Nằm trên dải Tây Côn Lĩnh, xã Cao Bồ (Vị Xuyên, Hà Giang) có hơn 8.394 ha rừng, trong đó có hơn 3.718 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nguyên sinh và rừng sản xuất được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Nhờ thảm thực vật phong phú, người dân không những được hưởng lợi từ rừng, mà còn phát triển đan xen các cây trồng, khai thác tiềm năng du lịch, đem lại nguồn thu nhập cao cho đồng bào người Dao nơi đây.
Từ năm 2017, chính sách chi trả DVMTR đến với người dân xã Cao Bồ và 11 thôn đều được thụ hưởng chính sách này. Do địa bàn trải rộng, phần lớn diện tích rừng được giao khoán ở xa, nên để giữ cho rừng luôn xanh tốt, mỗi thôn đã thành lập 1 Tổ quần chúng bảo vệ rừng. Thành viên trong Tổ bao gồm Bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên và những người uy tín được cộng đồng dân cư tin tưởng lựa chọn, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc. Theo quy chế hoạt động, hàng tháng, các thành viên chủ động phân công và tổ chức tuần tra rừng, nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, tăng diện tích rừng trồng, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển lâm nghiệp.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Vị Xuyên và Ban Quản lý rừng đặc dụng Tây Côn Lĩnh tuyên truyền bảo vệ rừng cho người dân xã Cao Bồ.
Đồng chí Đặng Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ cho biết: “Để đảm bảo tiền DVMTR được chi trả đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả, xã đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tại cơ sở; tuyên truyền, vận động người dân và các chủ rừng bảo vệ, phát triển diện tích rừng được giao quản lý; kịp thời thông tin, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Nhờ vậy, trong 5 năm gần đây, xã không xảy ra tình trạng phá rừng, xâm lấn đất rừng. Theo kế hoạch năm 2022, toàn xã được chi trả tiền DVMTR hơn 477 triệu đồng, chủ yếu là chi khoán cho cộng đồng thôn bảo vệ rừng. Ngoài chi trả công cho Tổ tuần rừng, thôn thống nhất dùng số tiền còn lại để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình phúc lợi, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho nhân dân”.
Song song với chính sách chi trả DVMTR, tận dụng tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu quanh năm mát mẻ, đồng bào người Dao sinh sống giữa bạt ngàn núi rừng Cao Bồ đã phát triển rừng trồng cây quế, chè Shan tuyết, thảo quả. Năm 2023, toàn xã có hơn 300 ha quế, sản lượng khai thác quế khô đạt 24 tấn; diện tích trồng thảo quả đạt 630 ha, năng suất đạt 4 - 6 tạ quả tươi/ha, sản lượng ước đạt trên 80 tấn; diện tích trồng chè đạt 1.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt 495 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 12 tỷ đồng.
Anh Đặng Văn Thái, Tổ trưởng Tổ quần chúng bảo vệ rừng thôn Tham Vè cho hay: “Năm 2022, thôn có 300 ha rừng được chi trả DVMTR với số tiền 50,8 triệu đồng. Số tiền trên do nhà máy thủy điện Nậm Má, nhà máy thủy điện sông Lô 6 và Trung tâm cấp, thoát nước huyện Vị Xuyên chi trả. Với những nguồn lợi và giá trị mang lại từ rừng, bà con đã nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phát triển 195 ha cây thảo quả dưới tán rừng và đang triển khai thí điểm 1 ha trồng các loại dược liệu khác để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, tiến tới làm giàu từ rừng”.
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, hiện nay, xã Cao Bồ còn phát triển loại hình du lịch sinh thái. Năm 2023, du khách đến địa bàn đạt gần 9.500 lượt người. Giữa cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, thảm thực vật hiếm có, du khách đến đây hoàn toàn được trải nghiệm, khám phá cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng. Cùng những định hướng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của xã, đồng bào người Dao luôn coi rừng là tài sản quý để tạo nguồn sinh kế lâu dài và bền vững cho nhân dân.
Bài, ảnh: Mộc Lan