Thời gian qua, tận dụng nguyên liệu bèo lục bình sẵn có người dân thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã sử dụng chính loại cây này để đan rổ, rá, khay, túi xách… làm thành sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ góp phần tạo việc làm cải thiện thu nhập.
Lục bình còn gọi là lộc bình, phù bình, bèo Nhật Bản, hoặc là bèo tây có tên khoa học là Eichornia, loài thực vật thuỷ sinh thân thảo, sống nổi theo dòng nước. Lục bình được du nhập vào Việt Nam vào những năm 1905 và được lan rộng ra nhiều nơi. Năm 2018 Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) nhận thấy nghề đan bèo lục bình có thể phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao giúp giải quyết trình trạng nông nhàn khi mùa vụ kết thúc cho người dân nên đã phối hợp với phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã mở lớp tập huấn cho các chi hội phụ nữ của các phường, xã trên địa bàn về nghề đan lục bình thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường. Cho đến hiện nay mô hình này đã nhân rộng tại 11 xã, phường của thị xã như Quảng Sơn, Quảng Văn, Quảng Phúc, Quảng Hải, Quảng Minh…
Nghề đan bèo lục bình góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Lan Chi.
Theo người dân nơi đây nghề đan lục bình không đòi hỏi vốn ban đầu quá lớn, có thể mua nguyên liệu ở các đại lý có sẵn hoặc chịu khó đi thu gom bèo tại các ao, hồ và phải chọn cây bèo có độ dài 30-50cm thì khi đan mới đẹp. Sau đó, chọn hôm trời nắng, phơi khô, căn cứ vào hình dạng từng loại sản phẩm mới định hình để đan theo ý muốn. Các công đoạn để tạo thành phẩm gia dụng như rổ, rá, khay, túi xách… cũng không quá phức tạp chỉ cần khéo léo và chăm chỉ một chút là đã có thể ra cho ra sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hiên sinh sống tại xã Quảng Minh, TX.Ba Đồn chia sẻ: Nhờ có nghề đan lục bình này mà cả gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định. Mặc dù nghề mới nhưng hầu hết chị em phụ nữ yêu thích và quyết tâm sẽ gắn bó với nghề lâu dài. Cũng theo chị Phạm Thị Hoa, tại TX. Ba Đồn cho biết: Tận dụng thời gian nông nhàn tôi đã tham gia mô hình đan bèo lục bình và bước đầu thấy hiệu quả kinh tế đem lại ổn định, không phải lo lắng nhiều về đầu ra sản phẩm, công việc nhẹ nhàng, phù hợp với mọi lứa tuổi lao động. Trung bình 1kg bèo khô lấy từ đại lý thu mua có giá hơn 21.000 đồng, tôi đan được 7 sản phẩm mỗi ngày, bán sĩ cho các đại lý thu mua. Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng.
Đại diện Hội LHPN xã Quảng Sơn cho biết mô hình đan bèo lục bình được triển khai nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ xã, vì vậy được nhiều chị em hưởng ứng. Thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng mô hình ra toàn xã nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ, đồng thời tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các chị em, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Theo bà Trần Thị Hường, Chủ tịch hội LHPN thị xã Ba Đồn mô hình đan giỏ bèo lục bình khá phù hợp với chị em hội viên ở mọi lứa tuổi do công việc nhẹ nhàng, có thể tranh thủ thời gian rỗi trong ngày để làm. Nghề này đang trở thành chủ lực kinh tế của nhiều hộ gia đình, giải quyết cơ bản trình trạng nông nhàn cho chị em khi mùa vụ kết thúc. Bà cho biết thời gian tới, hội LHPN sẽ tiếp tục giới thiệu đến các chi hội khác trên đia bàn nhằm tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ cho lao động, tăng thêm thu nhập, cải thiên đời sống cho bà con trên địa bàn toàn thị xã.
Hoàng Nguyễn