Tràng Định (Lạng Sơn): Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 12/12/2023
Tràng Định (Lạng Sơn) là địa bàn giàu tiềm năng du lịch với nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng. Vì vậy, thời gian qua, huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn.

Huyện biên giới Tràng Định có hệ thống các di tích lịch sử quan trọng, trong đó có 3 di tích, cụm di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và 6 xã được Thủ tưởng Chính phủ công nhận là xã an toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, huyện cũng có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch sinh thái với các điểm du lịch như: hang Bản Bó; hang Cốc Mười – Khu Pác Lùng Ký Làng (xã Tri Phương); đỉnh Khau Hương (xã Đề Thám); cổng trời thôn Lũng Phầy (xã Chí Minh) hay điểm cao 820 (xã Quốc Khánh)…

Tiềm năng du lịch phong phú

Du khách tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP huyện Tràng Định

Không chỉ có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và giá trị lịch sử, Tràng Định còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nổi bật của các dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Dao… với nhiều di sản văn hoá đặc sắc như: hát then, sli, lượn, páo dung, múa sư tử mèo; các làng nghề truyền thống: đan lát, làm hương; làm bánh…  Huyện cũng có ngôi chùa Linh Quang có lịch sử hơn 500 năm; có đền Gốc Sung, đền Mẫu và đền Quan Lãnh… thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh. Đặc biệt, đến với Tràng Định vào mùa Xuân, du khách còn được tham dự 21 lễ hội truyền thống độc đáo, đặc sắc với văn hóa ẩm thực đa dạng như: vịt quay mác mật, khau nhục, thạch đen, pẻng khua, khẩu sli, bánh khảo… Đến Tràng Định vào mùa Thu du khách có thể ngắm nhìn cánh đồng Thất Khê, cánh đồng xã Tri Phương, Quốc Khánh như những bức tranh đầy màu sắc nằm gọn giữa những dãy núi trùng điệp…

Tài nguyên du lịch phong phú là vậy nhưng trước năm 2020, du lịch Tràng Định vẫn phát triển manh mún, tự phát. Nhiều tài nguyên du lịch khác của huyện chưa được khai thác để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Nhận thức rõ những hạn chế nêu trên, đồng thời với mong muốn thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói”, năm 2020, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện đã triển khai đề án phát triển du lịch huyện Tràng Định giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Triển khai đề án, huyện tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa; tập trung tôn tạo một số di tích lịch sử trên địa bàn; chú trọng đầu tư các khu, điểm, lĩnh vực du lịch có lợi thế, khuyến khích thu hút đầu tư cho từng khu, điểm du lịch; quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển các dịch vụ, du lịch trước mắt và lâu dài.

Triển khai nhiều giải pháp

Để thực hiện hiệu quả đề án phát triển du lịch, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tập trung xây dựng các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của huyện như: du lịch văn hóa cộng đồng người Mông (xã Cao Minh), Dao đỏ (xã Vĩnh Tiến); du lịch tham quan, khám phá tìm hiểu tại các hệ thống nhà cổ của huyện; du lịch về nguồn; du lịch sinh thái…  Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện đã khuyến khích đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các cơ sở lưu trú, điểm du lịch; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch điểm du lịch Bản Bó (xã Tri Phương); khôi phục các di tích lịch sử, cách mạng, di tích văn hóa như: khôi phục chùa Linh Quang (xã Hùng Sơn); khôi phục lễ hội đền Trần (thị trấn Thất Khê), di tích làng Kim Lỵ (xã Đội Cấn); di tích Bản Quyền A (xã Hùng Sơn)…

Các cấp, ngành liên quan của huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng như: gắn pano, áp phích tuyên truyền; tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm tại các sự kiện văn hóa du lịch trong và ngoài tỉnh… Huyện cũng tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương quảng bá hình ảnh văn hoá, du lịch huyện, tiêu biểu như: phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam khảo sát và thực hiện các tập phim: “Hương vị tết người Nùng Xứ Lạng”; “Điệu múa Sư tử mèo Xứ Lạng”; “Người Dao đỏ ở thôn Lũng Slàng xã Tri Phương”… Qua đây hình ảnh về vùng đất, con người, điểm tham quan, du lịch ở Tràng Định được nhiều người biết đến.

