Khách du lịch đến Đồng Hới (Quảng Bình) thường nghĩ đến một dải bờ biển thơ mộng, nơi có bãi tắm Nhật Lệ đẹp nổi tiếng. Không mấy ai biết rằng Đồng Hới có một hồ nước ngọt nằm ngay cạnh biển Nhật Lệ, chỉ cách có hơn 100 mét, đó là hồ Bàu Tró. Đây vừa là một thắng cảnh, vừa là một vùng di tích với những di chỉ khảo cổ học của người Việt cổ để lại.
Đứng trên đồi cát thuộc phường Hải Thành nhìn xuống, thấy biển và hồ chỉ cách nhau vài gang tay. Những ngày biển nổi sóng lớn cứ tưởng như biển sẽ hoà nhập vào với hồ. Lạ thay, dù chỉ cách nhau gần như vậy nhưng nước hồ lại ngọt như là nước suối trên rừng. Người dân Đồng Hới trước đây thường ra hồ lấy nước về giặt quần áo cho trắng. Nước hồ chủ yếu rịn ra từ cát nên rất trong mát và sắc, có thể tẩy được áo quần. Đây là nguồn nước ngọt duy nhất cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân vốn bị nhiễm mặn từ bao đời nay.
Bao xung quanh hồ là những dải rừng cây phi lao xanh tươi nổi lên ngăn ngắt trên một vùng cát trắng chang chang. Vài năm gần đây do môi trường sinh thái hồ được cải thiện nên có rất nhiều đàn chim bay về cư trú trong rừng cây. Du khách tới thăm hồ, vãn cảnh thật không có gì thú bằng mắc võng dưới rừng cây nằm nghe tiếng sóng biển rì rào lẫn trong tiếng chim ríu ran đưa ta vào giấc ngủ êm đềm.
Thuở trước, Bàu Tró thật hoang vu và nguyên sơ. Cạnh Bàu Tró có một cái nghè thờ một vỏ lúa bằng gỗ khá to. Tục truyền rằng Bàu Tró là dấu chân để lại của một người khổng lồ khi đi qua vùng đất này. Vào mùa hè, khi mực nước trong hồ cạn xuống khoảng một phần ba, trông hồ giống như một dấu bàn chân trái khổng lồ. Còn có rất nhiều chuyện kể dân gian xung quanh cái bàu kỳ lạ này, trong đó có chuyện cho rằng bàu này " không đáy" mà thông với một bàu nước ngọt khác, đó là Bàu Sen, cách Đồng Hới ngót 30 km đường đất. Có thể đó chỉ là cách lý giải dân gian về khả năng "vô tận" của nguồn nước ngọt nhỏ nhoi, quí hiếm, không bao giờ cạn, nằm lọt vào giữa ba bề bốn bên là nước mặn.
Bàu Tró đang được bảo vệ nghiêm ngặt vì nó chẳng những là một di chỉ khảo cổ học, một thắng cảnh nổi tiếng mà còn là nguồn nước ngọt sinh kế cho một vùng cư dân trù phú.