Trũng Na Dương còn được gọi là vùng bồn địa Na Dương cách thành thành phố Lạng Sơn khoảng 32 km về phía Đông theo quốc lộ 4B, bao gồm thị trấn Na Dương và một số xã lân cận mỏ than Na Dương, thuộc địa phận huyện Lộc Bình. Được đánh số điểm 34 trong tổng số 37 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch vùng Công viên địa chất (CVĐC), đây là điểm di sản địa chất đặc biệt, quan trọng nhất trong tổng số 7 điểm di sản địa chất của CVĐC Lạng Sơn.
Một phần mỏ than Na Dương
Trũng Na Dương là 1 trong 5 vùng trũng được hình thành từ kết quả của hoạt động dịch trượt đới đứt gãy địa chất Cao Bằng – Tiên Yên. Tại đây, quá trình khai thác tại mỏ than Na Dương đã vô tình phát hiện nhiều hóa thạch động thực vật dưới các lớp trầm tích kỷ Đệ Tam niên đại từ 39 đến 5 triệu năm cách ngày nay, có giá trị quan trọng trong nghiên cứu khoa học cổ sinh và khoa học Trái Đất. Bể trầm tích Na Dương được đánh giá là bể than nâu lửa trên đất liền lớn nhất Việt Nam với trữ lượng trên 100 triệu tấn. Bể có hình dạng elip theo trục Đông Bắc – Tây Nam, chiều rộng khoảng 18km, chiều dài 25km, tổng diện tích khoảng 80km2. Theo kết quả khảo sát địa chất, bồn trũng sâu khoảng 570m, trong đó hệ tầng Na Dương nằm phía dưới dày khoảng 240m, chuyển tiếp lên hệ tầng Dinh Chùa phía trên dày khoảng 300m. Tại moong khai thác than lộ thiên, phần trên của hệ tầng Na Dương lộ ra dày khoảng 140m.
Từ hàng chục triệu năm trước, nơi đây vốn là đồng bằng bị nâng lên hạ xuống do hoạt động kiến tạo địa chất, dần bị đầm lầy hóa với sự phát triển của hồ và đầm lầy đan xen, tạo điều kiện cho thực vật phát triển mạnh và dần tích tụ, bị chôn vùi tạo thành than dưới môi trường nước hồ hiếm khí. Tại đây, ngoài tài nguyên than đá thuận tiện khai thác còn ẩn chứa rất nhiều tài nguyên di sản địa chất quý báu, độc đáo về cổ sinh địa tầng, cổ địa lý, cổ môi trường… thể hiện một lịch sử phát triển địa chất và kiến tạo hấp dẫn thú vị, thu hút nhiều nhà địa chất, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.
Ở mỏ than Na Dương cho đến nay các nhà khoa học đã phát hiện và nghiên cứu nhiều bộ sưu tập khổng lồ dấu tích hóa thạch của các loài động vật, thực vật đa dạng, độc đáo, sống cách ngày nay từ khoảng 20 – 30 triệu năm, nhiều giống loài hiện còn tồn tại. Từ năm 1992 hóa thạch một loài cá sấu nhỏ đã được phát hiện. Kể từ đó có thêm hàng loạt phát hiện mới về hóa thạch với các chi loài động thực vật được công bố.
Về thực vật, các hóa thạch tại đây đã chứng minh sự tồn tại của những khu rừng ẩm ướt nhiệt đới, cận nhiệt đới. Các loài thực vật giàu chất nhựa phát triển ở những vùng khí hậu ôn đới ẩm hoặc cận nhiệt đới, nhiệt đới nóng ẩm như họ Cử, họ Sồi, long não, dâu tằm, thị, đa…và một số loài thực vật bậc thấp.
Hóa thạch động vật rất phong phú bao gồm động vật thân mềm, động vật có xương sống như cá, rùa, cá sấu và đặc biệt là hóa thạch động vật có vú (anthracotheres, tê giác, linh trưởng)… Nhiều loài và chi đã được đặt tên địa phương như: ốc nước ngọt Bacbotricula, vẹm Unionid (5 loài), cá (9 loài), rùa (5 – 6 loài), cá sấu (3 loài, trong đó có tên Orientalosuchus naduongensis), “quái thú than” anthracotheres , đặc biệt là tê giác Epiaceratherium naduongense và linh trưởng mũi cong Anthradapis vietnamensis. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng chứng minh các loài động vật có vú tại trũng Na Dương là thủy tổ của các loài tê giác và “quái thú than” tại châu Âu. Điều đó khẳng định mối liên hệ địa sinh học chặt chẽ giữa hệ động vật có vú ở Na Dương và châu Âu, làm nổi bật tầm quan trọng của của Đông Nam Á như một khu vực nguồn cho sự phân tán động vật có vú xuyên lục địa dọc theo rìa phía Bắc đại dương cổ.
Lịch sử phát triển bể trầm tích Na Dương, cơ chế thành tạo bể than cũng như tiến trình phát triển của hệ động, thực vật phong phú với nhiều giống loài độc đáo đã tạo ra các giá trị khoa học nổi bật và hấp dẫn, làm nên sự khác biệt tiêu biểu của CVĐC Lạng Sơn. Địa điểm được nhiều ấn phẩm quốc tế đánh giá là “một cánh cửa đặc biệt nhìn vào các hệ sinh thái Eocene từ Đông Nam Á”, “chìa khóa để hiểu về quá trình tiến hóa lưu vực Paleo-gene…”, là “mối liên kết địa sinh học chặt chẽ giữa các quần thể động vật có vú Eocene từ Na Dương và Châu Âu làm nổi bật tầm quan trọng của Đông Nam Á như một khu vực nguồn cho sự phân tán của động vật có vú xuyên lục địa dọc theo rìa phía bắc đại dương cổ”, nơi lưu giữ những phức hệ hóa thạch cổ sinh phong phú, đa dạng, hệ thực vật đặc trưng cho điều kiện môi trường cổ rừng nhiệt đới sông hồ, đầm lầy trong quá khứ.
Nhận thức được những giá trị đó, hiện nay, CVĐC Lạng Sơn đang tích cực tham mưu, hợp tác với Công ty Than Na Dương để phối hợp xây dựng, phát triển địa điểm thế giới đầm hồ Na Dương thành một điểm tham quan nổi bật. Dự án triển khai tại đây có diện tích khoảng hơn 5.800m2 bao gồm các hạng mục đài quan sát ngắm cảnh, bãi đỗ xe, nhà chờ, nhà vệ sinh, con đường tham quan và một bảo tàng trưng bày hóa thạch cổ sinh ngoài trời phục vụ du khách và nhân dân đến tham quan tìm hiểu, nghiên cứu khoa học. Đây sẽ là điểm đến hấp dẫn trên tuyến tham quan số 4, được coi như một “cửa sổ” mở ra cái nhìn về thế giới đầm hồ cổ đại, là viên ngọc sáng của CVĐC Lạng Sơn.
Nguyễn Minh Chuyển