Với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thời gian qua, huyện Đồng Văn đã nỗ lực thực hiện đúng, hiệu quả định hướng của tỉnh trong việc “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc các dân tộc, xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tại các xã, thị trấn đã có nhiều cách làm hay góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, đặc biệt là bảo tồn tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, trang phục, kiến trúc, khuôn viên nhà ở…
Từ ngàn xưa, cổng làng ra đời từ rất sớm, thể hiện rõ phong cách, hồn cốt của làng quê Việt. Nếu như ở các miền quê vùng đồng bằng, mỗi cổng làng đều có một nét văn hóa riêng, biểu trưng cho sự uy nghi, nền nếp thì trên Cao nguyên đá Đồng Văn, mỗi kiến trúc nhà ở, cổng làng… cũng mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Cổng thôn Thành Ma Tủng, xã Sà Phìn (Đồng Văn).
Những năm trở lại đây, huyện biên giới Đồng Văn nhận được rất nhiều sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền địa phương và của tỉnh, nhờ đó bộ mặt nông thôn vùng cao có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, khi chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai rộng khắp, những con đường liên thôn, xã trước đây chỉ có đất, đá đến nay đã được trải bê tông sạch đẹp. Cổng chào xã, thôn cũng được chính quyền địa phương quan tâm khoác “áo mới” để làng quê ngày càng khang trang, đáng sống. Tuy nhiên, phần lớn các cổng xã, thôn trên địa bàn huyện hiện được xây dựng bằng sắt, mặc dù kiên cố nhưng không thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của đồng bào trên Cao nguyên đá.
Sảng Tủng là xã nội địa của huyện Đồng Văn, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, xã đã có nhiều cách làm hay để thay đổi thực chất bộ mặt nông thôn vùng cao nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào. Đây cũng là xã đi đầu trong công tác xã hội hóa xây dựng cổng làng theo kiến trúc truyền thống. Đồng chí Phúc Trọng Binh, Chủ tịch UBND xã Sảng Tủng cho biết: Trong quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức cùng cấp ủy, chính quyền xã xây dựng Nông thôn mới, người dân đã đồng tình, ủng hộ xây cổng làng theo kiến trúc truyền thống là cột đá và lợp mái ngói âm dương thay thế cho cổng sắt trước đây. Mỗi cổng làng hoàn thiện sẽ có chi phí khoảng 12 triệu đồng và toàn bộ là từ nguồn xã hội hóa. Đến nay, 9/9 thôn của xã đã hoàn thiện cổng làng theo kiến trúc truyền thống này. Bà con rất vui mừng, phấn khởi khi cổng làng đẹp, trang trọng và vẫn mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình.
Hiện, trên địa bàn huyện Đồng Văn đã có 20 thôn hoàn thiện công trình xây dựng cổng làng bằng đá, lợp mái ngói âm dương thay cho cổng làng trụ sắt. Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống, huyện Đồng Văn đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết. Trong đó, có bảo tồn kiến trúc của dân tộc Mông. Tại nhiều địa phương, cấp ủy, chính quyền tích cực vận động nhân dân xây nhà kiên cố nhưng làm theo kiến trúc nhà ở của đồng bào; khuyến khích xây dựng những nhà văn hóa làm bằng trình tường, lợp mái ngói âm dương; vận động bà con nhân dân dùng đất trình tường quét lên tường nhà tạo màu truyền thống… Việc xây dựng cổng làng, cổng thôn theo kiến trúc truyền thống hiện nay cũng được đánh giá là hợp lòng dân và sẽ được vận động, tuyên truyền nhân rộng trên toàn huyện.
Cho đến ngày nay, cổng làng vẫn được xem là bộ mặt, biểu tượng cho nếp sống, văn hóa của người dân trong thôn. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc được địa phương gìn giữ, phát huy sẽ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bài, ảnh: My Ly