Thời gian qua, người dân trên địa bàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tận dụng cây tre để tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường qua đó góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập cho người dân địa phương.
Vấn đề ô nhiễm nhựa đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, sức khỏe con người. Trong đời sống, việc sử dụng một lượng lớn các sản phẩm nhựa một lần, sau đó vứt bỏ đã làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trước thực tế trên cùng với xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, một số địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã bắt tay vào sản xuất những sản phẩm làm từ tre, được đánh giá là thân thiện với môi trường như đũa tre, ống hút tre.
Lan toả lối sống xanh nhiều người dân địa phương tại Quảng Bình đã làm nên những ống hút, chiếc thìa tre thay thế vật dụng từ nhựa.
Theo người dân địa phương, cây tre, cây nứa hoặc cỏ bàng được trồng hoàn toàn tự nhiên, khoảng 2 năm sẽ được người dân lựa chọn những cây thẳng, đốt dài, vỏ mỏng và rỗng ruột phân loại theo kích thước để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng tre. Cây tre khi khai thác vẫn còn tươi về phơi trong vòng 20 ngày khi có màu vàng khô tự nhiên người dân sẽ dùng máy đánh bóng lớp bên ngoài, tiếp đến đưa vào máy cắt thành từng đoạn. Chiều dài ống phụ thuộc vào đơn hàng dao động khoảng 20 cm rồi tiến hành mài nhẵn 2 đầu của ống hút để an toàn khi sử dụng và đồng thời nâng cao tính thẩm mỹ.
Nhiều mẫu mã sản phẩm làm từ tre thân thiện với môi trường được đẩy mạnh sản xuất trên địa bàn huyện Lê Thủy.
Chị Hoàng Thị Thu Thuỷ chủ cơ sở sản xuất sản phẩm làm từ tre tại xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ cho biết: Ống hút tre không dùng chất bảo quản, chất tẩy trắng, không dùng thuốc hoá học, đảm bảo tự nhiên 100%. Trong quá trình sản xuất tất cả các khâu làm đều cẩn thận và tỉ mỉ nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sạch bằng áp lực nước để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và khi sản xuất sản phẩm này là phải đảm bảo được tính bền đẹp của sản phẩm mà không phải dùng hóa chất.
Đặc trưng của các sản phẩm là dễ bị mối mọt, mốc nên trong quá trình sản xuất cần phải luộc khoảng một giờ đồng hồ để ráo nước và đưa vào hấp khoảng 1 tiếng đồng hồ nữa ở nhiệt độ vừa phải mới đảm bảo chất lượng vừa có màu sáng bóng bắt mắt. Ngoài ra trong quá trình sử dụng người dùng cần phải rửa sạch, phơi nắng hoặc cho vào ngăn mát của tủ lạnh để tránh ẩm mốc.
Chị Thủy cho biết thêm: Ống hút tre có thể thay thế ống hút nhựa, giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường lan toả lối sống xanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay sản phẩm của cơ sở sản xuất đã được xuất khẩu qua nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho 10 người lao động tại địa phương lúc rảnh rỗi, bình quân thu nhập 4 triệu đồng/ người / tháng.
Điều 73 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; Các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và sản phẩm thay thế bao bì nhựa khó phân hủy sinh học được chứng nhận thì được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 được Chính phủ ban hành nhấn mạnh đến mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 đặt mục tiêu giảm 80% các khu, điểm du lịch cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Đến năm 2030 đặt mục tiêu giảm 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.
|
Nguyễn Hoàng