Nuôi thủy sản ở Bình Thuận nếu được “tích hợp” với du lịch sinh thái không chỉ mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành thủy sản, du lịch, mà còn giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất để tăng thu nhập. Tuy nhiên, sự kết hợp này hiện người dân chủ yếu vẫn làm tự phát, chưa được ngành chuyên môn, chính quyền hướng dẫn để đảm bảo an toàn khi hoạt động cũng như chưa có quy hoạch cụ thể.
Vùng nuôi hải sản tập trung của tỉnh
Với bờ biển dài khoảng 192km, cùng hệ thống sông ngòi, ao hồ nhiều, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bình Thuận có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển. Ngoài khía cạnh sản xuất, những khu vực nuôi trồng thủy sản còn có thể trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút khách tham quan, nếu được đầu tư tương xứng và phù hợp. Điển hình là huyện đảo Phú Quý, từ lúc có tàu cao tốc, rút ngắn thời gian giữa đất liền và huyện đảo chỉ còn 2,5 giờ thay vì 6 giờ như trước đây, du lịch nơi đảo ngọc có chiều hướng phát triển tích cực. Nuôi thủy sản ở Phú Quý được đánh giá là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từ đó giúp nhiều người giàu lên chính đáng. Theo UBND huyện Phú Quý, hiện khu vực ven biển Lạch Dù có 72 cơ sở nuôi trồng hải sản, tổng diện tích mặt nước 14.485 m2; trong đó chủ yếu 61 lồng bè nuôi diện tích 9.301 m2, cùng 11 hồ chắn (5.184 m2), chủ yếu nuôi các hải đặc sản như tôm hùm, cá mú, cá bớp, huỳnh đế, ốc, nhum... Sản lượng sản xuất các loại cá lồng bè năm vừa qua khoảng 100 tấn.
Vùng nuôi hải sản lồng bè ở đảo Phú Quý. Ảnh: N. Lân
Vài năm gần đây, khi du khách từ đất liền ra đảo tăng, các chủ bè đã kết hợp nuôi trồng, làm dịch vụ chế biến hải sản tươi sống phục vụ du khách tham quan bè trên biển. Dịch vụ này được rất nhiều du khách đất liền thích thú khi ra đảo vì có thể vừa lặn biển ngắm san hô, vừa thưởng thức gió biển mát rượi và dùng hải đặc sản tươi ngon được chế biến tại chỗ. Sự ưa chuộng này vô tình làm những người nuôi hải sản lồng bè có thêm nghề tay trái kinh doanh du lịch một cách “ngẫu nhiên”. Theo số liệu của địa phương, từ đầu năm nay, Phú Quý đón hơn 150.000 du khách (tăng hơn 61.000 lượt khách so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có hơn 2.200 khách nước ngoài. Và hầu hết lượng khách này đều không bỏ qua tour lồng bè thưởng thức hải sản, do đó số lượng bè làm du lịch ngày càng tăng và đều làm tự phát.
Những người nuôi hải sản lồng bè có thêm nghề tay trái kinh doanh du lịch một cách “ngẫu nhiên”.
Được biết, vào năm 2019, UBND huyện Phú Quý đã yêu cầu các chủ cơ sở lồng bè phải ký cam kết, trang bị đầy đủ phương tiện cứu nạn cứu hộ, áo phao cho khách. Các phương tiện đưa đón khách ra bè phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định và người điều khiển phương tiện ca nô, thuyền máy có tốc độ cao phải được đào tạo và cấp chứng chỉ. Đặc biệt, các bè phải lắp hố vệ sinh tự hoại, cuối ngày phải gom rác lên bờ… tránh tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường biển. Đến thời điểm này, khoảng 10 lồng bè kết hợp dịch vụ du lịch cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện và trở thành điểm đến không thể thiếu trong lịch trình tham quan đảo của du khách.
Huyện đang khảo sát và phát triển mô hình ao chắn sóng, vừa nuôi trồng hải sản vừa phục vụ du lịch.
Tạo đột phá cho kinh tế thủy sản
Trong xu hướng phát triển du lịch xanh, huyện đảo Phú Quý đã khuyến khích các cơ sở lồng bè đầu tư nuôi trồng hải sản, đồng thời gắn các điều kiện cần thiết trong kinh doanh du lịch, đảm bảo môi trường biển, cũng như an toàn cho du khách ra khám phá lồng bè Lạch Dù. Bên cạnh đó, huyện đang khảo sát eo vịnh Mỏm Đá để phát triển mô hình ao chắn sóng, vừa nuôi trồng hải sản vừa phục vụ du lịch. Huyện sẽ quy hoạch và có thiết kế, cũng như định hướng kỹ thuật ao chắn, vừa thẩm mỹ, an toàn, vừa là điểm đến tham quan vô cùng độc đáo nơi đảo ngọc.
Phải có quy hoạch thống nhất, giao quyền cụ thể cho chủ thể tham gia đầu tư.
Không riêng gì Phú Quý, mà các vùng nuôi thủy sản nước ngọt khác trong tỉnh như cá tầm ở Đa Mi, Hàm Thuận, hay 2 huyện Tánh Linh, Đức Linh cũng đang hướng đến việc nuôi hải sản kết hợp du lịch sinh thái. Đây cũng là một trong những định hướng phát triển của ngành thủy sản Bình Thuận đến năm 2030. Trong đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nuôi biển, chuyển đổi nghề cho ngư dân và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái. Với định hướng trên, ngành nuôi trồng thủy sản không chỉ có khả năng tạo ra đột phá kinh tế, góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản, mà còn giúp giảm áp lực trong khai thác thủy sản xa bờ. Đây là một sản phẩm du lịch mới, hứa hẹn mang lại đột phá cho lĩnh vực kinh tế thủy sản cũng như du lịch. Tuy nhiên, phát triển du lịch sinh thái cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng, cũng như tính xác thực...
Vì vậy, bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cần có sự đầu tư nghiêm túc cho các dịch vụ phụ trợ; giảm tải tác động của thiên tai, bảo vệ môi trường... Ngoài ra, để sản phẩm du lịch này phát triển bền vững, các ngành chuyên môn và chính quyền cơ sở cần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, đảm bảo khu vực và đối tượng thủy sản được nuôi trồng phải phù hợp, còn người dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng “sản phẩm sạch, dịch vụ tốt”.
Tại hội thảo “Nuôi biển tự nhiên kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” được tổ chức tại TP. Hội An, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đã đề xuất: Lâu nay nuôi biển ở Việt Nam hầu như là tự phát, người dân nuôi không có quy hoạch, chưa có cơ chế chính sách nào rõ ràng và họ tự thân vận động nên hiệu quả không cao. Do đó, đầu tiên phải có quy hoạch thống nhất, giao quyền cụ thể cho chủ thể tham gia đầu tư. Về vấn đề giao biển lâu dài cho dân nuôi trồng như Nghị định 11 ban hành từ năm 2021, nhưng đến nay chưa một địa phương nào thực hiện được. Nếu làm được việc này đồng bộ, thì nghĩa vụ và bảo vệ trong phát triển kinh tế biển đảm bảo sản phẩm xanh, đảm bảo về nguồn lợi biển mới phát huy tác dụng.
Minh Vân