Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu đạt một thỏa thuận về chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, một số quốc gia lại phản đối đưa cam kết này vào thỏa thuận của COP28. Tính cấp thiết cắt giảm lượng khí thải đòi hỏi các nước gạt bỏ lợi ích riêng để tìm tiếng nói chung trong một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu.
Đề xuất dần loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề mà các đại biểu của khoảng 200 nước nỗ lực đạt đồng thuận tại COP28.
Tuy nhiên, trong bản dự thảo mới mà Chủ tịch COP28 đưa ra, cụm từ nêu trên đã không được đề cập, thay vào đó là cụm từ “giảm thiểu” sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu khí và than đá, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong bối cảnh Hội nghị lần này được coi là cơ hội cuối cùng để các nước trên thế giới thực hiện được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, một thỏa thuận cần được đưa ra trong ngày họp cuối cùng của COP28, kết thúc ngày 12/12.
Các cuộc tranh luận “nóng” lên sau khi có thông tin Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) gửi thư hối thúc các nước thành viên và những nước đồng minh sản xuất dầu mỏ phản đối việc đề cập nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng của COP28. Nội dung thư cảnh báo về sức ép quá mức và không tương xứng đối với nhiên liệu hóa thạch.
Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais khẳng định, OPEC muốn Hội nghị duy trì trọng tâm vào mục tiêu giảm khí thải khiến Trái đất nóng lên. Ông nhấn mạnh thế giới cần đầu tư mạnh vào tất cả nguồn năng lượng, trong đó có hydrocarbon và quá trình chuyển đổi năng lượng phải hợp lý, cân bằng và toàn diện.
Một số nước như Pháp, Tây Ban Nha phản đối mạnh, trong khi các nước khác như Iraq ủng hộ quan điểm của OPEC. Những nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu cảnh báo, việc phản đối đề cập đến nhiên liệu hóa thạch tại COP28 sẽ đe dọa toàn thế giới. Bà Tina Stege, đặc phái viên khí hậu của Quần đảo Marshall cho rằng, nhiên liệu hóa thạch gây rủi ro lớn cho tương lai và sự thịnh vượng của toàn bộ người dân trên Trái đất, trong đó có công dân các nước OPEC. Bộ trưởng về Biến đổi khí hậu của Vanuatu nêu lo ngại về việc một số ít quốc gia đang cản trở nỗ lực đạt được đồng thuận về loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 được xem là cần thiết để kiềm chế mức tăng nhiệt trung bình toàn cầu dưới 2oC theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Để đạt mục tiêu này, lượng phát thải từ lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch cần giảm 75% từ nay đến năm 2030.
Theo Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, đến nay, 130 quốc gia đã ký kết cam kết về phát triển năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng. Ngoài ra, khoảng 50 công ty dầu khí chiếm 40% sản lượng toàn cầu đã ký một thỏa thuận không ràng buộc về không phát thải khí methane và hạn chế đốt dầu trong sản xuất. Tuy nhiên, đây là những cam kết tự nguyện không như các quyết định được đưa ra với sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tại COP28. IEA nhận định, các cam kết là bước tiến trong nỗ lực giảm phát thải của ngành năng lượng, nhưng chưa đủ mạnh để giúp thế giới đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Trong bối cảnh thế giới không dễ tìm được tiếng nói chung, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhắc lại lời kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương để giải quyết thách thức chung.
Ông nhận định, trong thế giới rạn nứt và chia rẽ, chủ nghĩa đa phương là niềm hy vọng để giải quyết thách thức toàn cầu. Đối với các hành động khí hậu, cả trách nhiệm chung, cũng như khả năng và hoàn cảnh khác nhau của các quốc gia cần được xem xét để đưa ra các quyết định phù hợp.
Hà Anh