Với việc triển khai nhiều loại hình giao thông mới, Hà Nội đang từng bước thực hiện xanh hóa phương tiện giao thông công cộng. Trong đó, việc đưa xe đạp công cộng vào hoạt động đang được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng góp phần hình thành một hệ sinh thái của giao thông xanh.
Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội, đến tháng 11/2023 thành phố Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó có 1,2 triệu xe ô tô, 0,2 triệu xe điện và 6,7 triệu xe máy. Mỗi năm thành phố Hà Nội tăng khoảng 390.0000 phương tiện giao thông, chủ yếu là loại phương tiện sử dụng nhiên liệu khí đốt xả thải ra môi trường. Trong những năm gần đây tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng phức tạp. Trong đó hoạt động giao thông của của xe máy và ô tô chiếm khoảng 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại thành phố Hà Nội.
Theo các chuyên gia môi trường, để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, việc phát triển giao thông xanh là rất cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén. Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô-tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG, xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió... chính là tham gia giao thông xanh, bảo đảm môi trường.
Không chỉ góp phần giảm phát thải ra môi trường, dịch vụ xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối hiệu quả giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như tàu điện, xe buýt…
Ra mắt từ tháng 8/2023 dịch vụ xe đạp công cộng đã nhanh chóng thu hút người dân sử dụng và trải nghiệm. Dù triển khai sau TP. HCM, Hải Phòng hay Đà Nẵng, tuy nhiên tại Hà Nội số người sử dụng xe đạp công cộng lại nhiều hơn cả. Không chỉ góp phần giảm phát thải ra môi trường, dịch vụ xe đạp công cộng còn trở thành phương tiện kết nối hiệu quả giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như tàu điện, xe buýt…
Theo thông tin từ lãnh đạo của Tập đoàn Trí Nam, hiện tại ở Hà Nội đã có 118.998 khách hàng đăng ký app với tổng số giờ thuê xe là 142.845 giờ. Đa số khách hàng sử dụng với mục đích tham quan, giải trí, mua sắm chiếm 38,8%. Đơn vị này cũng nhận được nhiều phản hồi tốt từ khách hàng, mong muốn mở rộng trạm xe ở các quận lân cận như Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm…Sau hơn 2 tháng hoạt động, xe đạp công cộng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân.
Để giải quyết bài toán về việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì xe đạp công cộng là lời giải hữu hiệu cho những cung đường ngắn. Việc sử dụng xe đạp công cộng được đánh giá là thuận tiện, dễ dàng, mang lại nhiều lợi ích trong quá trình di chuyển, giảm tải cho cả các loại hình phương tiện công cộng khác như tàu điện, xe bus…đồng thời dần thay đổi thói quen đi lại của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội.
Với việc đưa xe đạp công cộng vào khai thác, TP Hà Nội đang từng bước “xanh hoá” môi trường đô thị và phương tiện giao thông. Được biết trong giai đoạn đầu, Hà Nội triển khai 500 xe đạp cơ được bố trí tại 79 điểm trạm. Các trạm xe gắn với các điểm dừng xe bus, khu đông dân cư, trường học để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sử dụng. Giá thuê xe đạp cơ là 5.000 đồng/30 phút. Đây là mức chi phí được người tiêu dùng đánh giá khá rẻ.
Chia sẻ về hiệu quả hoạt động của xe đạp công cộng tại Thành phố Hà Nội, ông Đỗ Bá Quân - Chủ tịch Công ty Vận tải số Trí Nam cho biết tổng số giờ thuê xe cho đến hiện tại là 142.845 giờ với số vé tháng đăng ký đạt 17-22%. Không chỉ giúp kết nối với những phương tiện vận tải công cộng khác, xe đạp công cộng còn mang đến những tín hiệu tích cực cho môi trường không khí.
Ông Quân cho biết thêm, khung giờ xe được sử dụng nhiều nhất trong ngày là khoảng 6h00-9h00 và 18h00-21h00. Đây là thời gian người dân dùng xe để phục vụ việc đi làm, đi học và giải trí. Tại các điểm trạm TNGo như ga Metro Cát Linh, số lượt sử dụng xe đạp đạt 14.800 lượt, trạm ga Metro Thái Hà Đạt 6.000 lượt, trạm ga Metro Láng 4.000 lượt. Các trạm đặt tại vị trí gần các nhà ga của tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông có lưu lượng người sử dụng cao nhất Hà Nội, thường xuyên hết xe vào buổi sáng do người dân xuống metro lấy xe đi làm và tập trung dồn xe vào buổi chiều do khách trả xe lên metro trở về nhà.
Xe đạp công cộng được xem là mảnh ghép hoàn chỉnh để kết nối và hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với đặc trưng ở các khu đô thị, thành phố lớn nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng có nhiều ngõ ngách nhỏ, hẹp, sâu. Từ nơi ở đến nhà ga, bến tàu, điểm bus lên tới hàng km. Do đó các loại hình vận tải hành khách lớn còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng đó xe đạp trở thành phương tiện kết nối thuận tiện nhất.
Với đà phát triển như vậy, đến năm 2024 xe đạp công cộng sẽ dần tiếp cận các quận còn lại của thành phố Hà Nội với hàng loạt điểm trạm xe để phục vụ nhu cầu di chuyển cho người dân. Song song với việc phát triển mô hình xe đạp công cộng thì các quy hoạch về cơ sở hạ tầng cũng cần mang tính đồng bộ. Hiện nay người tham gia giao thông bằng xe đạp đang cùng sử dụng chung đường với các loại phương tiện khác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó cần có những tuyến đường phù hợp cho loại hình giao thông này.
Dịch vụ xe đạp công cộng góp phần thay thế giảm tải phương tiện giao thông cá nhân từ đó giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng, hạn chế khí xả thải gây ô nhiễm môi trường. Mục tiêu, đối tượng sử dụng xe đạp mà dịch vụ xe đạp công cộng hướng tới là toàn bộ người dân Việt Nam, người lao động và học tập, vui chơi, giải trí…ở địa bàn thành phố, người yêu thích đạp xe, quan tâm tới sức khoẻ từ đó thay đổi thói quen của mỗi người, mang tới một môi trường đô thị xanh sạch, đẹp.
Nguyễn Phương