Cà Mau: Du lịch bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu

Cập nhật: 28/11/2023
Phát triển du lịch bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu là hướng đi chủ đạo của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, trong đó chú trọng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí kết hợp trải nghiệm.

Khu du lịch Hương Tràm - U Minh là Điểm đến cộng đồng sinh thái hấp dẫn tại Cà Mau

Trong định hướng phát triển, Cà Mau xác định phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, du lịch bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Trong đó, sản phẩm du lịch trọng tâm mang tính cạnh tranh là du lịch địa lý; du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái gắn với hệ thống rừng ngập và du lịch nông nghiệp.

Phát triển kinh tế xanh, du lịch bền vững

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt Đề án Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.458 tỉ đồng, trong đó có 1.400 tỉ đồng vốn xã hội hóa. Mục tiêu của Đề án là hướng tới phát triển bền vững, gắn với việc bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm và đa dạng sinh học của vùng đất U Minh Hạ; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 70% điểm du lịch sinh thái đang hoạt động dưới hình thức kết hợp giữa mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, hướng khách du lịch đến các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên, đặc biệt là cuộc sống của cộng đồng người dân địa phương, đồng thời đảm bảo tính nghiêm ngặt về sự nguyên vẹn của đời sống văn hóa cộng đồng và môi trường. Hiện có nhiều tour tuyến khai thác du lịch của tỉnh được đầu tư nâng cấp như tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau (trải nghiệm, khám phá rừng nguyên sinh, bãi bồi lấn biển thêm rừng, nơi sinh sản của các loài thuỷ sản nước mặn...); triển khai thực hiện Ðề án Làng Văn hóa du lịch Ðất Mũi; khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn Quốc gia U Minh Hạ gắn với trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân dưới tán rừng, tìm hiểu nghề gác kèo ong, kinh nghiệm đi rừng, khai thác sản vật...

Theo ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau, ngành Du lịch của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng so với tiềm năng hiện có thì kết quả chưa được như mong muốn, chưa tương xứng với thế mạnh sẵn có, cần nhanh chóng xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng một cách tổng thể, từ việc đánh giá tài nguyên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thị trường cho đến xúc tiến, quảng bá du lịch mang tính chuyên nghiệp, phát triển gắn liền với bền vững. Du lịch sinh thái cộng đồng đã và đang hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn sự quan tâm đối với du khách, đặc biệt là thị trường khách quốc tế, nếu có sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, Sở, ngành, chính quyền địa phương, nhà đầu tư và cả cộng đồng.

Du lịch sinh thái gắn với thích ứng biến đổi khí hậu

Vừa qua, tại Khu du lịch cộng đồng Nguyễn Văn Nhuần, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở VHTTDL Cà Mau, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Du lịch gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo môi trường và các hệ sinh thái sinh sống hiện tại và tương lai trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Cà Mau là tỉnh địa đầu cực Nam của Tổ quốc có ba mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển khoảng 254 km, được thiên nhiên ưu ái hệ sinh thái phong phú và đa dạng về văn hóa. Phát triển du lịch sinh thái dưới hình thức kết hợp giữa mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng với mục tiêu hướng khách du lịch đến hoạt động trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập đang là hướng đi của tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, phần lớn các điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại Cà Mau chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tự nhiên là hệ sinh thái rừng ngập, kinh doanh hoạt động vận chuyển khách tham quan bằng phương tiện địa phương (đi vỏ lãi ra bãi bồi ngắm cảnh biển), phục vụ trải nghiệm (thu hoạch tôm, soi ba khía, câu cá…) và cung cấp ẩm thực đặc sản địa phương (hàu, cua biển, cá đồng,…). Đây là những loại hình dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.

Ngoài ra, các vấn đề của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, bão, lũ, hạn hán thất thường… gây hư hại kiến trúc và cảnh quan nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh. Hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động dịch vụ du lịch (nhà cửa, đường sá, cầu cống, bến tàu,…) cũng bị hư hỏng hoặc xuống cấp dưới tác động của sạt lở, xói mòn và thay đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm. Sạt lở thường xảy ra ở vùng ven sông, cửa biển đe doạ an toàn hoạt động giao thông thuỷ. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý điểm đến, cộng đồng người dân của tỉnh Cà Mau cần tiếp tục nhận diện, đo lường và dự báo những kịch bản ứng phó tác động biến đổi khí hậu trong chiến lược phát triển ngành Du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Hội thảo nói trên, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, các đơn vị kinh doanh du lịch đóng góp nhiều ý kiến sát thực, phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp: Có cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho ngành du lịch; đầu tư các giải pháp phòng chống thiên tai, thích ứng với lũ lụt, hạn hán, sạt lở, nhất là tại các địa phương ven biển, cửa sông; xây dựng kế hoạch ứng phó hoặc định hướng phát triển sản phẩm mới thích ứng biến đổi khí hậu của ngành du lịch trong không gian thống nhất với các lĩnh vực, ngành nghề khác có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai thực hiện; nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đối với cộng đồng dân cư, nhất là cư dân vùng ven biển và các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, phụ nữ và trẻ em; dự đoán các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tính toán các ảnh hưởng, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu …

Trên thực tế, không riêng gì Cà Mau mà đối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, phát triển kinh tế xanh, du lịch bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu là nhiệm vụ sống còn. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững sẽ giúp cho người nông dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ, nền kinh tế sẽ phát triển có tính ổn định và bền vững. Đây có thể xem là định hướng giải quyết được bài toán phát triển kinh tế phù hợp với thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam hiện nay.

Hoàng Long

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 27/11/2023