Quảng Bình: Triển khai các giải pháp bảo vệ loài vọoc gáy trắng

Cập nhật: 06/12/2023
Cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ loài voọc gáy trắng trên địa bàn, thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để quản lý, bảo tồn các cá thể này.

Voọc gáy trắng là loài thú Linh trưởng sống trên rừng núi đá, là loài động vật quý hiếm, Sách Đỏ thế giới xếp ở tình trạng nguy cấp (EN: Endangered), Sách Đỏ Việt Nam xếp ở tình trạng sẽ nguy cấp (EN: Vulnerable), Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ xếp voọc gáy trắng vào nhóm IB: Các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam.

Tại địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình những cá thể voọc gáy trắng được phát hiện đầu tiên vào năm 2012, khi đó đàn voọc chỉ có 10 cá thể sinh sống trên lèn đá Thiết Sơn. Tháng 12/2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định quy hoạch 509,42ha rừng đặc dụng để bảo vệ loài voọc gáy trắng. Đến tháng 6/2021 UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định phê duyệt bổ sung 710 ha rừng đặc dụng trên địa bàn xã Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản để bảo vệ loài voọc gáy trắng nằm trong danh mục loài nguy cấp quý hiếm. Qua đó nhằm tạo hành lang, môi trường sống an toàn cho đàn voọc quý, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tại địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình những cá thể voọc gáy trắng được phát hiện đầu tiên vào năm 2012. Ảnh: KLQB.  

Nhằm nỗ lực bảo tồn loại voọc gáy trắng, mô hình phối hợp quản lý bảo tồn khu vực quy hoạch rừng đặc dụng tại huyện Tuyên Hóa giữa Tổ Bảo tồn thiên nhiên với Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương 4 xã Thạch Hóa, Đồng Hóa, Sơn Hóa và Thuận Hóa được hình thành trên cơ sở tự nguyện giữa các bên liên quan. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, lực lượng Kiểm lâm đã đồng hành cùng người dân, Tổ bảo tồn thiên nhiên và chính quyền địa phương để quản lý, bảo vệ loài voọc gáy trắng. Chi cục thường xuyên tổ chức các cuộc họp định kỳ để xây dựng kế hoạch tuần tra và hỗ trợ cho các thành viên của tổ bảo tồn thiên nhiên.

Nhận thấy vai trò và sự đóng góp to lớn của cộng đồng, Tổ Bảo tồn thiên nhiên đối với công tác bảo tồn loài voọc gáy trắng, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao đã tiếp cận và hỗ trợ các thành viên Tổ Bảo tồn thiên nhiên nhằm tăng cường năng lực, kiến thức, nâng cao vai trò và vị thế cho các thành viên của tổ. Dựa trên phương thức tiếp cận của dự án và những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, Trung tâm đã hệ thống hóa các bài học kinh nghiệm từ mô hình hợp tác quản lý, bảo tồn voọc gáy trắng khu vực quy hoạch rừng đặc dụng huyện Tuyên Hóa; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, khó khăn thách thức trong công tác quản lý, bảo tồn loài voọc gáy trắng đối với những khu vực bảo tồn nhỏ chưa có quy định và hướng dẫn.

Lực lượng Kiểm lâm đã đồng hành cùng người dân, Tổ bảo tồn thiên nhiên và chính quyền địa phương để quản lý, bảo vệ loài voọc gáy trắng. Ảnh: KLQB. 

UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành quyết định về việc tiếp nhận khoản viện trợ 296.132 USD (khoảng hơn 6,9 tỷ đồng) do Tổ chức Nghiên cứu nông lâm quốc tế (ICRAF) viện trợ không hoàn lại. Để thực hiện dự án bảo đồng quản lý đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho người dân khu vực quy hoạch bảo tồn voọc gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa. Theo đó, dự án được triển khai tại 4 xã: Thạch Hóa, Đồng Hóa, Sơn Hóa và Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) đến hết quý I năm 2025.

Dự án được thực hiện nhằm mục tiêu giảm bớt sự suy thoái đa dạng sinh học rừng, bao gồm các mối đe dọa đối với quần thể voọc gáy trắng và một số loài thực vật rừng quý hiếm như: gỗ mun, giáng hương, lim xanh, vù hương, sưa ở huyện Tuyên Hóa. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương trong việc quản lý và bảo vệ rừng; nâng cao kiến thức cho cộng đồng tại huyện Tuyên Hóa về lĩnh vực phục hồi rừng bền vững. Kết quả chủ yếu của dự án là đánh giá được thực trạng kinh tế - xã hội, nguồn thu nhập và tình hình thị trường của các hộ gia đình ở huyện Tuyên Hóa, thiết lập các mô hình nông lâm kết hợp cải thiện sinh kế cho người dân.

Trước đó, người dân tình cờ phát hiện một số cá thể voọc gáy trắng sống trên núi đá vôi gần khu dân cư của huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nhờ sự chung tay bảo vệ của người dân và chính quyền địa phương nên các đàn voọc được bảo tồn và sinh trưởng tốt. Đến nay, có ít nhất 22 đàn voọc gáy trắng với 156 cá thể đang sinh sống tại đây. Đến nay, nhận thức của người dân ở khu vực sinh tồn của voọc gáy trắng ở các xã Sơn Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa và Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa) về công tác bảo vệ rừng, động vật hoang đã được nâng lên đáng kể dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao quản lý đa dạng sinh học, việc thực hiện cải thiện sinh kế cho người dân của dự án thực sự rất cần thiết và nhiều giá trị để họ thực hiện tốt hơn việc chung tay bảo vệ rừng, bảo tồn đàn voọc gáy trắng.

Xuân Bắc

Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Ngày 05/12/2023