Hơn 30 gian hàng công nghệ, thiết bị lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản trong tỉnh được sản xuất, chế biến sạch theo hướng công nghệ xanh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có lợi cho người tiêu dùng tại Hội chợ Công nghệ thiết bị tỉnh Bình Thuận năm 2023 lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản đã thu hút được người tham quan, tìm hiểu.
Giới thiệu các sản phẩm đặc trưng
Các loại sản phẩm được chế biến từ trái thanh long như nước ép lên men, kem, mứt, kẹo của Cơ sở Bảo Long Bình Thuận là gian hàng thân quen được trưng bày tại hội chợ lần này cũng như các lần giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Cũng từ trái thanh long ruột trắng, HTX Thanh long sạch Hòa Lệ, huyện Hàm Thuận Bắc đã phát triển cho ra đời hơn 10 sản phẩm, có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao như kem thanh long… trưng bày ở hội chợ lần này. Bên cạnh sản phẩm từ trái thanh long lợi thế tỉnh nhà, còn phải kể đến các sản phẩm sạch chế biến từ dông cát, bồ câu Thiện Nghiệp của doanh nghiệp Ba Tường ở ngoại ô TP. Phan Thiết. Các loại nước mắm Phan Thiết nổi tiếng lâu nay góp mặt trong hội chợ lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản lần này, như nước mắm Bà Hai chế biến theo phương pháp truyền thống cao độ đạm, hương vị thơm ngon. Đã có các đại biểu ngoài tỉnh tham dự hội chợ chọn nước mắm Phan Thiết làm quà cho người thân trong dịp đến thành phố biển... Bên cạnh đó, khá nhiều mặt hàng thủ công được các cơ sở gia công, hộ gia đình sản xuất, chế biến cũng đã góp mặt phong phú các gian hàng của tỉnh. Có thể kể như nhang sạch làm từ vỏ cây, rễ cây thiên nhiên của cơ sở Lệ Duyên nằm ven quốc lộ 28, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc; bột ngũ cốc Kim Anh rang xay thủ công, bảo toàn dinh dưỡng từ 20 loại hạt, đậu của cơ sở ở Tánh Linh…
Đa dạng sản phẩm của Bảo Long Bình Thuận.
Nước mắm Bà Hai, sản phẩm truyền thống của Phan Thiết
Đồng hành cùng cơ sở, doanh nghiệp
Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Mai Thanh Nga phát biểu trong buổi bế mạc cho hay: “Giới thiệu công nghệ, thiết bị lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản là chủ đề chính của hội chợ công nghệ, thiết bị tỉnh Bình Thuận 2023, tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp, các nhà khoa học liên kết sản xuất kinh doanh, xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu, xúc tiến trao đổi công nghệ giữa các địa phương trên cả nước; đồng thời hỗ trợ tìm hiểu công nghệ để hình thành ý tưởng khởi nghiệp. Hội chợ diễn ra nhiều chương trình phong phú, đa dạng như các hoạt động về chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu, hội thảo giới thiệu công nghệ, giới thiệu sản phẩm công nghệ. Đặc biệt là hội thảo đánh giá về tiềm năng, cơ hội và thách thức trong hoạt động ứng dụng công nghệ, thiết bị và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của quốc gia và thế giới đối với các doanh nghiệp và trách nhiệm của cơ quan quản lý của tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới. Sở Khoa học & Công nghệ và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) đã ký thỏa thuận hợp tác trong hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường khoa học công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ tại Bình Thuận”.
Sản phẩm nông nghiệp xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường & Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), chia sẻ với các cơ sở, doanh nghiệp rằng, việc giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của Bình Thuận lần này nhằm tạo kết nối, phát triển đặc sản vùng miền của địa phương ra thị trường trong, ngoài nước; nâng cao uy tín thương hiệu của cơ sở, doanh nghiệp trên thị trường; góp phần tăng doanh thu hàng năm cho các doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách địa phương. Kinh nghiệm phát triển sản phẩm lợi thế ở Hàn Quốc là họ thường gắn câu chuyện liên quan đến sản phẩm để giới thiệu, thu hút khách hàng, cho họ quan tâm, chú ý hơn sản phẩm địa phương, vùng miền. Ở Bình Thuận, các cơ sở chế biến sản phẩm từ quả thanh long, có thể gắn chuyện chong đèn ban đêm vào mùa thanh long trái vụ, cho ra quả quanh năm, tươi ngon.
Thái Khoa