Nghề làm muối Bạc Liêu từ xưa đã nổi tiếng tại Nam bộ, là sản phẩm gắn liền với những người đi khai phá vùng đất mới ven biển. Sản phẩm muối Bạc Liêu nổi tiếng về chất lượng, có một hương vị đậm đà, rất độc đáo. Mùa làm muối ở Bạc Liêu thường bắt đầu từ khoảng tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Cánh đồng muối ấp Huy Điền (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) sản xuất theo phương thức trải bạt. Ảnh: Phương Nghi
Thăng trầm nghề muối
Bạc Liêu có 2 huyện từ lâu đã gắn bó với nghề làm muối, đó là huyện Hòa Bình và Đông Hải. Trải qua hơn 100 năm, nghề làm muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, nhiều gia đình đã có 3 – 6 thế hệ gắn bó với nghề làm muối. Với sự siêng năng, cần cù và dày dạn kinh nghiệm, diêm dân tỉnh Bạc Liêu đã tạo ra những hạt muối chất lượng nổi tiếng.
Năm 2019, sản phẩm “Muối Bạc Liêu” một lần nữa được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, qua đó khẳng định thương hiệu muối Bạc Liêu trên thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, những cánh đồng muối ở Bạc Liêu còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách.
Hạt muối luôn gắn liền với thời tiết, tuy nhiên, những năm gần đây, trước sự biến đổi của khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa nắng thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến nghề muối và tác động trực tiếp đến đời sống của diêm dân. Tuy trải qua bao thăng trầm và công việc nhọc nhằn, nhưng diêm dân Bạc Liêu vẫn quyết tâm bám trụ, mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của địa phương. Diêm dân Lâm Văn Lặc, ở ấp Huy Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải bày tỏ: Với diêm dân chúng tôi, nghề này không chỉ tạo ra thu nhập, mà còn góp phần bảo tồn, phát triển Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những năm gần đây, một số diêm dân đã áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất muối nhằm nâng cao chất lượng hạt muối và tăng năng suất thu hoạch bằng phương pháp trải bạt. Giá thành thu mua muối trải bạt cao hơn 700 đồng/kg so với muối sản xuất truyền thống, tuy nhiên, mức đầu tư cho phương pháp này khá cao (hơn 150 triệu đồng/ha) so với thu nhập của diêm dân. “Thời tiết biến đổi thất thường đã ảnh hưởng đến việc sản xuất muối. Bên cạnh đó là giá thu mua muối bấp bênh, không ổn định... về lâu dài, diêm dân khó có thể bám trụ với nghề truyền thống nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước”. - ông Lặc chia sẻ.
Theo ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, hiện nay, Đông Hải gần 1.400ha sản xuất muối, muối trải bạt chiếm gần 7%; diện tích canh tác của từng gia đình không nhiều, giá cả bấp bênh, khâu tiêu thụ còn bất cập. “Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Muốn giữ gìn “nghề làm muối” thì phải giữ được “người làm muối”, do đó, rất cần có những chính sách, giải pháp, hỗ trợ đầu tư vốn... nhằm mở rộng diện tích làm muối, nâng cao chất lượng muối, tập trung nâng cao đời sống cho diêm dân, từ đó, tạo cho họ sự yên tâm, niềm tin vào giá trị của hạt muối để tiếp tục gắn bó với nghề, để muối Bạc Liêu không chỉ là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), mà còn tạo tiền đề trong tương lai phát triển một sản phẩm du lịch mang tính định vị thương hiệu gắn với Bạc Liêu trên bản đồ du lịch Việt Nam” - ông Hồ Thanh Tuấn nhấn mạnh.
Nâng cao giá trị sản xuất và phát triển du lịch
Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng cho đồng muối và quyết tâm giữ cho được nghề muối truyền thống. UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án “Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối” giai đoạn 2021-2030.
Trong năm 2022, Bạc Liêu tổ chức sự kiện Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang. Trong đó, tổ chức Kỷ lục Việt Nam tổ chức “Không gian tinh hoa ẩm thực tôm và muối Bạc Liêu”; Lễ công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 122 món ăn được chế biến từ tôm và muối Bạc Liêu. Sự xác lập kỷ lục lần này là niềm tự hào, cũng là động lực để Bạc Liêu tiếp tục quảng bá văn hóa, du lịch thông qua ẩm thực tôm và muối.
Nghề làm muối rất vất vả, nhưng diêm dân Bạc Liêu vẫn quyết tâm bám trụ, mong muốn giữ gìn nghề truyền thống. Ảnh: Phương Nghi
Hiện, Đông Hải đã và đang triển khai xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối; xây dựng Lễ hội muối tổ chức định kỳ hàng năm nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch. Ông Trần Tuấn Kiệt, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: Hiện nay, Đông Hải có 3 sản phẩm muối của Công ty cổ phần muối Đông Hải đạt 3 sao (muối hạt sạch, muối hạt sạch sấy, muối tinh sấy Iot), đã được công nhận sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nghề muối Đông Hải. “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng nghề sản xuất muối trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm, để đóng góp vào phát triển kinh tế của huyện Đông Hải sẽ trở nên rõ ràng, thuận lợi hơn. Trên cơ sở đáp ứng, khắc phục những khó khăn đã và đang hiện hữu, vấn đề cơ sở hạ tầng được tháo gỡ, từ đó, góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ nghề muối, nâng cao năng suất, chất lượng muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân” - ông Kiệt nói.
Để bảo tồn diện tích muối hiện có, với việc áp dụng các chính sách, đề án phát triển thương hiệu muối Bạc Liêu gắn với chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 130 tỷ đồng cho đề án nâng cấp cánh đồng muối của tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, nâng cấp hạ tầng cánh đồng muối, các hộ dân nằm trong dự án sẽ được đầu tư điện, nâng cấp lộ, nạo vét thủy lợi; nâng cao hiệu quả và chất lượng muối, giúp diêm dân ứng dụng công nghệ để tăng năng suất muối. Đồng thời, kêu gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến muối để xây dựng thương hiệu muối thực phẩm, muối dược liệu, quà tặng du lịch...; xây dựng khu trưng bày muối, công cụ, phương tiện sản xuất muối và lịch sử hình thành ngành muối để kết nối du lịch.
Theo ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chủ trương của tỉnh là phải giữ cho được nghề muối truyền thống. Điều đó đã được thể hiện bằng việc phê duyệt Đề án "Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối" giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, duy trì diện tích sản xuất muối của tỉnh là 1.500ha, sản lượng muối đạt 66.000 tấn/năm, trong đó, diện tích muối kết tinh trên nền trải bạt 170ha (chiếm 11% trên tổng diện tích sản xuất muối); cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối, tăng năng suất tối thiểu 20%, nâng cao giá trị các sản phẩm muối ít nhất là 30% so với hiện nay. “Vì vậy, tỉnh xây dựng và phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững, trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối” - ông Cận nói.
Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã trải qua hơn 100 năm với biết bao giai đoạn thăng trầm, hạt muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất đã ăn sâu vào tâm thức và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dù còn những khó khăn, nhiều diêm dân Bạc Liêu vẫn quyết tâm bám trụ lấy nghề với niềm hi vọng, chờ đợi kinh tế từ nghề muối sẽ khởi sắc.
Phương Nghi