Bà Lục Thị Phương, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tràng Định cho biết: Phòng đã tham mưu UBND huyện tăng cường phối hợp khảo sát các tour, tuyến du lịch nhằm đánh giá, đầu tư để từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch ở huyện. Theo đó năm 2022, UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát phát triển tour, tuyến du lịch trên địa bàn. Đầu tháng 12/2023, UBND huyện cũng đã mời hơn 40 doanh nghiệp thực hiện khảo sát đánh giá tiềm năng và đưa ra giải pháp để huyện khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có…

Cùng các cấp, ngành liên quan, hộ kinh doanh, người dân đã chú trọng xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc sản và các sản phẩm du lịch. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 14 sản phẩm OCOP 3 sao; một số sản phẩm du lịch đã hình thành và được nhiều du khách biết tới, tiêu biểu như: sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng thôn Bản Bó, xã Tri Phương; sản phẩm du lịch về nguồn tham quan các địa điểm di tích lịch sử trên địa bàn; sản phẩm du lịch tâm linh…  Tính từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm huyện tăng từ 10.000 – 20.000 lượt khách tới tham quan, tăng gấp nhiều lần so với giai đoạn trước. Riêng năm 2023, toàn huyện đã thu hút 79.000 lượt khách, tăng 59.000 lượt so với năm 2019…

Chị Trần Hải Yến, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Nhà tôi chỉ cách Lạng Sơn hơn 100 km nên tôi thường đưa gia đình đến Lạng Sơn thăm bạn bè và khám phá các điểm du lịch. Gần đây nghe nói có Làng du lịch cộng đồng của người Dao đỏ rất độc đáo ở Tri Phương, Tràng Định nên tôi đã lên tham quan, trải nghiệm và thấy đây là một hành trình hấp dẫn. Tôi mong muốn Lạng Sơn sẽ phát triển hơn nữa, nhất là đầu tư, phát triển các điểm du lịch trên địa bàn huyện Tràng Định.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, tin tưởng rằng tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện Tràng Định sẽ từng bước được khai thác, đầu tư, phát triển bền vững hơn nữa, góp phần cùng toàn tỉnh phát triển “ngành công nghiệp không khói” có giá trị kinh tế cao, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

“Huyện Tràng Định có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, song thời gian qua, việc phát huy các tiềm năng này còn nhiều hạn chế. Nhằm hỗ trợ huyện trong việc đánh thức tiềm năng và giúp cho huyện thực hiện tốt công tác định hướng, phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức một số đoàn khảo sát du lịch ở huyện với sự tham gia của các doanh nghiệp. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, đồng thời tham khảo ý kiến các đơn vị doanh nghiệp để phát triển mô hình tham quan du lịch sinh thái cộng đồng tại thôn Bản Bó, xã Tri Phương và tiếp tục đa dạng hóa các dịch vụ lưu trú, các tour, tuyến, loại hình du lịch.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng huyện cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân, xem du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của huyện. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về giá trị văn hóa và các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng việc kết nối với các cơ quan báo, đài để có nhiều bài viết, phóng sự giới thiệu hình ảnh địa phương. Đồng thời, xây dựng và phát triển du lịch đặc thù của huyện, khai thác có hiệu quả điều kiện tự nhiên, về lịch sử và văn hóa của huyện. Đặc biệt, quan tâm phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ các sản phẩm OCOP, đưa hình các sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần tạo dựng hình ảnh địa phương”.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó GĐ Trung tâm TTXT DL tỉnh Lạng Sơn

Tuyết Mai - Thu Hiền

Nguồn: Báo Lạng Sơn - baolangson.vn - Đăng ngày 12/12/2023