Hàng loạt cam kết đã được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) vừa diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Việc loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, lồng sản xuất lương thực vào kế hoạch giảm khí thải, tăng gấp ba lần sản lượng năng lượng tái tạo…, là những biện pháp thiết thực để mang lại bầu không khí sạch cho một hành tinh xanh.
Biếm họa: AGUS WIDODO
Trong bài phát biểu tại Hội nghị COP28 ngày 2/12, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi các chính phủ loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch để đẩy nhanh các mục tiêu khử carbon. Hiện trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trực tiếp và gián tiếp trên thế giới đã tăng lên mức kỷ lục 7.100 tỷ USD vào năm 2022, khi các chính phủ hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong giai đoạn giá năng lượng tăng đột biến trên thị trường toàn cầu.
IMF thúc giục các chính phủ nên chuyển hướng các quỹ này sang các nỗ lực khử carbon. Bà Georgieva nhấn mạnh, với một gói biện pháp, bao gồm định giá carbon, loại bỏ các khoản trợ cấp có hại và hỗ trợ chính sách nhằm tăng tốc quá trình khử carbon, thế giới vẫn có thể biến thập kỷ này thành một thập kỷ có thể tự hào về hành động của mình.
Theo IMF, thuế carbon là một trong những công cụ mạnh mẽ và hiệu quả nhất mà các chính phủ có thể sử dụng, đặc biệt đối với các nước phát thải lớn, phù hợp với các mục tiêu về khí hậu. Bà Georgieva cho rằng, giá carbon cần phải đạt ít nhất 85 USD/tấn vào năm 2030 và là một “công cụ tuyệt vời”, vì giúp giải quyết sự bất bình đẳng và tạo ra nguồn thu mà các chính phủ có thể sử dụng để hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Hướng đến mục tiêu mang lại bầu không khí sạch trên toàn thế giới, hơn 130 nước đã nhất trí đưa vấn đề lương thực, thực phẩm và nông nghiệp vào kế hoạch hành động khí hậu quốc gia. Hệ thống thực phẩm tạo ra hơn 30% lượng khí nhà kính do các hoạt động của con người, nhưng đang ngày càng bị tác động do hiện tượng nóng lên toàn cầu và mất đa dạng sinh học.
Tổng cộng 134 quốc gia sản xuất 70% lượng thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới đã ký tuyên bố chung tăng cường chuyển đổi hệ thống thực phẩm, gắn nỗ lực này với kế hoạch quốc gia về giảm khí thải, đẩy mạnh hỗ trợ nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Theo tuyên bố chung, 134 quốc gia ký kết văn kiện là nơi sinh sống của 5,7 tỷ người, tạo ra lượng khí thải nhà kính chiếm tới 75% tổng lượng khí thải từ hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu. Trong số các quốc gia ký tuyên bố chung có Mỹ, Trung Quốc, Brazil và Liên minh châu Âu (EU).
Hiện tất cả các giải pháp đáng tin cậy để đạt được mục tiêu trung hòa carbon toàn cầu vào giữa thế kỷ này đều phụ thuộc vào việc tăng quy mô lớn năng lượng gió, Mặt trời, thủy điện và các năng lượng tái tạo khác để thay thế nhu cầu về dầu, khí đốt và than đang “nung nóng” Trái đất. Hơn 110 quốc gia đã tán thành kế hoạch tăng gấp ba lần sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030. Hiện chỉ riêng các quốc gia G20 đã “đóng góp” gần 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Trong bài phát biểu tại COP28, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định con người không thể cứu vãn một hành tinh đang cháy với “vòi cứu hỏa bằng nhiên liệu hóa thạch”. Ông cho rằng thế giới chỉ có thể kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C nếu con người dừng hoàn toàn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Nhằm hỗ trợ các giải pháp khí hậu toàn cầu, UAE đã công bố thành lập một quỹ khí hậu trị giá 30 tỷ USD với mục tiêu thu hẹp khoảng cách tài chính cho khí hậu và kêu gọi đầu tư 250 tỷ USD cho các giải pháp khí hậu từ nay đến năm 2030. Ai Cập cho rằng, nguồn vốn cần thiết để thực hiện cam kết của các nước đang phát triển cho đến năm 2030 là gần 6.000 tỷ USD. Tuy nhiên, dòng vốn hiện nay rất khiêm tốn, không vượt quá 100 tỷ USD/năm. Hiện các nước đang phát triển cần tới 160 tỷ USD mỗi năm để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việt Tùng