trợ các nhà vườn tham gia du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống người đồng bào Raglai; tập trung hoàn thành dự án trạm dừng chân ở khu vực đỉnh đèo; nâng cấp, hoàn thiện các hạng mục cảnh quan sinh thái của Cây Da (xã Ba Cụm Bắc); cải tạo vườn thông xã Sơn Hiệp, Sơn Bình. Bên cạnh đó, huyện triển khai liên kết phát triển các tuyến du lịch: Khánh Sơn - Ninh Thuận - Đà Lạt; Đà Lạt - Khánh Sơn - Cam Ranh - Nha Trang. Đối với các sản phẩm du lịch, địa phương sẽ tập trung phục dựng một vài lễ hội truyền thống của người Raglai để gắn bảo tồn, phát triển du lịch; tổ chức lễ hội trái cây Khánh Sơn…

Đến năm 2030, Khánh Sơn đặt mục tiêu thu hút 45.000 lượt khách du lịch, trong đó có 6% khách quốc tế; thúc đẩy phát triển cơ sở lưu trú, với khoảng 570 phòng lưu trú cho khách. Về các nhiệm vụ cụ thể, huyện phấn đấu xây dựng 3 - 5 điểm du lịch sinh thái mới, tạo điểm nhấn hấp dẫn cho du khách qua từng năm. Huyện cũng đẩy mạnh, đưa vào hoạt động điểm du lịch sinh thái Tà Gụ và tuyến du lịch trekking Tà Giang; liên kết phát triển các tuyến du lịch: Nha Trang - Khánh Vĩnh - Khánh Sơn, Nha Trang - Khánh Sơn, Cam Ranh - Cam Lâm - Khánh Sơn; phát triển các tuyến: Khánh Sơn - Ninh Thuận - Đà Lạt; Đà Lạt - Khánh Sơn - Cam Ranh - Nha Trang. Bên cạnh đó, huyện chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi rừng gắn liền với phát triển văn hóa du lịch cộng đồng, các làng nghề truyền thống, giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch nông nghiệp đặc trưng…

Du khách thích thú chụp ảnh mây trên đỉnh đèo Ba Cụm, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư du lịch

Trước xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa với hội nhập quốc tế hiện nay, du lịch ở địa phương muốn phát triển cần phải tiếp thu, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường đầu tư, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Mới đây, UBND huyện Khánh Sơn tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch năm 2023 nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa, nhà đầu tư trong hoạt động kinh doanh du lịch, đề xuất các giải pháp hợp tác phát triển, xây dựng các tour tuyến, liên kết phát triển du lịch giữa huyện với các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội , thời gian tới cần sự chung tay, góp sức của các nhà đầu tư cho huyện Khánh Sơn nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung.

Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, huyện Khánh Sơn đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm mời gọi, hỗ trợ doanh nghiệp, ưu đãi cho các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các dự án du lịch có quy mô lớn; tăng cường tham gia các hoạt động kết nối, hợp tác với các huyện trong tỉnh và một số địa phương trong nước, như: Đà Lạt (Lâm Đồng), Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... - ông Cao Minh Vỹ cho hay.

Theo ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, địa phương có môi trường sinh thái rừng đa dạng với địa hình đồi núi và hệ thống sông suối, nguồn tài nguyên còn nguyên sơ, cùng với đó là nền văn hóa bản địa hấp dẫn, những danh thắng tự nhiên độc đáo, di tích lịch sử cách mạng ý nghĩa.

Địa bàn huyện có nhiều điểm du lịch nổi tiếng: Thác Tà Gụ (còn có tên gọi là Thác Ngà Voi, Đá Đứng), cao khoảng 40m, gắn liền với truyền thuyết dân gian đặc sắc của dân tộc Raglai; thác Dốc Quy, thác Lavan, cao nguyên Tà Giang, thung lũng Tô Hạp, di chỉ khảo cổ học Dốc Gạo... Đặc biệt, nền văn hóa Raglai đậm đà bản sắc dân tộc, có bề dày văn hóa truyền thống được thể hiện qua bộ “Đàn đá Khánh Sơn” và “Văn hóa Cồng chiêng”. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Khánh Sơn từng là căn cứ cách mạng với những mặt trận ác liệt như: trận chiến Thiên Đầu Thủy tháng 6/1963 diễn ra tại căn cứ Suối Giá xã Ba Cụm Bắc, trận Xóm Cỏ, Tô Hạp và sân bay Tà Nĩa…

Khánh Sơn có nhiều loại lâm sản, đặc sản có giá trị, đặc biệt có hương cây Tô Hạp được dùng làm thuốc để chữa bệnh (phong thấp, đường hô hấp, trị bệnh viêm da…), nhựa thông ba lá (loại cây mọc thành rừng ở Khánh Sơn). Nhờ điều kiện thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Khánh Sơn về khí hậu, đất đai nên thích hợp cho các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như: bưởi da xanh, măng cụt, mía tím, chôm chôm, mít nghệ... Đặc biệt, phải kể đến sầu riêng Khánh Sơn đã có thương hiệu trên thị trường và gần đây trở thành cây chủ lực giúp huyện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đem lại một đời sống ấm no hơn cho cộng đồng dân cư.

Với những nỗ lực lớn, địa phương từng bước hiện thực hóa chương trình phát triển du lịch, giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Khánh Sơn đến du khách gần xa, ông Đinh Văn Dũng thông tin.

Huyện Khánh Sơn có tổng diện tích trên 33.853 ha, dân số toàn huyện là 27.021 người, với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đại đa số là đồng bào Raglai (khoảng 70,57%), dân tộc Kinh (28,45%), còn lại là các dân tộc thiểu số khác, như: Tày, Thái, Nùng, Ê đê, Thổ, Hoa, Chăm... (0,98%).

Phan Sáu

Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - dantocmiennui.vn - Đăng ngày 22/11/2023